Còn một đọan đường ngắn nữa là về tới nhà, tôi vẫn chưa ngừng tiếng khóc.  Nước mắt đã khô cạn từ lúc nãy lại thi nhau tuôn trào.  Những tiếng khóc tức tưởi từ trong lồng ngực tôi thóat ra càng lúc càng dữ dội hơn là lúc còn ngồi trong rạp hát.  Tôi đã chỉ mới khóc lại đây từ sau khi thả mẹ con Grace xuống trước cửa nhà.  Lúc nãy ở trên xe, suốt quãng đường từ Los về, tôi quên khóc vì còn mải mê tranh cãi với mẹ con Grace về cái vở nhạc kịch vừa xem, trong lúc Thảo chỉ chăm chú lái xe và im lặng lắng nghe. Jacob tấm tắc khen cái kỹ thuật mà ban kịch đã sử dụng làm cái sân khấu nhỏ có vẻ vĩ đại hơn.  Grace thì bảo ông đạo diễn thật tài, tìm ra cô đào thủ diễn vai chính vừa đẹp vừa có giọng hát cao vút. Tôi nói tôi chỉ quan tâm đến cái phần diễn xuất mà thôi, tôi chả nghe được lời hát nào ra lời hát nào vì cái lỗ tai nhà quê của tôi không thích hợp mấy với lối hát opera. Tôi đã trêu Grace: 
        -  You mà cũng khóc nữa sao?  You đâu có ở trong tình trạng của me đâu để hiểu cái hoàn cảnh đau thương đó.
        Grace gật đầu:
        -  Khóc chứ, tại nội dung cái câu chuyện thương tâm quá mà.  Đến cái lúc mà người mẹ cất cao giọng hát…"give my life to you"… thì tôi đã biết chuyện gì sắp xảy ra.  Tội cho người đàn bà đã gian nan cam khổ vì con, cuối cùng đành phải chịu xa con, cũng chỉ vì mong muốn cho con có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
        Jacob xen vào:
        -  Thì phải vậy chứ mom, chứ làm sao có cái kết cuộc vẹn tròn nào hơn cho từng đó người, khi người cha muốn giữ lại đứa con, nhưng lại bị giằng co bởi hai người vợ. Người mẹ phải đành hy sinh thôi.
        Thảo thì không khóc, hay chàng chỉ khóc âm thầm trong lòng.  Cả cái ông già Moreno và bà vợ cũng không khóc.  Hai ông bà đi xem nhạc kịch với tôi và Grace vì ham vui với tụi tôi, vì tò mò để tìm hiểu đến cái cuộc chiến ông đã không dự phần vào vì ông đã giải ngũ sau trận chiến Triều Tiên.  Cuộc chiến Việt Nam đến sau đó 15 năm, lúc ông đã đứng tuổi.
        Con nhỏ Ngim cũng không khóc, nó cũng đi xem kịch vì tò mò như ông già Moreno.  Tuy nó là dân láng giềng với tôi thật đấy nhưng nó có biết gì về cuộc chiến Việt Nam đâu.  Nó cũng chưa từng chứng kiến cảnh chia ly kẻ đi người ở.  Sau ngày Cambodia thất thủ, nó vẫn sống bình yên với gia đình ở một vùng ngoại ô Phnom Penh xa xôi, hiền hòa.  Cho đến những ngày tháng sau này khi nền kinh tế trở nên khó khăn, ngặt nghèo thì gia đình nó mới rời bỏ vùng quê đó mà tham dự vào một cuộc đào thoát của Walk  People.
        Tôi thì không tò mò vì đã được đọc qua cốt truyện từ quyển sách quảng cáo mà những người bạn cùng sở đi coi kịch về đưa cho xem.  Với tôi, cái cốt truyện cũng chẳng có gì là xuất sắc, hấp dẫn, nếu không muốn nói là chỉ bình thường, bởi vì những câu chuyện kể về tấm lòng hy sinh của người mẹ đối với đứa con đã là những câu chuyện rất bình thường trong đời sống, đâu có ai đem lên để làm kịch, làm nhạc đâu.  Tôi chỉ muốn đi xem nhạc kịch với Grace, với Ngim, vì mấy cái con nhỏ bạn đồng nghiệp thân thiết với tôi đã nhiều lần kèo nài tôi đi chơi chung với chúng nó để quên hết những giờ làm việc mệt nhọc, và cũng bởi vì tôi có nghe nói đạo diễn đã phải đi tìm hết năm châu bốn bể để cho ra cái người nữ diễn viên vừa có giọng hát thanh thóat, vừa dịu dàng đằm thắm để thích hợp với vai chính của vở nhạc kịch này.
        Thảo vỗ nhẹ vào tay tôi:
        -  Thôi nín đi, kẻo không về các con nó lại cười mẹ, đi giải trí gì mà tốn sức lao động quá.
        Tôi ngưng tiếng khóc, không phải vì tôi sợ các con cười, vì các con của tôi đã quá quen thuộc với những cảnh mẹ khóc với những môn giải trí. Tôi ngưng tiếng khóc vì tôi có vẻ mệt sau trận khóc dài từ chiều tới giờ, hơi thở tôi đã bắt đầu dồn dập, khó khăn, tôi đã hụt hơi.
