Bai ke
 
 

        Tôi cắm cúi cố giải cho xong phương trình của bài toán.  Cổ tôi đã khô đắng vì hơn hai tiếng đồng hồ ngồi lì ở bàn mà vẫn chưa tìm ra những con số giải đáp.  Tôi mệt nhọc buông bút, chống cằm ngồi suy nghĩ không hiểu tại sao mình lại dốt toán đến thế.  Bỗng tôi nghe có tiếng đàn vọng sang từ căn nhà đối diện.  Tôi bực tức mở tung đôi cánh cửa sổ mà lúc nãy đã đóng lại vì quá nắng, nhìn ra để tìm xem con người nào mà kỳ quá vậy, lựa đúng lúc người ta đang làm bài để phá rối, làm ồn.  Chưa nhìn thấy rõ, tôi đứng dậy ra lan can, kiễng chân nhìn về phía căn nhà có con người kỳ quặc ấy.  Tôi chỉ thấy được dáng một người thanh niên ngồi ôm đàn quay lưng ra phía cửa sổ, thế thôi. 
        Tiếng đàn chợt ngưng lại, tôi quay vào khi thấy người thanh niên bỏ đàn xuống.  Anh ta đang lục lọi, tìm kiếm một vật gì.  Tôi trở vào bàn học tiếp tục loay hoay với những con số nhức đầu, bài toán vẫn chưa tìm ra đáp số.  Nhìn qua cửa sổ, sang căn nhà đối diện, tôi bắt gặp người thanh niên đứng trong khung cửa sổ mở rộng, trong khung cửa là một cái giá vẽ, có một vuông giấy căng sẵn, và hẳn người họa sĩ đang đứng đó?  Bỗng người thanh niên quay nhìn về phía tôi.  Tôi cúi xuống thật nhanh, vớ vội chiếc kính mát đeo vào.  Từ lâu, tôi vẫn có mặc cảm về đôi mắt của tôi.  Đôi mắt thật nhỏ, so với khuôn mặt bầu bĩnh của tôi, đúng tên của nó là “đôi mắt ti hí, không hợp với khuôn mặt tí nào”, như một lần tôi đã nghe mẹ lén than thở với chị Thư như thế.  Bà không muốn cho tôi nghe, bà sợ tôi sẽ có một mặc cảm xấu xí.  Nhưng mẹ đâu biết rằng con của mẹ đã biết được điều đó.  Tôi đã thấy sự bất hạnh trời dành cho tôi.  Có bao giờ tôi dám đứng thật lâu trước gương để nhìn thẳng vào đó đâu.  Tôi rất sợ phải nhìn thấy tôi trong đó, tất cả tôi trong đó thật rõ ràng.
        Người thanh niên vẫn đứng đó.  Anh đang phác họa trên khung giấy trắng, tôi không nhìn thấy được người ấy vẽ gì, nhưng theo hướng nhìn của anh, tôi đoán anh đang ghi lại hình ảnh tôi.  Một cảm giác vui vui len nhẹ vào hồn tôi.  Tự ái của người con gái dường như vừa được vuốt ve.  Nhưng tôi lại cảm thấy buồn ngay sau đó.  Tôi muốn chạy ra bảo với anh rằng: - “đừng cố nhìn tôi nữa, anh hãy tưởng tượng ra đi.  Này nhé, trên khung giấy trắng anh hãy lấy chiếc compass xoay một vòng thật tròn, rồi anh vẽ hai đoạn thẳng nằm ngang, một đường gẫy ở chính giữa và một chấm nhỏ ở dưới đường gẫy đó.  Đó chính là khuôn mặt của tôi.  Tôi gục đầu trên trang sách vở chi chít số, chiếc kính được tháo ra nằm gọn trong tay tôi.  Tôi thèm được nghe một lời an ủi.  Vâng, chỉ một lời thôi để nghĩ rằng mình không xấu.
