Thứ tư rồi mà Ki cũng chưa buồn tìm kiếm khách sạn để sửa soạn cho một cuộc đi chơi cuối tuần, tôi có giục giã thì Ki ậm ừ:

-  Mẹ đừng lo, Hua Hin thiếu gì khách sạn, mùa này có ai đi chơi đâu, phải đợi qua mùa mưa đã, tháng mười hai Hua Hin mới thật tưng bừng vì trời quang, mưa tạnh.

Vì cứ tin như thế, nên cả tối thứ năm ngồi trước máy điện toán Ki cũng không tìm ra một khách sạn nào còn phòng trống.  Không dưng mà Hua Hin có một buổi thương nghị nào đó, kéo dài hết hai ngày cuối tuần, vừa vặn thứ hai được nghỉ lễ, nên du khách và người ở Bangkok có thêm thì giờ kéo về phố biển quá đông đảo.  Những khách sạn lớn, nhỏ ở ngay Hua Hin đã hết chỗ, chỉ  còn hy vọng ở Cha Am, một bãi biển cách Hua Hin độ 20 cây số.  

Lin nói:

-   Cha Am cũng được, hôm về mình đỡ kẹt xe hơn, vì mình sẽ khởi hành trước mấy người ở Hua Hin độ nửa giờ.

Nhưng những khách sạn lớn ở Cha Am cũng hết sạch cả phòng, chắc mấy người về dự hội nghị không tìm được phòng ở Hua Hin đã đi dần lên Cha Am.  Sau cùng thì Ki tìm được ba phòng, trong một căn nhà sàn ở một khách sạn hạng trung, Holiday Inn Regent Beach Cha Am.  Một phòng dành cho Jay, Lin và Emily, một phòng cho Ki với Vi, một phòng cho tôi và Hươu.  Vi chưa từng thấy nhà sàn nên vừa nghe nói tới đã vui mừng reo lên:
         
-  Hay quá ta, mình được ở nhà sàn.        

Thế là chúng tôi sửa soạn hành lý làm một cuộc du ngoạn.

*

Hua Hin là một thành phố biển nhỏ, hiền hoà, nằm về phía tây của vịnh Thái Lan, khoảng chừng 170 cây số ở phía nam Bangkok, trên quốc lộ số Bốn.  Hua Hin ít được các du khách ngoại quốc để ý tới vì nơi này không có bóng dáng của những quán rượu nhốn nháo, những khu giải trí ồn ào, và những ánh đèn màu rực rỡ của một đời sống xô bồ về đêm giống những bãi biển khác của Thái Lan chẳng hạn như: Pattaya, Phuket...  Hua Hin, chỉ có những bãi cát trắng rộng lớn chạy dài thoải mái, sóng biển chập chùng, những hàng cây xanh cao mọc trên những ngọn đồi thoai thoải, và một khung cảnh an nhàn.  Những ngày trong tuần, Hua Hin có một bộ mặt yên tĩnh, rất bình thường của một thành phố nằm xa trong nội địa.  Chỉ có những ngày cuối tuần, ngày lễ, Hua Hin mới sống động hơn một chút với du khách, cư dân  ở trong vùng đổ xô ra đường ăn uống, mua sắm.


Hua Hin, khởi đầu chỉ là một thành phố biển nhỏ bé của Thái Lan.  Hoàng Gia Thái đã biến Hua Hin thành một nơi nghỉ mát của Hoàng Gia và giới thượng lưu Thái từ sau khi ông hòang tử Chakrabhongse đến  Hua Hin dựng xây một dinh thự đầu tiên.  Số là khi Grand Duke of Russia đến viếng thăm Thái Lan, ông hoàng Chakrabhongse đã cùng thượng khách của Hoàng Gia đến Hua Hin săn bắn.  Hoàng tử Chakrabhongse đã tình cờ nhìn thấy vẻ đẹp đơn sơ, huyền hoặc của những bãi cát dài trắng xoá ở Hua Hin.  Ông cảm thấy mến yêu thành phố nhỏ bé này nên ông đã quay trở lại Hua Hin và đã cho dựng xây một dinh thự trên bãi biển, cách nơi săn bắn không xa. Tiếp theo sau đó vua Rama VI cũng đã đến Hua Hin để cho dựng xây một cung điện mùa hè.  Bắt chước anh, vua Rama VII cũng đã xây cho mình một cung điện khác ở Hua Hin, cung điện của ông mang một cái tên rất bình yên "Không Chút Lụy Phiền",  Klai Kangwon Palace.  Cho đến bây giờ thì cung điện Klai Kangwon cũng vẫn là nơi Hoàng Gia đến nghỉ ngơi thường xuyên nhất.  