        Ở nhà tôi có bốn người, thì ba cha con Thảo về cùng một phe, chỉ thích coi phim giả tưởng khoa học, họat họa, vui cười.  Tôi thì trái lại, phải tìm mấy cái phim tình cảm lâm ly bi đát, tốn phí nhiều nước mắt mới chịu coi.  Mà tôi dễ khóc thật, nghe một câu chuyện thương tâm, tôi khóc; đọc một bài viết não lòng, tôi khóc; nhìn người khác khóc, tuy không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng thấy nước mắt rơi là tôi khóc. Thảo đã bảo, nếu tôi ở bên Đài Loan hay Hong Kong, thì có lẽ tôi đã được mời đi đóng phim "khóc" phụ với cô đào nổi tiếng khóc hay, khóc lẹ Lưu Tuyết Hoa rồi.  Còn mấy đứa con tôi, thỉnh thỏang mở cửa phòng tôi ra, nhìn thấy tôi ngồi chúi mũi vào cái màn ảnh Tivi mà nước mắt nước mũi đầm đìa, bên cạnh là một thùng giấy tissue rối nùi là chúng lắc đầu đóng cửa lại đi một nước xuống nhà.  Chả thế mà hôm qua, lúc báo tin cho hai đứa con là vợ chồng tôi sẽ đem hai đứa sang nhà bà hàng xóm gửi để đi xem nhạc kịch "Miss Saigon", Ki, thằng con lớn của tôi, đã đọc quảng cáo ở đâu đó rồi nên bảo Thảo: 
        -  Good luck bố, nhớ đem cho mẹ một hộp tissue nghe.
       Mấy tháng trước khi Thảo rủ tôi xem bộ phim thời sự đài truyền hình Mỹ mới làm về 20 năm trước và 20 năm sau của cuộc chiến Việt Nam tôi đã từ chối. Tôi từ chối vì tôi nghĩ tôi không còn cái cảm xúc mãnh liệt như những ngày đầu tiên ly xứ, khi tôi mới xa cách Saigon. Tôi không muốn khơi lại một quá khứ đau thương, một dĩ vãng u buồn, đã được chôn kín từ bao nhiêu năm nay.  Tôi vẫn nhớ Saigon, tôi vẫn nhớ những hình ảnh cũ, nhưng sau 20 năm ở đây, quay cuồng với vòng bánh xe đời xoay chuyển, tôi đã muốn vùi chôn những hình ảnh đau thương xưa cũ đó vào sâu trong tiềm thức, tôi không muốn có một chút gì vương vấn trong tôi.
        Nhưng hôm nay tôi đã khóc!  Không phải là những giọt nước mắt âm thầm lăn dài trên đôi gò má, hay là những giọt nước mắt lã chã rơi xuống như lúc tôi ngồi xem mấy cái bộ phim tình cảm của Quỳnh Dao, mà là khóc thật, khóc to thành tiếng, những tiếng nấc tức tưởi, nghẹn ngào như khi bị bố quất cho những lằn roi ê mông hồi nhỏ.  Tôi đã không ngăn cản được tiếng nấc của chính tôi.  Tôi phải cắn chặt cái khăn mù xoa giữa hai hàm răng, để khỏi làm kinh động người chung quanh.  Nhưng đúng ra thì tôi không phải lo âu đến như vậy, vì phần đông những người ngồi xem nhạc kịch với tôi cũng đang nức nở.  Tôi đã nghe được những tiếng nấc, tiếng sụt sùi nho nhỏ ở hàng ghế trước mặt tôi, chung quanh tôi.
        Thật tình thì lòng tôi đã rất bình thản để xem hết phần đầu của vở nhạc kịch.  Tôi chỉ bật khóc nức nở khi nhìn thấy hai cánh cửa tòa đại sứ đóng sầm lại, nhìn thấy cảnh người chen chúc hỗn lọan bên ngòai, lúc chiếc máy bay trực thăng Mỹ xà xuống bốc người lên, nhìn những cánh tay gầy guộc cố bám víu chung quanh hai cái càng sắt bên hông chiếc trực thăng, nhìn những tấm thân người rã rời rơi lả tả xuống mặt đất…Những hình ảnh hãi hùng lôi thôi, lếch thếch của hai mươi năm trước lại hiện về, những ngày cuối cùng ở lại Saigon với cơm hàng cháo chợ, và đêm Tân Sơn Nhất rét run nằm chờ chực chuyến bay, đã cuồn cuộn trôi về như thác lũ...   Những hình ảnh mà tôi nghĩ đã nằm vùi sâu trong tiềm thức, đã ngủ quên.   
        Tôi đã thật sự khóc vì nhớ Saigon của tôi.  Nhớ những ngày học vui năm cũ.  Nhớ những con đường phố chợ thân quen. Nhớ những ngày hẹn hò ở những con đường tình yêu có cây dài bóng mát. Nhớ… Những hình ảnh ngày xưa tôi tưởng tôi đã có thể quên được lại hiện về trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi, rất rõ ràng, có thứ tự, lớp lang.  Những hình ảnh này đang bóp nghẹn trái tim tôi. Thì ra, những cay đắng của cuộc đời từ hai mươi năm nay đã chưa làm tim tôi chai đá. Tôi vẫn không thể nào quên được nơi chốn mà tôi đã được sinh ra và lớn lên, nơi tôi đã có một tuổi thơ tuyệt vời, nơi mà tôi đã bỏ lại một thời yêu thương hoa mộng.
        Một nơi chốn mà giờ này tôi vẫn chưa có thể ung dung, thanh thản để trở về. 

 

                                                                  Bảo Trân (7/95)