Trời sắp vào Xuân, chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu một năm mới.  Hai cây đào cổ thụ ở trước ngõ vào nhà tôi đã trổ thật nhiều hoa, những cành hoa kép chi chít nhau làm hồng cả một góc đường, chả bù cho cây đào con ở trước cửa nhà tôi chỉ lác đác điểm một vài cánh hoa trên đầu ngọn những cành cao. Năm ngoái, bằng giờ này tôi đã cắt được mấy cành to đủ một bình hoa chưng phòng khách. Chắc tại năm này bận rộn tôi quênchăm nên nó hờn không thèm đơm hoa nữa.

             Nơi tôi ở là một khu vực mới phát triển, nằm ở một vùng đèo heo hút gió.  Để quyến rũ khách đến mua nhà, những nhà thầu xây cất đã có sáng kiến trồng những loại cây khác nhau trên những con đường dẫn vào mỗi khu vực, vừa làm đẹp thành phố, vừa là đặc điểm của mỗi vùng nhà.

             Có bốn con đường chính dẫn vào bốn khu nhà mới. Mỗi con đường được tô điểm bằng mỗi màu sắc khác biệt nhau.  Con đường vào Hearthstone trắng xóa với hoa Magnolia; Hidden Valley thì tím ngắt với hoa Jacaranda; Falcon Ridge đỏ rực với cành lá Maple; và Heaven Place thì hồng thắm sắc Cherry Blossom.

Ngày đến mua nhà, người phố núi và tôi ngơ ngẩn không biết nên chọn nơi nào, bởi vì bốn con đường dẫn vào bốn vùng nhà đều quyến rũ. Khó khăn lắm mới có thể làm được một cuộc chọn lựa.  Vùng Falcon Ridge bị loại đầu tiên, bởi vì toàn những căn nhà đồ sộ nằm ở tận đỉnh đồi, người phố núi và tôi sợ mai này sẽ… lạc lối tìm nhau. Nhà ở Hearthstone vườn rộng, rào xa, nhìn cũng rất khang trang, nhưng mùi hoa Magnolia làm tôi choáng váng. Từ lâu tôi vẫn sợ hương thơm nồng nặc của loại hoa này.  Hidden Valley, đúng như là cái tên của nó, với những căn nhà sát vách nhau nằm ẩn thấp trong một vùng thung lũng, người phố núi của tôi vẫn còn thương nhớ những ngày… “phố núi cao, phố núi đầy sương…” nên nhất định không chọn nhà ở nơi này.  Cuối cùng thì còn lại một Heaven Place.

 Đường vào Heaven Place tiếp nối nhau với những dãy hoa đào, những cây đào hoa hoang dã.  Con đường dẫn đến những căn nhà xinh xinh, ngói đỏ, tường màu vàng nhạt, nằm cạnh nhau trên một sườn đồi thoai thoải.  Đằng sau lưng nhà, nhìn xa xa là hai dãy núi mờ xanh.  Khu nhà mang một cái tên cũng thật hay, người phố núi của tôi dịch ra là Vườn Địa Đàng, và Vườn Địa Đàng thì đương nhiên là phải ngợp với sắc hoa đào.

             Buổi sáng thứ bẩy, lợi dụng lúc người phố núi còn đang say ngủ, tôi len lén mặc áo ấm, đem kéo cắt cây, lái xe ra đầu ngõ cắt một cành đào lớn đem về nhà.  Vừa cắt trộm đào tôi vừa phải canh chừng cảnh sát.  Hai cây đào này bây giờ thuộc phần công sản của thành phố, cảnh sát bắt được thì chỉ có đường nộp phạt.

Đem cành đào về nhà, tỉa bớt những nhánh con ở chung quanh xong tôi cắm trọn cả cành hoa vào cái bình cổ bạn mừng tân gia.  Căn nhà của tôi tự dưng rực rỡ lên với sắc màu hồng thắm của hoa đào.  Ngồi một mình, ngắm những cánh hoa nhẹ rung theo hơi gió tôi chợt liên tưởng đến cành hoa đào một ngày đầu năm, của một mùa Xuân xa trước.