Những năm sau đó, với đà phát triển của ngành du lịch, Hua Hin được mở rộng để đón tiếp du khách.  Vì là nơi nghỉ mát thường xuyên của Hoàng Gia nên Hua Hin được phát triển theo tính cách gia đình.  Phần nhiều, những du khách đến viếng thăm Hua Hin là những thành phần thượng lưu của Thái, những người đã về hưu, và những du khách ngoại quốc khá giả muốn đem gia đình đến tìm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mệt nhọc.  Nhiều khách sạn năm sao và chung cư cao cấp đã được xây cất thêm ở Hua Hin, và vài môn giải trí mới đã được đưa vào Hua Hin, nhưng cho đến ngày hôm nay thì Hua Hin vẫn còn là một thành phố của bình yên, thanh tĩnh.

*


Sáng thứ bảy, cả nhà dậy sớm sửa soạn đi.  Chúng tôi rời nhà khoảng tám giờ sáng, ghé sang Au Bon Pain ăn bagel kẹp cá hồi nướng và uống café xong là trực chỉ Hua Hin. Thường thường, nếu không bị kẹt xe, từ Bangkok xuống tới Hua Hin mất chỉ độ hai tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay đi mãi đến gần trưa chúng tôi mới đến ranh giới Cha Am vì nha lộ vận đang tu bổ lại nhiều quãng đường trên quốc lộ Bốn nên xe không thể chạy nhanh được.  Chưa đến giờ nhận phòng, nên chúng tôi chạy thẳng xuống Hua Hin ghé Let's Sea ăn trưa.  Let's Sea là một nhà hàng nằm ngay trên một bờ vực cao sát bờ biển, nên vừa ngồi nhâm nhi món ăn chúng tôi vừa được nghe sóng biển vỗ ì ầm.

  
Ăn trưa xong chúng tôi đi tà tà trở lại Cha Am lấy phòng. Cái khách sạn 4 sao này cũng không tệ, có một gian nhà ăn lộ thiên rộng rãi nhìn ra bãi biển riêng biệt trước mặt, du khách vừa ăn điểm tâm vừa có thể nhìn ngắm những cánh buồm phất phơ trong gió sớm.  Mấy căn nhà sàn chỗ chúng tôi mướn cũng thoáng khí, nằm trong một khu vườn cây xanh yên tĩnh, cách bãi biển chỉ một khoảng sân rộng và cái hồ tắm.


 
Nghỉ ngơi một lúc rồi chúng tôi thay quần áo tắm ra thăm thú tình hình bãi biển.  Chiều chưa xuống mà nước triều đã dâng lên cao, chiếm hết một phần lớn bãi cát, sóng dồn dập, đục ngầu vì ảnh hưởng mấy trận mưa to ngày hôm trước.  Xa xa, những lá cờ đỏ báo hiểm chăng vòng chung quanh một vùng biển rộng đang nhấp nhô theo cơn sóng.  Mấy chiếc jet ski, mấy chiếc phao trượt nước nằm thành loạt dài buồn hiu trên bãi biển.  Chắc du khách sợ biển động bất thình lình nên ngại ra khơi. Đi dọc theo bãi cát một vòng, chúng tôi chỉ thấy rải rác đó đây một vài người đang tắm lội ở mấy vũng nước gần bờ.   Chúng tôi cũng bắt chước những du khách ngại sóng to, gió lớn, quay vào cái hồ tắm bên trong vọc nước và chơi đùa đến khoảng gần sáu giờ mới về thay quần áo đi ăn.  Jay bảo:


-  Quán ăn này nổi tiếng ngon và rẻ, lại thoáng vì nằm ngay trên biển, mình phải tới sớm mới có chỗ ngồi.