       Anh vẫn đứng đó bên cây đàn, tay dựa vào thành lan can, mắt nhìn xuống đường.  Điếu thuốc trên tay anh đã cháy tàn.  Tôi ngồi ở bên này, nép mình trong khung cửa sổ nhìn ra.  Tôi chưa biết anh là ai, từ ngày dọn về đây.  Mỗi chiều ngồi vào bàn học, tôi vẫn thấy anh đứng bên khung vẽ, giấy căng sẵn.  Nhưng suốt một tuần liền hình như anh chưa hoàn thành được bức tranh muốn vẽ.  Dường như anh có điều gì suy nghĩ ghê lắm,  nét suy tư hằn rõ trên khuôn mặt anh. Tôi vẫn chưa dám nhìn kỹ anh, nhưng qua mầu tím của chiếc kính, theo tôi, đó là một khuôn mặt không xấu, nếu không nói là khá lý tưởng. 
        Cơn mây đen từ xa bỗng dưng kéo đến giăng kín cả một khung trời.  Tôi bước nhanh ra lan can kéo tấm mành sáo xuống.  Anh ngửng đầu lên nhìn tôi, miệng mở một nụ cười.  Tôi muốn đáp lại nụ cười ấy, dù chỉ là một nụ cười thật bâng quơ.  Nhưng tôi lại lặng lẽ cúi đầu bước vào.  Chiếc mành sáo ngăn tôi và anh.  Ở bên đó có một lần nào anh chợt nghĩ đến tôi?  Trong một thoáng tình cờ thôi, anh nghĩ gì về tôi nhỉ?  Một đứa con gái suốt ngày với chiếc kính màu che mắt.  Sáng đi học, trưa về rút lên lầu nằm xem báo, học bài.  Thì giờ còn lại để đùa chơi với vườn cây xinh xắn hay tập tành những giòng nhạc thương yêu bên chiếc dương cầm.  Mười ngón tay vụng về bấm nhẹ trên phím đàn.  Bản “Bến Xuân” nằm hững hờ trên gía.  Có bao giờ tiếng đàn tôi điêu luyện bằng tiếng đàn của mẹ trong những bản nhạc mẹ vẫn thường đàn cho cả nhà nghe ? 
        …  Buổi tối lúc ba tôi cắm cúi bên chồng sách giáo khoa trong phòng sách, chị Anh Thư loay hoay bên bàn ăn với những xấp giấy kiểm tra, mẹ ngồi bên tôi bên chiếc dương cầm gần đó và bắt đầu dạy tôi đàn.  Chợt trong phút giây mẹ dừng lại , đôi mắt nhìn vào khoảng xa xăm, tôi biết mẹ đang nghĩ đến người con trai lớn nhất của mẹ, giờ này nơi vùng cao nguyên heo hút đó, biết con của mẹ có được bình yên trong giấc ngủ hay đang ở bên những chiếc kìm kẹp với những người thương binh đang nằm rên siết. Hình ảnh đó làm xao động lòng mẹ thật nhiều.  Đứa con lớn đã nhìn mẹ thiết tha:
        - Con muốn đem đôi tay này xoa dịu những vết thương mà chiến chinh đã tạo ra mẹ ạ, chỉ thế thôi, bằng lòng cho con đi mẹ nhá! -
        Mẹ đứng dậy, bảo tôi đàn cho mẹ nghe.  Tôi ngại ngùng để tay trên phím.  Tiếng đàn chợt lạc lõng, chơ vơ. Mẹ mỉm cười lắc đầu, tôi sà vào lòng mẹ nũng nịu, con gái út của mẹ mà.  Mẹ chợt nâng cằm tôi nhìn sâu vào đôi mắt tôi, đôi mắt thuần túy không bị che lấp bởi chiếc kính màu.  Mẹ nói thật nhẹ:
        - Cưng của mẹ ráng học cho giỏi đi rồi mai mốt…
Mẹ chợt dừng lại ở đó nhưng tôi biết được những lời sau của mẹ.  Mẹ muốn con gái mẹ trở thành một dược sĩ cho mẹ nhờ, mẹ ước muốn như vậy.  Mẹ chuẩn bị cho chị Anh Thư từ lúc mới bắt đầu thi tú tài để cho chị vào học dược, nhưng rồi chị Anh Thư trái ý mẹ, chị chọn theo con đường của ba.  Mẹ không ép buộc nhưng mẹ buồn thật buồn khi mẹ nghe chị Thư báo tin đậu vào Sư Phạm. Chị Thư cúi đầu buồn bã ôm xấp giấy lên phòng.  Chị nghe tiếng thở dài của mẹ.  Mẹ đứng dậy trở về phòng và tôi cũng tắt ngọn đèn phòng khách.  Dưới nhà chỉ còn lại ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn để đêm…      
