(Nhánh Lá Me Xưa II)

Tùng đứng ở đầu cầu thang máy nhìn theo dáng gầy nghiêng của Đạt thấp dần theo lối đi xuống.  Hơn mười năm rồi Đạt vẫn giữ được vóc dáng ngày xưa.  Đạt giải thích tại tướng hắn là tướng mình dây nên không mập được.  Tùng thì bảo tại vợ bỏ đói nên xương sườn, xương sống mới có dịp phô trương.  Đạt cũng chẳng chịu thua, hắn cứ chọc mãi cái bụng xì thảu của Tùng, hắn cứ bảo Tùng không có khác gì mấy ông Tầu bán thịt quay ở Chợ Lớn.  Thật ra thì Tùng có phát tướng một chút nhưng đâu đã đến nỗi là cái thùng nước lèo như Đạt nói, mà không thành xì thảu cũng không được với mỗi ngày chỉ có ăn và ngồi, công việc bàn giấy đã làm Tùng mất đi cái dáng dấp thanh tao của những ngày còn là thư sinh. Nhiều lần Tùng đã tự bảo mình là phải tìm giờ tập thể dục lại cho thân hình được gọn gàng hơn nhưng sau những giờ lái xe về đến nhà là Tùng chỉ muốn nằm lăn ra ngủ.  Mỗi ngày Tùng phải lái hơn một tiếng đồng hồ từ nhà đến sở làm, thêm một tiếng từ sở về nhà.  Vì không muốn vật lộn với giòng xe cộ đông đảo nên buổi sáng Tùng đã phải đi sớm, và khi về Tùng lại phải ở nán lại cho đến quá giờ tan sở nên hôm nào về đến nhà cũng tám, chín giờ tối.

Chân vừa chạm đất Đạt đã nói với lên:

-  Về đến nhà gọi cho tao nhé.

Tùng gật đầu đưa tay vẫy chào bạn.  Tùng lững thững đi vào phòng đợi.  Chuyến bay về New York hôm nay vì lý do kỹ thuật nên sẽ khởi hành trễ hơn giờ đã định đến nửa giờ.  Tùng sẽ có cả nửa giờ trống trải.  Tùng không lấy làm bực mình, chàng đã quá quen rồi với những đợi chờ này.
         
Đáng lẽ thì Đạt đã ở lại với Tùng cho đến giờ lên máy bay, nhưng khi đang ngồi nói chuyện với nhau thì có điện thọai của sở gọi có việc khẩn cấp nên Đạt phải trở về.
         
Tùng bước sang quán giải khát cùng khu vực, gọi một ly cocktail nhâm nhi giết thì giờ.  Ngồi một mình, nhìn qua khung kính lớn phi trường, thấy người rộn rịp đón đưa nhau Tùng lại nhớ…
         
Chuyện đã năm hôm rồi nhưng Tùng có cảm tưởng như là mới tối hôm qua, như chuyện mới xảy ra…

&

Tùng sang Cali với công tác hãng, một nhà bank ở New York, chuyên cho vay tiền đầu tư.  Hãng Tùng đang đến hồi phát đạt.  Nhân có một ngân hàng nhỏ chuyên tài trợ địa ốc ở Costa Mesa đang đến hồi phá sản, hãng Tùng muốn nắm lấy cơ hội này mở rộng chi nhánh về miền Tây.  Michael vẫn là nhân vật đi đầu lo việc điều đình buôn bán, và công việc của Tùng là phải xem xét giấy tờ, sổ sách cho thật hòan hảo.
         