 

***           

Sau ngày ở trại tị nạn ra, qua mấy tháng vất vả với sự đổi thay, khi cuộc sống mới đã bắt đầu ổn định, bố bắt tôi ghi danh vào khóa học mùa Xuân năm đó để học cho xong cái chương trình đại học dở dang. Cùng lớp học English 1 với tôi có cô bạn Nhật lùn.  Thật tình thì tôi cũng không cao lắm, nhưng bởi cô nàng quả có lùn hơn tôi.  Tôi cao một thước năm ba thì chắc cô nàng Erika này cũng khỏang chừng thước bốn. Hai đứa tôi là dân Á Châu duy nhất trong cái lớp học đó, lại ngồi kế nhau nên thành thân.  Buổi trưa sau những giờ học, tôi và Erika hay hẹn nhau ra ngòai sân ôn bài với nhau bên cạnh gốc hoa đào.

             Trước sân thư viện trường tôi có một gốc đào thật to, hoa màu hồng thắm, chi chít đầy cành.  Ngày hôm ấy trời thật xanh và thật trong, tôi đến nơi hẹn như thường lệ sau giờ học cuối để cùng Erika ôn bài. Ngồi dưới gốc đào chờ đợi Erika, ngắm những cành đào rũ xuống đầy hoa tôi chợt có ý nghĩ là chờ đến buổi chiều sân trường vắng người sẽ tìm cách bẻ trộm một nhánh đào về cho nhà có mai, có đào.  Mai vàng thì vườn nhà đã có sẵn, căn nhà của gia đình tôi đang thuê có một dàn hoa lài Nhật Bản màu vàng.  Những đóa hoa này nhìn cũng giông giống hoa mai, nhưng chỉ có những cánh đơn, và màu có đậm hơn màu hoàng mai một tí, nhưng mùa xuân có một bình hoa này cũng đỡ nhớ quê nhà.

             Chờ mãi mà cũng không thấy bóng Erika, mà tôi thì cũng không sao tìm được cành đào nào rũ thấp vừa tầm tay để mà bẻ trộm, hơn nữa người qua lại chung quanh tôi vẫn dập dìu.  Thất vọng, tôi đành ngồi im, ngắm những cành đào nhẹ lay trong gió mới.

Không dưng tôi nghe có tiếng “Hello!”  Nhìn sang, tôi bắt gặp nét mặt hiền hậu của một chàng trai xa lạ.  Anh chàng ngập ngừng tiếp nối, giọng Anh Văn pha nhiều chất Á Đông mềm mại:

             - Tôi đứng ở trên hành lang thư viện nhìn cô từ nãy đến giờ, thấy cô chăm chú nhìn cây đào, tôi nghĩ cô thích loài hoa này lắm.

             Khó khăn lắm tôi mới tìm đủ chữ để diễn tả:

             - Quê hương tôi, mùa Xuân ngợp với sắc hoa đào.  Hơn hai tuần lễ nữa là bắt đầu năm mới của chúng tôi, tôi đang nghĩ cách làm sao để có được một cành đào cho mùa Xuân mới, để tưởng như mình đang đón Xuân trên quê hương.

             Ánh mắt chàng long lanh:

- Thì ra là vậy, cô với tôi cũng mang cùng một tâm trạng.  Xứ sở tôi, từng mang tên là Xứ Hoa Đào.  Ở đó, mùa Xuân cũng thắm đượm sắc hoa đào.  Những mùa Xuân xa xứ, mỗi lần nhìn hoa đào nở lòng tôi lại bồi hồi tưởng nhớ đến quê nhà. Trường này không có nhiều sinh viên Á Đông, nên mỗi lần gặp một sinh viên mới là tôi vẫn mong mỏi là người đến cùng xứ sở. Thấy cô hay đi chung với Erika, tôi đã tưởng cô là người đồng hương. 

             Tôi ngạc nhiên:

- Anh cũng biết Erika sao?

