Du lich Phu Tang  

Chú thích: Bài viết này được viết lại theo lời dẫn giải của hai hướng dẫn viên Đỗ Thông Minh và Trần Đức Giang, theo những dữ kiện tìm được trên mạng, theo những tờ quảng cáo (brochures) gom góp được trên đường du ngoạn, và theo trí nhớ của tác giả. Và cũng xin được cảm ơn quí vị nhiếp ảnh gia đã cho phép sử dụng những tấm hình trong bài viết.

Grace, con nhỏ bạn thân người Phi cùng làm với tôi hơn hai mươi năm trời nay, đã nhiều lần rủ rê tôi:

- Mình phải đi dự Hội Hoa Đào ở xứ Phù Tang một chuyến. 
           
Tôi bảo nó:
           
- Hoa đào thì ở đây cũng có, cần gì phải đi đâu cho xa, muốn đi thì mùa Xuân cứ làm một chuyến viếng thăm Fresno Blossom Trail, hay sang hơn thì đi qua Washington DC, cả một rừng hoa thắm tươi cho mày ngắm, chứ cần gì phải đi Nhật.  Nhà tao cũng có mấy gốc đào: hồng đào, bạch đào, bích đào... hai ba màu, hoa nở đầy vườn mỗi năm mà tao còn không có thì giờ để ngắm nghía, sao lại phải tốn tiền đi đâu xa cho mệt.
           
Nhưng con bạn tôi cứ nhất định là tôi với nó phải đi tới xứ của Thái Dương Thần Nữ ngắm hoa anh đào mới được. 
           
Thế là năm nào bọn tôi cũng bàn bạc, tính toán. Nhưng tính tới, tính lui, tính từ lúc gía tour anh đào mùa Xuân bắt đầu từ $999 cho tới khi nó leo thang tới $1,799 mà bọn tôi cũng tính chưa xong. Mấy năm trước, nhìn thấy sự chênh lệch khá lớn với giá tiền tour đi du lịch Nhật Bản và Trung Quốc nên bọn tôi đã chép miệng, thôi đành đi Trung Quốc trước, chờ xem giá tour đi Nhật có gia giảm chút nào không.  Nhưng hỡi ôi, cái con số này nó cứ từ từ thay đổi, không giảm, chỉ tăng và còn vượt quá $2,000.  Tháng Mười Hai năm ngoái, trước ngày Grace rũ... hồ sơ về hưu, con bạn tôi đã căn dặn tới lui:
           
- Nhất định là mùa Xuân tới này mình phải đi Nhật đó, tao không nghĩ là cái giá này nó thay đổi như mày muốn đâu, chờ hoài, tới lúc già rồi, chống gậy bò không lên tới... chân núi Phú Sĩ.

Tôi nghe con nhỏ nói có hơi nhột nhạt, vì nó vừa nhắc khéo chuyện mấy năm trước tôi đã không... bò được lên tới đài quan sát thứ nhất ở Juyongquan của Vạn Lý Trường Thành thì mong gì sau này... chống gậy bò được lên tới Phú Sĩ sơn. 
           
Thế là tôi phải làm một màn nghiên cứu, dò hỏi, so sánh những cái chương trình du lịch xứ hoa anh đào xem cái công ty nào tổ chức chuyến du lịch... vừa rẻ, vừa hay, để làm một chuyến viễn du.  Tình cờ sao trong chuyến đi làm đẹp cho cặp chân mày của tôi, tôi nghe cô chuyên viên thẩm mỹ nói về chuyến đi du lịch Trung Quốc vừa qua với công ty du lịch AV Travel.  Cô bảo là cô rất hài lòng với chuyến đi này, hài lòng với cách tiếp đãi của cô chủ công ty du lịch.  Tôi bèn rủ Hươu sau khi đi làm về ghé thăm văn phòng của AV chiều ngày hôm đó thăm thú cho biết sự tình.
           