Ở Cali Tùng có hai thằng bạn thân từ ngày còn ở trung học: Đạt và Thảo. Khi Đạt mới dọn về Cali thì còn ở gần Thảo, nhưng khi lập gia đình rồi thì Đạt dọn nhà lên một vùng thung lũng xa xăm, nên mỗi thằng ở một hướng.  Thảo ở phía Đông Nam còn Đạt thì ở tận miền Tây Bắc.  Nhìn bản đồ thì Đạt ở xa Orange County quá, hơn nữa tụi hắn là vợ chồng son, thêm giờ giấc đi làm khác biệt nhau nên Tùng ngại.  Tùng gọi điện thọai cho Thảo, nói cho Thảo nghe cái chương trình Tùng đã sắp đặt: Tùng sẽ đến phi trường John Wayne buổi chiều thứ sáu, từ phi trường Tùng sẽ mướn xe về thẳng khách sạn cách đó không xa.  Đi làm về Thảo đến đón Tùng đi ăn.  Thứ bảy Michael đến, Tùng phải làm hướng dẫn viên giới thiệu cho Michael biết cái đặc biệt của Tiểu Sàigon.  Chúa nhật Tùng và Michael sẽ làm một chuyến viễn du sang Mễ.  Thứ hai bắt tay vào việc, công việc mua bán có thành hay không thì thứ sáu Tùng và Michael cũng phải trở về.
         
Đã hơn tám năm rồi Tùng mới trở lại Cali, sau ngày gặp lại Thảo trong buổi họp trại hướng đạo tòan quốc.  Thảo là một trong bốn thằng bạn thân của Tùng từ hồi còn ở Đà Lạt:  Thảo, Đạt, Hùng, Quân.  Bọn Tùng đã học với nhau hết bẩy năm trời trung học, vào hướng đạo cùng thời, chơi chung với nhau một kha.  Năm thằng có năm cá tính khác biệt nhau, vậy mà đi đâu cũng có nhau, thân thiết nhau như anh em.
         
Thảo, có tên là Thảo đồng hồ, bởi vì hắn lúc nào cũng quan tâm với giờ giấc cứ y như là cái đồng hồ.  Mưa hay nắng gì hắn cũng đến đúng giờ, chắc tại hắn là kha trưởng nên kỷ luật nhập tâm.  Thảo ghét thậm tệ những tên xài giờ cao su, đi chơi với hắn cũng khổ như đi họp, thằng nào đến chậm là bị nghe hắn cằn nhằn ngay.
         
Quân tà tà, vì cái tánh sao cũng được, Quân hiền lành nhất bọn, lại hay chiều bạn,  Quân lại bắt chước người xưa dĩ hòa vi quí nên ai có nói gì thì Quân cũng chỉ gật đầu cười.
         
Đạt tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đa tài, vẽ đẹp, hát cũng hay, và nấu ăn cũng giỏi.  Đạt khéo tay, khéo chân nên vẫn giữ chức nội tướng của cả nhóm.  Hắn là hiện thân của một bà mẹ đảm, li chi chăm chút cho con cái trong nhà.  Nếu ví Thảo như là một ông bố khó tính thì Đạt là một bà mẹ hiền lành, một nơi nương tựa của anh em khi cần có sự hòa giải.
         
Hùng thì nhút nhát, trái ngược với cái tên Hùng của hắn, cộng thêm cái bộ dạng trắng trẻo và yểu điệu như là con gái.  Hùng lại hay mắc cở, cứ nhìn thấy tà áo hồng nào thấp thoáng là mặt hắn còn hồng hơn.  Nhà hắn lại đông chị em gái, chỉ có mỗi một mình Hùng là trai, nên ông bố Hùng cưng chiều Hùng hết mực, ông chăm chút cho hắn còn hơn cả bẩy cô con gái của ông nữa.  Bọn Tùng vẫn trêu Hùng là vần trăng sáng của nhóm sao có tên là thất tinh bán nguyệt. 
         
Tùng thì ngoại giao khéo, bọn chúng cứ bảo Tùng nói nhiều, tụi nó đặt cho Tùng cái tên Tùng liến thoắng, hay Tùng quảng giao.  Mỗi lần đi trại vùng xa là Tùng lại được lên chức tổng trưởng ngoại vụ chỉ để đi ngoại giao xin nước lửa.  Ấy vậy mà kỳ đi Phan Rang vừa rồi cả đòan đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền đường cũng nhờ tài ngoại giao khéo léo của Tùng nên cả bọn mới được quá giang về trên những xe hàng chở cá.
         