Anh chàng gật đầu:

- Cô quên là tôi với Erika là những người đến từ Xứ Hoa Đào. Cũng chính Erika cho tôi biết tên Ly.  Ly, chúng mình có thể làm bạn với nhau không?  Tôi tên là Masaki Yanai. Mình có thể trao đổi với nhau những kỷ niệm của quê nhà yêu dấu…

Ngày hôm sau tôi gặp lại Masaki, ở dưới gốc hoa đào. Không, anh chàng đứng chờ tôi thì đúng hơn.  Erika cũng có mặt ở đó.  Cô nàng toét miệng cười khi thấy tôi và Masaki đưa tay chào nhau:

- Thế là hai người quen nhau rồi đấy nhé. Tôi đã bảo là chờ để tôi hỏi xem Ly có bằng lòng làm bạn với anh không, mà anh chàng này hấp tấp không chờ được. Tôi mất cơ hội làm nhịp cầu duyên rồi.

Tôi ngạc nhiên đưa mắt nhìn Masaki chờ lời giải thích.  Anh chàng trở nên luống cuống.  Masaki ấp úng định lảng sang chuyện khác, nhưng Erika thì cố tình không tha.  Cô nàng kể rõ ràng là Masaki học cùng một cấp Pháp Văn với tôi, cùng một thầy, chỉ khác nhau giờ học.  Giờ Masaki học Pháp Văn trùng vào giờ mà tôi với Erika học Anh Văn ở lớp học đối diện.  Masaki đã nhìn thấy tôi một ngày khi tôi đi với Erika vào thư viện để tìm tài liệu tham khảo.  Đã bao nhiêu lần anh năn nỉ Erika giới thiệu cho anh và tôi quen nhau nhưng Erika từ chối. Chắc là Erika cũng biết được cái đỉều thứ nhất ở trên đời phải tránh là cái việc làm mai.  Theo lời của Erika thì cái anh chàng Masaki này rất nhát gan, nhưng không hiểu sao lại có can đảm để làm quen với tôi ngày hôm qua.  Masaki nhìn lên những cành đào cười tủm tỉm:

-  Cũng nhờ những cánh hoa đào này thôi.

Sau ngày đó, bộ ba chúng tôi họp nhau trao đổi việc học hành, tán gẫu với nhau ở dưới gốc hoa đào.

Mùng một Tết không nhằm ngày cuối tuần nên tôi vẫn phải đi học. Tan giờ, Masaki đến đón tôi ở tận cửa lớp Speech.  Anh chắp hai tay cúi đầu chào tôi:

-  Chúc mừng Ly một năm mới vui vẻ.

Rồi Masaki ra dấu cho tôi đi theo anh, ra đến bãi đậu xe anh ngừng lại hỏi:

-  Ly đậu xe ở đâu?

Tôi ngạc nhiên nhìn Masaki:

-  Làm gì vậy? Tôi đâu có xe, từ nào tới giờ tôi vẫn đi học bằng xe bus.

Masaki mở nắp thùng xe lên.  Một cành đào còn tươi rói nằm gọn ghẽ bên trong lòng thùng xe khẽ lay động như để trả lời cho câu hỏi của tôi.  Masaki giải thích:

-  Đằng sau nhà tôi ở trọ có một cây đào to.  Nghe Ly bảo muốn có một cành hoa đào cho mùa xuân mới.  Tôi đã đợi lúc trời vừa sáng đem cưa ra cưa một cành đẹp nhất cho Ly, mong mùa xuân mới của Ly thắm tươi như những cánh hoa đào.

