tnqh
 
 

     
          Trời đi vào cơn mưa, gió thổi tạt vào phòng lành lạnh, không biết có phải là cái lạnh heo may vào hồn của 36 phồ phường không nữa?  Đã bao lần em úp tay vào mặt, nhắm mắt mơ màng về quê hương yêu dấu.  Nơi đó có tháng ngày ươm dệt thương yêu của bố của mẹ.  Có hàng bún ốc chợ Đồng Xuân mẹ vẫn xúyt xoa khen ngon mỗi lần nhắc đến.  Có những cành đào hồng và đẹp như mâm xôi ngày Tết.  Phố Hàng Đào có mẹ là cô bé bán lụa hiền lành mắt chứa khói mộng mơ, có bố ngày hai buổi đạp xe đạp kính coong ngắm lén một nàng thơ.  Chao ôi!  Hà Nội của em "của em" đấy nhé sẽ đẹp thật đẹp huy hòang lắm lắm, dù bây giờ Hà Nội có tiêu sơ, dù Hà Nội bây giờ không còn là cô bé kinh đô 4000 năm văn vật.  Hà Nội ơi cho em nhắn gửi theo tiếng đại bác như chị Nhã Ca, mà thôi em chẳng gửi theo tiếng đại bác đâu vì Hà Nội sẽ giật mình rồi giận dỗi làm sao, em chẳng biết dỗ ai đâu đấy nhé.
          Buổi chiều buồn nhỏ nước mắt thành mưa bay, ngọn gió lãng đạm thổi những giọt nước âm thầm trên mái tóc, trên đôi vai, trên cánh tay đời rồi u buồn đọng nhẹ trên đôi mắt của quê hương, của một giải đất thương yêu nhỏ bé bị phân chia làm hai mảnh.  Hà Nội ơi! Nước Hồ Gươm còn xanh mầu trời, còn dõi hình gái Hà thành áo dài bay trong gió?  Hay lặng lẽ u buốn cúi mắt khóc quê hương?  Hà Đông ơi! Còn áo lụa của một thời vàng son xưa cũ? Còn phố hàng Đào của một thời danh vọng xa xưa? Hay tất cả đã điêu tàn vì khói lửa?
          Thôi xin cho em nhắn gửi đôi lời theo cánh mây ngàn từ Nam ra Bắc, bay từ Sàigòn đến đất Hà Nội mến yêu.  Có những buổi sáng ngồi trong lớp học, em nhìn từng làn khói mỏng ẻo lả chui ra từ những chiếc lá vàng bị góp lại un đốt. Những sợi khói xám mỏng lõang vào không gian Saigon ươm đầy nắng.  Em tưởng chừng đó là hơi nước đang bay lên từ giòng sông thương nhớ, đang kết tụ thành những đám mây trôi nhanh về Hà thành, trôi qua vùng Bến Hải với nhịp cầu Hiến Lương chối từ làm chim Ô Thước.  Những đám mây ơi! Cho em nhắn gửi đôi lời, cho mảnh đất này thôi không còn chinh chiến.  Cho những thằng con trai ngày vào Nam còn bé bỏng trên tay người mẹ hiền khỏi lìa ghế nhà trường, khỏi lăn mình vào lửa đạn để chiến đầu với những người cùng giở chung với mình trang lịch sử.  Để những người con của mẹ Việt Nam khỏi đi cho chinh chiến quê hương rồi một sớm một chiều chính những người con ấy giết hại lẫn nhau để cùng trở về với cát bụi.  Và rồi bên kia thế giới những con người ấy sẽ gặp nhau, cũng mầu da này, cũng vóc dáng này, cũng ngôn ngữ này, họ sẽ nắm tay nhau bỡ ngỡ để nghẹn ngào:  "Mình cùng là người dân nước Việt".

                                                          Nhất Khanh (1971)