Hết trung học cả bọn chia tay, mỗi đứa theo một ngành khác biệt.  Bốn đứa vế hết Sàigòn, chỉ còn mình Thảo ở lại Đàlạt học Chính Trị Kinh Doanh.  Quân vào Nông Lâm Súc, Hùng học Sư Phạm, Hùng và Quân ở trọ nhà của chị Quân ở vùng Thị Nghè.  Đạt vào Kỹ Thuật Phú Thọ, Tùng đi Luật.  Ở cùng một thành phố, gần như vậy nhưng ít khi mấy thằng có dịp đi chơi chung với nhau, bọn Tùng chỉ có thể làm một cuộc họp mặt trong những ngày nghỉ lễ, nghỉ hè về thăm nhà, thăm Thảo.
         
Sau 75 Tùng gặp Đạt ở Fort Chaffee.  Hai thằng ở hai cái barrack gần nhau.  Thảo thì di tản đến Camp Pendleton, mãi đến ngày họp trại hướng đạo tòan quốc ở Arkansas mới gặp lại.  Quân,  Hùng kẹt lại ở Việt Nam, sau năm 80 mới sang được Mỹ qua chương trình bảo trợ Walk People.
         
Quân bây giờ làm chủ một tiệm bánh Croissant ỏ một miền xa xôi tận tiểu bang Washington.  Hắn có gia đình, vợ mới sinh đứa con gái đầu lòng.
         
Đạt đã theo vợ về quê ở Cali.  Trước đây Đạt ở Maryland với người chị thứ hai sau ngày rời trại.  Đạt học hết bốn năm đại học, ngành computer, Đạt sang Cali tìm việc, cưới vợ rồi ở luôn bên ấy. 
         
Thảo là kỹ sư, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.  Thảo làm cho một hãng điện tử gần nhà, hắn cũng có gia đình, hai đứa con trai đã đến tuổi cắp sách đến trường.
         
Hùng con gái dạn dĩ hơn, ít mắc cở hơn, hắn đang làm cho một công ty dầu hỏa ở Texas, có một dạo đã tưởng là đi lên San Francisco nhập đạo không thích người khác phái, nhưng rồi cuối năm nay hắn cũng sửa soạn khăn gói lên xe hoa.
         
Còn lại một mình Tùng vẫn cô đơn.
         
Đã hơn bốn năm nay, chức vụ mới bắt Tùng phải rày đây mai đó, tháng này là Chicago, tháng sau là Florida, rồi New Jersey, California, Arizona, Luân Đôn, Paris…Những lần đi liên miên này làm mẹ Tùng sốt cả ruột.  Bà lo cho thằng con trai độc nhất còn lại trên đất nước người.  Anh cả Tùng, một vết hằn Phước Long đau xót.  Anh hai Tùng thì quyến luyến gia đình bên vợ nên phút cuối cùng kẹt lại ở Việt Nam.  Bà cứ dục giã Tùng lấy vợ gấp rút cho bà có dịp bồng ẵm cháu nội trước khi nhắm mắt, mà Tùng thì đến giờ này vẫn chưa thể cho bà một câu trả lời chắc chắn.
         
Tùng không hiểu sao mình lại khó tính đến thế.  Ở trong vùng Tùng ở cũng có nhiều cô gái Việt Nam thật xinh, thật dễ thương đang chờ đợi Tùng đến xin đôi bàn tay mà Tùng vẫn dửng dưng.  Hơn mười năm rồi Tùng vẫn giữ một ước nguyện tìm lại cho mình màu lá me xanh dịu dàng của một buổi tan trường năm cũ…
         
Và chuyện bắt đầu từ khi Thảo đưa vợ đến đón Tùng đi ăn.  Tùng sững người khi nghe Thảo giới thiệu tên Ti, cái tên mà đã mười năm gợi nhớ…ánh mắt đó sao nhiều quen thuộc…Tùng như người trong cơn mộng du, Tùng mặc cho Thảo tự do điều khiển chương trình.
         