Từ ngày tôi quen Masaki, mẹ tôi có vẻ phiền lòng.  Bà vẫn không quên được tấm thảm kịch của hơn ba mươi năm về trước.  Ông ngoại tôi là một nhà ái quốc, đã từng bị chính phủ Nhật ra lịnh truy tầm vì thành tích kháng chiến của ông.  Ngày ông còn đang làm việc trong tòa lãnh sự tận xứ chùa Tháp, giữa đêm giao thừa lính Nhật đến vây nhà, ông đã phải nhẩy từ lầu cao xuống ngựa phóng vào rừng chạy trốn.  Từ Cao Miên ông lưu lạc sang Lào, khó khăn lắm ông mới về được Hà Nội, nhưng từ đó ông đã phải chôn chân trong một góc nhà. Một ngày đầu năm, chán nản vì tù túng mãi với bốn bức tường, ông ngoại tôi đã rời nhà để ra phố xem người trẩy hội. Nhưng không may, ông đã bị một điềm chỉ viên nhận diện.  Chỉ trong chớp nhóang là bọn lính Nhật đã súng ống áp giải ông về đồn. Trận đòn thù đã làm ông mấy lần chết đi sống lại.  Máu thấm ướt bộ áo ông đang mặc trên người.  Ngày đó, ông cố tôi đã phải bán đi một phần lớn tài sản để chuộc ông về.  Từ đó, ông ngoại tôi trở thành đờ đẫn như người mất trí. Ông bà cố tôi đưa ông ngọai về sống ở miền quê để tránh phiền phức.  Thang thuốc bao năm ông ngọai tôi mới hơi tỉnh hồn nhưng sau đó vài năm ông ngoại tôi từ trần vì nội thương, kết quả của trận đòn tra khảo.  Mẹ tôi, ngày ông ngoại bị Nhật bắt đi mới vừa lên mười tuổi, đã được ông bà cố gửi sang ở với gia đình cô vì sợ bị vạ lây.  Mẹ tôi ở với cô cho đến lúc lấy chồng. Mỗi năm, mẹ chỉ được về quê  thăm ngoại vào những ngày lễ, Tết.  Nhìn thấy Masaki đưa đón tôi đi học mỗi ngày, mẹ tôi đâm ra lo sợ.  Mẹ tôi sợ tôi thân thiết với Masaki đến cái độ bắt mẹ tôi phải quên chuyện đau lòng năm xưa nên mẹ vẫn nhắc chừng tôi là mẹ chưa có sẵn lòng để tôi ra đi, nhất là đi về một phương trời xa thẳm.

Tôi thì không có ước mơ làm bà chủ hãng (Masaki là con một, gia đình có một cơ xưởng điều chế hóa chất thật to), và tôi cũng chẳng biết khéo léo chăm sóc đức ông chồng như những người đàn bà Nhật, nên tình bạn giữa tôi và Masaki trước sau vẫn chỉ là tình bạn đơn thuần. 

Một ngày ngồi học chung Pháp Văn với nhau ở sân cỏ (dạo sau này, những lúc tôi và Masaki ôn bài, cô bạn Nhật Erika vẫn thường tìm cớ lảng ra nơi khác), học chán rồi Masaki quay ra kể cho tôi nghe chuyện của quê nhà. Không riêng gì tôi, màu hoa Masaki yêu mến nhất cũng là màu hồng thắm hoa đào.  Masaki đem hình căn nhà riêng của anh ở Nhật cho tôi xem. Căn nhà cha mẹ anh đã dành cho anh khi anh vừa đến tuổi trưởng thành. Căn nhà nằm ở trên một ngọn đồi tĩnh mịch có con đường dẫn từ chân đồi lên đến trước sân nhà ngợp sắc hoa đào. Có cả một con đường đầy hoa đào như vậy mà Masaki vẫn bảo là chưa đủ, anh còn cho trồng thêm nhiều cây hoa đào nữa ở trong vườn nhà. Masaki nói:

-  Tôi thích chung quanh tôi hồng thắm sắc hoa đào. Tôi chỉ có một ước muốn đơn giản là sau những ngày làm việc mệt nhọc, cùng vợ ngồi nhìn đàn con thơ tung tăng đùa giỡn ở chung quanh những gốc hoa đào để thấy mình hạnh phúc biết dường bao.

 Masaki lại bảo tôi:

 -  Để tôi dạy cho Ly học tiếng Nhật.

Tò mò, tôi cũng không phản đối.  Maski viết lên quyển vở của tôi.  Chữ đầu tiên anh viết là “Nihon”, Nhật Bản. Rồi đến những câu chào, thăm hỏi, trời nắng, trời mưa…Sau cùng Masaki nắn nót một câu thật dài:

-  “Watashi wa anata o ai shimasu.”

Masaki nhìn tôi:

-  Ly biết câu này có nghĩa gì không?

Tôi lắc đầu. Masaki dịu dàng giải thích:

-  Đó là những chữ “ Tôi yêu em.”

-  ??!!?