Tưởng là đến sớm, vậy mà khi chúng tôi tới nơi quán cũng đã đông nghịt cả người.  Ki nhanh chân chiếm hai cái bàn dài nối tiếp nhau trong góc ngoài cùng.  Quán đông, nên sự phục vụ có phần chậm chạp, nhưng không sao, chúng tôi cũng không đói lắm.  Trong lúc chờ đợi, Hươu dẫn Emily đi vòng vòng xem mấy con cá, con tôm bơi trong bể nước.  Khi hai dượng cháu trở lại bàn thì hai món khai vị đầu tiên: mực tươi chiên dòn và sò huyết nướng đã được mang ra.  Tuy hơi ngần ngại với cái bịnh dị ứng đồ biển của mình nhưng tôi vẫn đành phải…ăn, vì không ăn thì đêm nay sẽ ôm bụng đói mà ngủ, cái quán này đâu có gì ngoài đồ biển: nghêu, sò, cua, cá, mực, tôm…Tôi ngồi lai rai mấy ngụm bia, nhâm nhi mấy món khai vị nhìn theo những đợt sóng biển dập dồn đánh vào những mỏm đá phía xa xa.  Một lúc sau thì thức ăn được đưa thêm tới.   Những con tôm hùm đá hấp vừa chín, những con tôm sông tươi rói nướng thơm lừng, những đĩa nghêu xào hành mùi ngọt lịm, nồi lẩu đặc biệt hải sản bốc khói… được bầy la liệt trên bàn trông hấp dẫn làm sao.  Tươi, ngon như vậy, mà giá lại phải chăng, cả nhà chúng tôi bẩy người, ăn no bụng mà chỉ tốn khoảng hơn trăm bạc.

Ăn xong, chúng tôi rủ nhau đi chợ đêm, đi bộ vòng vòng cho tiêu cơm.  Hình như, cái sinh hoạt sôi nổi nhất của Hua Hin là chợ đêm, những hàng quán nhỏ được dựng lên hai bên đường bắt đầu mở cửa lúc sáu giờ tối.  Lúc chúng tôi đến nơi thì chợ cũng đã khá đông người.  Cũng như những chợ đêm khác ở Thái Lan, chợ đêm Hua Hin có đầy đủ các quán hàng: quần áo, giầy dép, ví hiệu, nón, những hình tượng, lụa Thái, sarong, đồ thủ công nghệ v.v...  và không thể thiếu những quán hàng ăn.  Mà xem chừng những quán hàng ăn này còn nhiều hơn là những gian hàng bán quần áo, đồ lưu niệm.  Cứ đi vài bước là tôi đã thấy một quán ăn rồi, từ những món đã làm sẵn cho đến những món nấu theo tiêu chuẩn của khách hàng:  nào là gà chiên, ruột chiên, chả chiên, bánh chiên, bắp luộc, bắp nướng, mực nướng, thịt nướng, sinh tố, trái cây, phở, hủ tíu, hải sản….ôi thôi đủ cả.  Hai cái gian hàng đông khách nhất phải nói đến là hai quán chè Thái, bán đủ các loại chè từ chè nóng tới chè lạnh, mấy cô bán hàng làm việc không ngơi tay vì khách mua xếp hàng thành mấy cái đuôi dài. Nếu không muốn mất thì giờ mua sắm, du khách có thể mua những thức ăn làm sẵn, vừa đi vừa ăn vừa xem hàng, mua hàng.  Còn thong thả hơn thì kéo ghế ngồi xuống ở một quán ăn nào đó, vừa nhâm nhi vừa ngắm người qua kẻ lại.  