Suốt một buổi tối ngồi đối diện với Ti, Tùng đã biết mình không lầm.  Tùng vẫn không sao quên được khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương và chiếc răng khểnh làm duyên, cả mái tóc cắt ngang vai kia nữa, sau bao nhiêu năm mà mái tóc ấy dường như không hề dài thêm một đoạn nào cả.  Lúc đầu Ti không nhận được Tùng bởi vì Tùng đã thay đổi nhiều, Tùng có vẻ già dặn và điềm đạm hơn xưa.  Không dằn được lòng, Tùng đã gợi lại câu chuyện dưới hàng me xanh trước cửa một ngôi trường năm cũ để cúi mặt nghẹn ngào khi nghe Ti nhận mình là Ti của Văn Khoa mười năm trước.  Ti cũng ngỡ ngàng không kém Tùng, cả hai người đều ngậm ngùi.
         
Ngày hôm sau Michael đến, Tùng đi đón và dẫn thằng bạn Mỹ đi ăn cơm Việt Nam, gỏi cá, rồi hai người đến vũ trường.  Hai người ở lại vũ trường đến tận giờ đóng cửa.  Tùng nhảy mệt đừ người.  Tùng quen thêm được một vài người bạn gái mới, những người con gái thật vui nhộn.  Những người con gái này làm Tùng lại nhớ đến Ti.  Cả đêm trước, Tùng, Thảo, Ti chỉ ngồi nghe ca sĩ hát, không ai ra sàn nhảy, bởi vì từ trước đến giờ Ti vẫn bảo, Ti rất ghét những người biết nhảy.
         
Công việc xong sớm hơn dự định những hai ngày.  Michael đổi chuyến bay ghé lên Oakland thăm người chị ruột và đứa cháu gái vừa sanh được hai tháng.  Tùng chưa muốn về New York vội.  Tùng đổi chuyến bay về từ phi trường Los Angeles, rồi gọi cho Đạt trước khi trả xe và tính tiền phòng. Lần này thì Tùng không còn ngại là Đạt ở xa nữa.  Tùng bắt Đạt nghỉ làm một ngày để đón Tùng về trên Đạt.  Từ nhà Đạt, Tùng sẽ ra thẳng phi trường LA về New York ngày hôm sau.
         
Từ Simi Valley Đạt xuống Irvine đón Tùng.  Hai người ghé chợ hải sản ở Tiểu Sài Gòn  mua một lô đồ biển về cho Đạt trổ tài làm bếp.  Sang bên này, Đạt có dịp nấu nướng nhiều hơn xưa.
         
Buổi tối Phượng đi làm, hai người dẫn nhau ra balcon trên lầu ngồi nhậu bia hộp với mấy món nghêu xào húng quế, tôm rang muối, ghẹ hấp.  Vùng nhà mới nơi Đạt ở thật vắng lặng.  Nhà Đạt được xây trên một khu đất cao, đằng sau nhà là một vùng đất dốc xuống nên từ ở chỗ ngồi này Tùng có thể nhìn thấy cả một vùng thung lũng hoa đèn lấp lánh dưới chân đồi.
         
Tùng ngồi im nghe Đạt huyên thuyên nói về công ăn việc làm của hai vợ chồng hắn.  Đạt bây giờ là một nhân vật quan trọng của sở, hắn tòan quyền điều khiển một system computer của một hãng thầu lớn, chuyên làm về bộ phận máy bay. Đạt đi làm ca ngày, giờ giấc thỏai mái, nhưng pager phải mở sẵn hai mươi bốn tiếng đồng hồ, khi nào có việc cần là Đạt phải có mặt ở sở ngay.  Phượng là y tá, đi làm ca hai, gần mười hai giờ mới về đến nhà.  Phượng đang chờ đến cuối năm này đủ thâm niên để đổi sang ca ngày.
         