        Tiếng mưa rơi đều đều trên mái nhà. Tôi mường tượng đến dòng nước đục ngầu mang tất cả bụi bậm từ sân thượng theo ống dẫn nước đổ xuống khoảng sân sau. Không đóng cửa sổ, tôi để cho những hạt mưa từ ngoài chiếc mành sáo hắt vào bàn học. Cơn mưa đầu mùa mang theo mùi đất ẩm xông lên nồng nặc. Tay hứng lấy những giọt mưa đơn độc đó, tôi để lên mũi ngửi. Tôi muốn tìm ở đó một mùi vị tanh tanh của máu, hôi thối của xác người, mùi nặc nồng của thuốc súng và vị mặn của nước mắt khi mưa vô tình đi qua một vùng chiến tranh có trận chiến nào đó vừa tàn.  Với những gì còn lại mưa đem đến cho tôi tất cả để tôi khóc như một lần tôi chợt khóc bên hình ảnh của người thương binh trong Tổng Y Viện Cộng Hòa mà tôi đã đến viếng thăm.
        Tiếng đàn vang thật nhỏ trong mưa.  Tôi ngồi lặng im bên bàn học và lắng tai nghe tiếng hát của anh thật cố gắng trong một bài hát nào đó quen quen…” Mẹ khuyên con tiếng nấc nghẹn ngào, à ơi con hỡi đừng lìa nhau, đạn bay trên cao đạn tuôn về xóm nghèo, lìa nhau cho non nước tiêu điều…” Tiếng mưa gào lên che lấp cả tiếng hát đó.  Tôi muốn giữ lại trong tôi hình ảnh anh thật thiên thần, anh nhé.

*
*  *

        Tiếng động từ căn nhà đối diện làm tôi quay lại, từ trong cửa sổ, hai cánh tay thon dài thò ra đẩy nhẹ hai cánh cửa, và em đứng dậy. Tôi chợt reo lên nho nhỏ, người hàng xóm mới của tôi.  Hơn một tuần lễ từ khi em về đây, cánh cửa sổ vẫn im lìm khép chặt, khiến cho tôi càng tò mò muốn biết mặt người hàng xóm mới.  Và em từ trong khung cửa chính bước ra.  Chiếc kính to đen che gần nửa khuôn mặt, tôi ngẩn ngơ, không hiểu sao em lại dấu che đôi mắt sau chiếc kính vô duyên ấy. 
        Có những buổi trưa nhìn sang sân nhà em, tôi bắt gặp em ngồi thu gọn trong chiếc ghế nhỏ bên cạnh gốc hoa hồng, mái tóc xõa dài ngang vai nghiêng nghiêng theo em cúi xuống. Khuôn vải trắng xinh xinh trong tay em, có phải em đang cặm cụi ngồi thêu những cánh hoa trên chiếc khăn tay nhỏ? Những chiếc khăn tay đó sẽ được gởi đi theo những lá thư học trò ra đến tận tuyến đầu để làm qùa cho người chiến sĩ đang ghìm chặt tay súng giữ quê hương? Em ngồi đó, mái tóc che khuất cả khuôn mặt, nhìn đôi tay em nhịp nhàng trên khung vải, tôi thấy yêu đôi tay đó lạ lùng. Bỗng dưng tôi chợt muốn có em ngồi bên tôi để tôi nhờ tay em thêu hộ tôi những ngôi sao đỏ trên chiếc áo blouse trắng.  Để tôi ngồi nhìn em thật lâu, ngắm em trong nét buồn thầm lặng đó và để tôi có thể ghi lại hình ảnh em dịu dàng trên khung giấy trắng.
        Có những buổi chiều gió hiu hiu thổi, tôi đã đứng thật lâu ở một góc lan can nhìn em tung tăng dưới giàn hoa thiên lý chi chít hoa, những chùm hoa màu thật dễ thương, không hẳn là màu xanh, không hẳn là màu vàng, màu được mệnh danh là màu hoa thiên lý.