Chúng tôi chỉ đi vòng quanh thăm dân cho biết sự tình, vì nếu muốn mua những món quà này, tôi cũng có thể ghé MBK ở Bangkok mua, giá cả còn có vẻ rẻ hơn và khỏi mất công khiêng.  Trước khi rời chợ, Ki ghé mua chục cái cánh gà, vài gói xôi mặn và mấy chai bia, Vi thì na cho mấy túi xoài sống, xoài chín-xôi ngọt, cóc, ổi, muối ớt.  Đêm nay, hai anh em chúng nó đã dự định kéo hai cái ghế dài ra bãi biển, vừa nhâm nhi vừa tập đếm trăng sao…

 
Sáng hôm sau, dùng điểm tâm xong là chúng tôi bắt đầu cuộc tham quan một vài thắng cảnh ở Hua Hin.  Nơi đầu tiên chúng tôi đến viếng thăm là thạch động Khao Luang.  Thạch động Khao Luang là một thạch động nhỏ nằm phía bắc của Hua Hin.  Thạch động này không lớn lắm, nhưng được xem là một thạch động quan trọng của tỉnh Phetchaburi vì ở nơi đây có pho tượng Phật nằm to lớn được vua Rama V cho đúc để dâng hiến lên hai  vị vua Rama III và IV.     

                                 


Chúng tôi đi từ chân núi, dọc theo những bậc thang xi măng thẳng băng, cao, dốc để lên đến cửa thạch động.  Và từ ngưỡng cửa này, chúng tôi sẽ lần theo những bậc thang đá ngoằn ngèo để đi xuống lòng thạch động.

 

Lòng thạch động sáng choang như ở bên ngoài núi, nguồn ánh sáng duy nhất thắp sáng chánh điện lúc này là ánh sáng mặt trời, được chiếu rọi xuống từ một miệng hang hình trái tim ngay ở trên nóc núi.

 Ánh sáng chiếu dọi vào những thạch nhũ trong lòng thạch thạch động phản ảnh những màu sắc khác nhau trông thật đẹp. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giữa lòng thạch động là chánh điện, nơi có một tượng Phật ngồi to lớn, giữa bốn bề khói hương nghi ngút.  Chung quanh đó, cũng có nhiều hình tượng, đền đài, chùa tháp, to nhỏ, đứng ngồi, đủ cỡ.  Chúng tôi thắp nhang, thắp nến lễ Phật, dát mấy lá vàng mỏng trên tay, chân Phật lấy hên rồi đi vòng vào gian bên trong thạch động, nơi có chiếc cầu thang đầu tiên mà ngày xưa du khách đã xử dụng để vào thạch động.

Gian thạch động bên trong nhỏ, hẹp, sâu và có nhiều hốc đá hình dáng như những trang thờ.  Gian trong này có vẻ tối hơn chánh điện phía ngòai vì chỉ có vài kẽ hở nhỏ dẫn ánh sáng thiên nhiên từ phía trên triền núi vào.  Chắc vì nền thạch động lồi lõm, không thể an vị Phật nên nhiều tượng Phật ở gian này đã được gắn khít khao vào trong lòng những hốc đá.  Cuối gian thạch động là một cái cầu thang bằng đá nhỏ, dốc đứng, đi chỉ vừa lọt một người, nghe nói đây là lối đi duy nhất dẫn vào thạch động ngày xưa, nhưng ngày nay cái cầu thang đó không được xử dụng nữa vì quá nguy hiểm và vì đã bị hư hại nhiều nơi.