Tùng biết Phượng từ hồi còn ở Việt Nam, ngày Phượng đang học năm thứ hai Kinh Thương Minh Đức.  Năm đó, tự dưng Tùng có nhiều thì giờ để đi cặp kè với Đạt, nên vẫn thường đến tìm Đạt, lúc đó đang trọ học ở nhà Phượng.  Chuyện tình của Đạt và Phượng êm đềm như một giòng suối nhỏ.  Hai gia đình đã quen biết nhau trên chuyến tàu há mồm ngày di cư vào Nam.  Hai ông bố có cùng một sở thích đánh mạt chược như nhau.  Sau này ra định cư hai gia đình lại ở cùng một khu phố.  Hai bà mẹ đã nhìn nhau mỉm cười khi chú nhỏ Đạt và cô bé Phượng nắm tay nhau dung dăng dung dẻ đến trường.  Khi chú nhỏ Đạt bắt đầu vào trung học thì bố Đạt bị thuyên chuyển về Đà Lạt, nhưng không quên để lại địa chỉ để mỗi kỳ hè gia đình cô nhỏ Phượng có dịp gửi con bé ngày xưa lên thăm xứ hoa đào.  Và sau này khi Đạt trở lại Sài Gòn vào đại học đã không ngần ngại đến căn nhà hàng xóm ngày xưa xin ở trọ.  Nếu không có một ngày cuối tháng tư năm 1975 thì mùa Noel năm đó Đạt và Phượng đã làm lễ thành hôn.
         
Gia đình Đạt kẹt lại ngày cuối cùng ở sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ có mình Đạt di tản được với anh chị sang Fort Chaffee, còn Phượng thì theo gia đình đến Camp Pendleton.  Những ngày đầu thư từ khó khăn Phượng cũng đã cầy cục nhờ  bạn bè ở Pháp tìm cách liên lạc với gia đình Đạt, lúc này đã về lại ở Sài Gòn.  Mãi đến gần hai năm sau Phượng mới tìm được Đạt, lúc đó đang đi học ở Maryland, và đang làm part time cho một ban nhạc mỗi cuối tuần.  Học xong, Đạt vẫn còn muốn nấn ná ở Maryland chưa chịu sang Cali vì ban nhạc đang đến thời kỳ nổi tiếng, thì Phượng gởi tối hậu thư, một là theo vợ về quê, hai là gửi quà sang mừng hôn lễ.  Thế là Đạt hấp tấp khăn gói quả mướp ra đi.
         
Tùng ngồi lặng im thật lâu nhìn xuống vùng thung lũng hoa đèn giăng tấp nập đằng xa, không để ý là Đạt đã ngưng nói từ lâu.  Nỗi nhớ Ti dào dạt dâng trào.  Đạt đưa tay ngăn khi Tùng kéo nắp hộp bia thứ bốn.  Khi thấy Tùng lặng im là Đạt biết Tùng đang có chuyện buồn, vì thường thì Tùng nói nhiều ghê lắm, Đạt hỏi:

-  Công việc đến đâu rồi?

-  Vẫn thường.

-  Tìm được nàng chưa?

Tùng lại im lặng.  Đạt vẫn là thằng bạn duy nhất để Tùng trút hết nỗi niềm tâm sự.  Đạt cũng là người đã lặn lội với Tùng đi từng dãy barrack để tìm mỗi một cái tên Ti.  Đạt cũng là người duy nhất biết được trong tim Tùng từ mười năm nay tiềm tàng mỗi một bóng hình Ti.        

Mỗi lần điện thoại cho nhau, sau khi nói hết chuyện trời mây mưa gió Đạt vẫn không quên hỏi Tùng một câu: “Tìm được nàng chưa?” để nghe Tùng hăm hở trả lời: “Sẽ gặp”.  Đạt nhìn Tùng chờ đợi.  Tùng gật đầu.  Đạt hỏi dồn dập:

-  Gặp lại rồi sao?  Bây giờ nàng ở đâu vậy? Có gia đình chưa hở?

Tùng cắn môi:

-  Ti đó.  Ti của Thảo đó!

Đạt ngỡ ngàng:

-  Thật vậy sao?

Tùng buồn bã gật đầu.  Đạt ngả người ra ghế:
 
-  Ừ, tao cũng không để ý là vợ Thảo tên Ti, ai có ngờ đâu là người mày đi tìm.