Chiếc áo ngắn tay màu vàng làm em trắng hơn và có vẻ xanh xao hơn.  Ở em, tôi bắt gặp một vẻ xanh xao, yếu đuối, và tôi yêu em ở cái vẻ xanh xao đó. Cuộc sống của em thật lặng lẽ như giòng nước trôi xuôi,  từng ngày lại từng ngày tôi vẫn bắt gặp em với những khuôn sáo cũ thật đều đặn.
        Một buổi tối nào đó tôi nghe có tiếng dương cầm từ nhà em vọng sang,  và tiếng đàn em tự dưng ngập ngừng rồi im hẳn.  Tôi muốn chạy sang ngồi bên cạnh em, bảo em ngồi đó đi bên chiếc đàn, mười ngón tay ngà ngọc sẽ lướt nhanh trên phím, và chúng mình sẽ cùng nhau dạo một khúc nhạc yêu thương.
Ánh đèn điện bật lên từ ban tối không soi rõ con hẻm dài hun hút.  Tôi chợt cúi đầu bên ly café đắng, khói thuốc bay tan loãng trên trần nhà.  Khung giấy trắng trước mặt gợi cho tôi một nỗi buồn nhè nhẹ.  Tại sao thế nhỉ, tại sao tôi không thể ghi lại chân dung em trên khung giấy ấy, dù rằng tài vẽ của tôi cũng không đến nỗi gọi bỏ đi?  Nhưng rồi tôi lại muốn ích kỷ với chính tôi, tôi muốn ghi lại hình ảnh em ở một nơi khác mà giòng thời gian sẽ không xóa nhòa được, tôi muốn vẽ lại em trong tim tôi với một hình ảnh thật yêu kiều.
Có những đêm không ngủ được, tôi lên sân thượng, đứng tựa vào thành tường nhìn lên trời để đếm những ánh mắt hỏa châu lung linh trên trên nền trời cô độc, để lắng tai nghe tiếng đại bác ầm ì vang vọng từ xa xa.  Có bao giờ em suy tư về cuộc chiến trên quê hương mình hôm nay không em, chắc chắn là phải có.  Em cũng như tôi đang oán hận chiến tranh? Chiến tranh là một bức màn đen ngăn đường đưa đến tương lai, nó làm tuổi trẻ chúng ta hốc hác thật nhiều.  Những lần theo đoàn sinh viên về công tác ở những vùng quê, tôi hăng say với nhiệm vụ mới của mình để sửa lại những cây  cầu bị gãy đổ.  Vừa vác gỗ, vừa ôm búa tôi vừa ngước lên nhìn về phía trời xa, ở đó, từng cụm khói đen bốc lên cao ngất và tiếng máy bay quần thảo không ngừng.  Tôi thấy cay cay trên đôi mắt, xây dựng nơi này để đổ vỡ đằng kia.  Tôi muốn gào to lên: - “ Thượng Đế ơi!  Tại sao người lại bất công với quê hương con, tại sao tang tóc vẫn phủ trên đầu chúng con, những người trẻ với bước chân trần trên nền đất ẩm lo đi xây dựng một tương lai, dựng lại những điêu tàn đổ vỡ.” -  Tiếng hát nào đó từ đâu ngập ngừng rồi vang lên thật cao. – “Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang chiến tranh, xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình, xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa ấm êm, xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang khó khăn…”  Tôi muốn ứa nước mắt, vâng, xin chọn nơi này làm quê hương…Tôi nghĩ đến một ngày nào đó tôi sẽ rời xa thành đô với muôn ngàn ánh hoa đèn rực rỡ, hòa mình vào sương gió để xây dựng cho quê hương một tương lai tươi sáng ấm êm.  Ngày đó, hành trang tôi mang theo là hai mươi mốt năm quá khứ, cả một mùa xuân ở khung trời nhỏ, trong đó có em - người hàng xóm luôn luôn im lặng - mà chưa bao giờ tôi tìm gặp…ánh mắt em.

                                        Bảo Trân – LTM  (1971)