Rời thạch động Khao Luang mà vẫn còn sớm, chưa đến giờ ăn trưa, chúng tôi ghé sang thăm cung điện Khao Wang ở cách đó không xa.  Vua Rama IV đã cho xây dựng cung điện Khao Wang để ông có chỗ nghỉ ngơi mỗi lần đi du ngoạn xuống vùng này.  Cung điện Khao Wang còn có một tên khác là Phra Nakhon Khiri Park, được đặt theo tên một vị tư lệnh Hoàng Gia, Phra Nakhon Khiri, nhưng dân chúng ở Phetchaburi vẫn thường dùng cái tên Khao Wang (Lâu Đài Trên Núi) để gọi nơi này.  Khao Wang gồm có đại sảnh, biệt điện, và đền thờ, được xây dựng trên ba đỉnh núi cao.  Những toà nhà khác dùng vào những việc không quan trọng thì được xây cất ở một góc tây triền núi.   Phần lớn, những toà nhà trong cung điện Khao Wang được kiến trúc hài hoà theo đường nét tân cổ điển của Tây Phương, Trung Hoa và Thái.  Từ sau khi vua Rama V băng hà thì cung điện Phra Nakhon Khiri bị lãng quên và trở thành hoang phế.  Mãi đến năm 1935 cung điện Phra Nakhon Khiri mới được tu bổ và được chuyển hoá thành bảo tàng viện mở cửa cho du khách tham quan.

 

Từ dưới chân núi, du khách sẽ được đưa lên cổng lâu đài bằng một chiếc xe cáp nhỏ chứa được khoảng 30 người, lên đến đỉnh núi rồi du khách sẽ thong thả tản bộ đi vãn cảnh.  Khao Wang gồm có nhiều toà nhà được xây dựng rải rác trên ba đỉnh núi mà con đường duy nhất để đi từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác là đường bộ, đi theo những con đường lát gạch ngoằn ngoèo chạy dọc triền núi, nên muốn từ từ đi tham quan hết từng đó toà nhà thì sẽ phải tốn rất nhiều thì giờ. 


Chúng tôi ghé lại dinh thự đầu tiên ở phía tây, toà nhà chính, to nhất, nơi vua ngự, nay đã trở thành bảo tàng viện.  Hiện nay, bảo tàng viện này lưu giữ những vật thường dùng của vua Rama IV và Rama V.  Bảo tàng viện này cũng lưu giữ những món đồ cổ quí giá mà các vị vua đã thu thập được từ Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và những xứ Tây Phương.


 

 

 

 

Rời bảo tàng viện, chúng tôi đi theo một con đường dài, lên xuống, khúc khuỷu để đi sang viếng thăm đền thờ Phra That Jom Phet.  Đền thờ này được sơn trắng, cao khoảng chừng 40 mét, nằm trên quả núi cao nhất ở chính giữa, nghe nói đền thờ này là nơi đang thờ phượng Xá Lợi Phật.

Còn một đền thờ nữa ở phía đông, tên là Wat Phra Kaew, có lối kiến trúc tương tự như Chùa Phật Ngọc Xanh ở Bangkok.  Ngôi chùa Wat Phra Kaew này nổi tiếng với ngôi bảo tháp sơn màu đỏ mà du khách có thể nhìn thấy từ phía xa.  Nhưng khi được biết con đường dẫn sang bên quả núi đó cũng khá dài như con đường từ dinh thự phía tây sang đền thờ Xá Lợi Phật thì chúng tôi đành phải thông qua, vì chúng tôi còn phải đi ngược lại một cây số nữa mới trở về dinh thự đầu tiên.  


Xuống đến chân núi thì trời đã quá trưa, vẫn còn nắng đẹp, chúng tôi leo lên xe trở về Hua Hin, trực chỉ khách sạn Marriot, nơi có quán ăn Sala Thai ngoài trời.  Quán ăn này nổi tiếng với những món ăn ngon, lạ.  Thực khách sẽ tìm thấy những giây phút thoải mái, thư giãn, khi vừa thưởng thức món ngon, vừa được ngắm nhìn ra khu vườn hoa đẹp tươi của khách sạn nằm cạnh một bãi biển rộng dài, trắng xóa.   
Ăn xong, chúng tôi trở về căn nhà sàn của mình, thay quần áo đi tắm biển.  Sóng đã êm hơn hôm qua, nước đã trong hơn.  Bơi lội thoả thích rồi mà trời vẫn còn sáng nên Emily và Vi rủ nhau đi dạo một vòng biển trên lưng những chú ngựa con.  Tôi nằm dài trên ghế nệm, nhìn hai đứa cháu đi vòng vòng một lúc rồi thiếp dần vào giấc ngủ. 