Tùng thở dài:

-  Tao cũng không để ý thật, mà đúng ra thì tao cũng chẳng biết họ tên của Ti để mà để ý.  Với lại, ngày đó bận cái conference ở Luân Đôn không về ăn đám cưới Thảo được, nhận được thiệp, gửi quà cho nó xong tao cũng quên luôn.

Đạt xoay quanh lon bia trong tay:

-  Thảo biết không?
         
Tùng lắc đầu:

-  Nhưng Ti biết.

-  Mày hỏi?

Tùng gật đầu.  Đạt tắt lưỡi:

-  Gợi lại chuyện cũ để làm gì, thêm rắc rối thôi.

Tùng tức tối:

-  Ở vào trường hợp mày thì mày có hỏi không?  Mày có chịu chôn vùi nỗi ấm ức trong lòng không?

Đạt nói:

-  Cũng không trách được mày.  Ông Trời oái ăm thật.  Bây giờ mày định sao?

-  Định gì?

-  Tao muốn nói là quên đi chứ?  Thảo Ti có một gia đình hạnh phúc.

Tùng rời ghế bước ra tựa người lên thành lan can, nhìn vào khỏang không gian xa xôi, mơ màng:

-  Rồi thì cũng phải quên.  Tao tự hỏi, mai này có dịp về lại Cali biết tao có còn can đảm đến gặp lại Ti không?

Đạt kêu lên:

-  Tao chỉ yêu cầu mày một điều, dù sao chăng nữa thì tụi mình chỉ có năm đứa, mày không nên…

Tùng ngắt lời Đạt:

-  Mày yên chí, tao không đến nỗi tệ thế đâu.  Tao chỉ muốn nói là ít gặp gỡ nhau, có thể là trong một thời gian, cho lòng tao bớt sôi động.   Tụi mình năm thằng đã từng buồn vui có nhau trong bao nhiêu chục năm nay thì không có lý do gì để bây giờ chia cách.

&

Tiếng loa gọi hành khách lên chuyến tàu đi New York vang lên đưa Tùng về với thực tại.  Tùng uể oải đứng lên.  Chưa bao giờ Tùng thấy mình mệt mỏi như phút giây này.  Theo bước chân người Tùng chui vào trong lòng chiếc phi cơ rộng lớn.  Chỗ ngồi của Tùng ở ngay bên cạnh cửa sổ.  Kéo tấm màn ngăn ánh sáng lên Tùng có thể nhìn thấy một khoảng trời xanh bao la.  Chỉ vài phút nữa thôi chiếc máy bay sẽ đem Tùng rời xa khung trời Cali nắng ấm, rời xa người Tùng mới gặp lại sau hơn mười năm trời xa cách, người Tùng đã từng mong nhớ, tìm gặp, nay lại phải tìm cách để lãng quên.

Tùng nhét cuống vé máy bay vào bên trong túi áo vest.  Tay Tùng chạm phải một tờ giấy mềm mại.  Bài thơ của Ti, ở đó.  Hôm qua đã định đưa cho Đạt đọc, nhưng Tùng lại thôi.  Bây giờ tờ thơ đó trở thành một kỷ vật.  Kỷ vật này chỉ có Tùng và Ti biết, chả lẽ, tình mười năm còn lại chút này thôi…

Tiếng người nữ tiếp viên hàng không dịu dàng vang lên trong máy, đón chào hành khách của chuyến bay đi New York.  Rồi đèn hiệu bật sáng, và máy bay lăn bánh di chuyển.   Tùng ngả đầu ra sau đệm ghế êm ái nhìn nhà cửa, cây cối đi giật lùi phía sau.  Chiếc máy bay thét gầm nhấc bổng Tùng lên trời cao.  Thành phố Los Angeles thấp dần phía dưới.  Tùng nhắm mắt thì thầm:  “Giã từ Cali, giã từ Ti, giã từ hết những ngày yêu dấu cũ xa vời…”

                                                                             Bảo Trân (1985)