Ngày cuối cùng của niên khóa Masaki mời tôi đến dự lễ ra trường.  Sau buổi lễ, Masaki mời tôi đi phố Nhật ăn trưa để mừng cho ngày tốt nghiệp của anh.  Masaki mua tặng tôi một món quà thủ công xinh xắn: một con búp bê Nhật bé tí làm bằng thạch cao trắng, đứng dưới gốc hoa đào, trước một căn nhà gỗ nhỏ, bao xung quanh là một hàng rào gỗ thấp. Tất cả được gắn trên một khung gỗ sơn mài màu đen bóng loáng.  Masaki viết vào đằng sau lưng khung gỗ, “Today is a nice day” bằng hai sinh ngữ Anh và Nhật.  Masaki bảo:

-  Để Ly giữ làm kỷ niệm ngày vui hôm nay.

Trên đường đưa tôi về nhà Masaki nói cho tôi nghe dự tính của anh.  Tuần sau này Masaki về nước, anh sẽ phải ở lại Nhật thay thế cha điều hành công việc hãng cho đến hết mùa hè, vì cha anh phải bận lo việc phát triển thị trường về những quốc gia lân cận vùng Đông Nam Á.  Nếu công việc hãng xong xuôi sớm anh sẽ trở lại Cali ngay để…được gặp tôi.  Masaki nói:

-  Tôi muốn được viết thư cho Ly trong những ngày tháng xa nhau, và tôi muốn Ly hứa sẽ trả lời những cánh thư tôi sắp gửi. - Masaki ngập ngừng - Cha tôi định lấy vợ cho tôi.  Cha tôi thích tôi lấy vợ Nhật vì ông là người Nhật, nhưng mẹ tôi lại muốn tôi lấy vợ Trung Hoa vì bà là người Trung Hoa.

Tôi bật cười:

-  Thế thì anh lấy vợ theo ý ai, cha anh hay mẹ anh?

Masaki đáp:

-  Tôi lấy vợ theo ý tôi, bởi vậy tôi đang đi tìm.

Tôi nói:

-  Hay để tôi giới thiệu cho anh nhé, MeiSong ở lớp Speech của tôi là người Trung Hoa lai Nhật, vậy thì anh có thể làm vừa lòng cả mẹ lẫn cha anh.

Masaki nhìn tôi chăm chăm rồi vụt hỏi:

-  Ly không “thích” tôi sao?

Như một phản xạ tự nhiên tôi đáp vội:

-  Không…

Đôi mắt người con trai bỗng tối sầm lại.  Tôi luống cuống, tôi muốn nói với Masaki:

-  Tôi mến anh, vì anh là bạn tốt, nhưng tôi chưa thể nói “thích” anh như cái nghĩa “thích” mà anh muốn nói.

Nhưng chữ nghĩa tôi nghèo nàn quá, nên tôi vụng về không biết phải giải thích làm sao.   Masaki thở dài:

-  Tôi hiểu, mình biết nhau không lâu.

Masaki về nước, anh đã không viết thư cho tôi như lời đã nói.  Tôi thì cũng quên để cuối mùa xuân năm sau lên xe hoa với một người cũng ở Xứ Hoa Đào, nhưng hoa đào của anh mang màu sắc quê hương để tôi khỏi ngỡ ngàng khi nói mến yêu bằng ngôn ngữ khác.

 

***

Hôm nay ngồi đây nhìn cành hoa đào tôi lại chạnh lòng nghĩ đến người con trai si tình của một mùa Xuân xa trước. Tôi nghĩ, giờ này Masaki đang tràn đầy hạnh phúc với người vợ Nhật dịu hiền và đàn con thơ xinh, trong căn nhà tĩnh mịch bên lối ngõ hoa đào, như điều ngày xưa anh mơ ước.

Còn tôi thì cũng êm ấm nơi đây trong lối ngõ hoa đào.  Người tình Xứ Hoa Đào của tôi đã hứa - mai này nếu có dịp trở lại quê hương anh sẽ đưa tôi về thăm phố núi, ngắm hoa đào đua nở trong một ngày đầu xuân.

                                                                                                                  Bảo Trân – LTM