Buổi tối,  không ai cảm thấy đói, vì chúng tôi vừa xong bữa trưa vào lúc gần ba giờ.  Mấy ngày hôm nay ăn tiệm cũng khá nhiều rồi nên Ki đề nghị đi chợ đêm mua một lô gà chiên, xôi, trái cây, nước ngọt và bia về ăn khuya.

Sau một ngày đi bộ qua từng đó ngọn đồi, tôi mệt mỏi ngủ vùi.  Nếu không có cơn mưa lớn giữa đêm đánh thức thì có lẽ tôi sẽ ngủ mê mải đến trưa.  Nằm nghe mưa nửa đêm được một lúc thì tôi lại đi tiếp vào giấc ngủ.  Tám giờ rưỡi sáng Hươu và tôi mới thức dậy.  Sửa soạn xong, đi ngang qua hai căn phòng của Lin và Ki thì thấy hai tấm bảng "Không Được Làm Phiền" treo ngay ở bên ngoài ổ khoá, nên tôi và Hươu đi ra thẳng nhà ăn.  Mặc dầu cơn mưa đã tạnh, nhưng bàn ghế ngoài nhà ăn lộ thiên bị ướt hết cả, nên bữa điểm tâm đã được chuyển sang nhà hàng Lom Fang trước mặt hồ tắm vì nơi này có phòng ăn kín đáo, tránh gió tránh mưa.  Thực khách vẫn có thể vừa ăn vừa ngắm biển phía xa xa từ những khung cửa sổ.  Đến quãng gần chín giờ rưỡi thì bọn Ki, Lin mới lò mò ra ăn.  Ăn uống no nê xong, bọn tôi ngồi  tán gẫu thêm một lúc là đến giờ trả phòng đi về. 

*


Đáng lý ra, theo dự tính, chúng tôi sẽ đi thăm thác nước Pala U trước khi trở về Bangkok.  Nhưng Lin bảo trời mưa, chắc đường trơn trượt, sợ con bé Emily không theo nổi.  Với lại, Lin sợ nếu ở lại đến khoảng quá trưa sẽ bị kẹt xe, vì lúc này là lúc mọi người cũng lục đục kéo nhau về. Hơn nữa, muốn đi thăm thác Pala U thì phải dậy đi từ sớm, vì đường vào đến thác nước hơi xa mà còn phải vượt qua mấy ngọn đồi nhiều lau sậy.  Tôi thì cũng không hăng hái với mấy cái trò lội suối, trèo non, nhất là phải lội trên những con đường đất sét đỏ ngập lụt vì mưa nên cũng đồng ý là không nên đi.  Ki và Vi thì cũng không thích mấy khi phải đi băng qua những cánh rừng nhiều muỗi mòng.  Jay thì đi cũng được, mà không đi cũng không sao, nhưng anh chàng có vẻ oải vì mấy ngày hôm nay đã phải nai lưng làm tài xế.  Chỉ có mình Hươu thì tiếc hùi hụi, vì hụt một cơ hội săn hình.  Lin bảo:
         

-  Hua Hin ở gần nhà mà, lần sau anh chị sang mình lại đi nữa.

 
Thế là chúng tôi thu dọn hành lý để trở lại Bangkok.  Chúng tôi ghé cái quán dọc đường mua mấy chai nước thốt nốt uống.  Hươu mua thử một chai mật ong mà cô bán hàng cứ nhất định quảng cáo là mật ong nguyên chất, xem có khác với cái hũ mật ong dại mua ở Chiang Mai không.  Con đường về Bangkok rộng thênh thang vì du khách còn mải chơi chưa muốn giã từ Hua Hin.  Khi xe ra khỏi cổng khách sạn Hươu còn quyến luyến quay lại giơ tay lên chào: 


-   Hẹn gặp lại Hua Hin một ngày tháng mười hai, năm tới.

Bảo Trân