Nhìn cái giá biểu trên tờ quảng cáo về chuyến du lịch đi xem hoa anh đào tôi muốn... xỉu.  Đã vậy còn phải đóng thêm tiền thuế phi trường, thì có nghĩa là, muốn đi chơi chuyến này, tôi phải cắm đầu làm thêm... bốn tháng overtime.  Nhưng, lại chữ nhưng tai hại, khi về nhà đọc qua cái chương trình, và lời quảng cáo: “có hai hướng dẫn viên Đỗ Thông Minh và thầy Trần Đức Giang, là những người đã và đang sinh sống hơn 40 năm tại Nhật Bản, hiểu biết về văn hóa và lịch sử Nhật Bản...” tôi cũng thấy tò mò, muốn tìm hiểu xem tại sao lại phải cần đến hai hướng dẫn viên cho một tour du lịch. Thêm nữa, sau khi lò dò vào trang nhà của công ty du lịch AV, nhìn những hình ảnh rực rỡ của mùa hội hoa đào thì lòng tôi lại háo hức, tôi đành nhắm mắt đưa tờ quảng cáo vào sở cho Grace xem.
           
Con nhỏ bạn tôi, chỉ liếc sơ qua mấy tấm hình, đọc tên vài địa danh rồi hồ hởi nói:
           
- Đi.
           
Tôi vẫn ngần ngại bảo nó:

- Tao còn phải chờ xem có trùng với ngày con tao về Mỹ không rồi mới tính.

Ngày cuối cùng ở sở làm, trước khi ra về Grace chạy sang ôm tôi chào từ biệt, con nhỏ còn nhắc đi nhắc lại:

- Khi nào mày ghi danh đi Nhật thì nhớ báo cho tao biết.

Đã lỡ hứa với chị Nga của AV Travel nên tôi đành trở lại... đóng tiền đặt cọc.  Grace thì đã được chị Nga liên lạc qua điện thoại, con nhỏ cũng... đóng tiền qua điện thoại bằng thẻ tín dụng.  Cầm tờ biên nhận giữ chỗ trong tay tôi cũng chưa chắc là mình đi Nhật.  Cho đến sau khi tham dự buổi hội thảo ở văn phòng AV, nghe những dẫn giải của chị Nga, anh Hùng về chương trình cuộc du lịch, đóng nốt số tiền còn lại, cầm vé máy bay trên tay rồi, tôi mới biết thật là mình sắp đi du lịch Nhật Bản. Thế là, Hươu với tôi vui vẻ về nhà sửa soạn hành lý cho một chuyến du Xuân...

 

4/3/09
           
Đoàn tour của chúng tôi có khoảng ba mươi người, ngoài Grace ra thì toàn là đồng hương cả, phần đông đều cư ngụ ở những thành phố chung quanh thủ đô tị nạn, chỉ có vài người đến từ xa như chị Thủy ở Texas, Vân ở gần San Francisco, và vợ chồng chị Liên - Anh ở San Jose.  Hươu và tôi gặp được vài người quen từ trước như anh chị Thuần - Loan, anh chị Tân - Toàn, nên kỳ này tha hồ cho chúng tôi chuyện trò rôm rả.  Đoàn của chúng tôi khởi hành vào ngày 3 tháng 4, có vẻ là hơi trễ cho mùa hội hoa đào, vì tôi nghe nói, thường thường là hoa đào bắt đầu nở vào cuối tháng 3 và chỉ tồn tại được khoảng chừng 2 tuần lễ, chúng tôi mà đến vào giờ này thì chắc là để nhìn... những cánh hoa bay. Nhưng thôi kệ, đành phải phó mặc theo thời tiết may rủi.
           
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Asiana Airlines khởi hành vào lúc nửa đêm, sẽ đưa chúng tôi sang Hàn Quốc trước rồi từ đó mới đổi máy bay nhỏ trở lại Tokyo.  Thoạt đầu tôi cũng thắc mắc là tại sao phải đi lòng vòng như thế, vì nhìn theo đường bay thì phải bay ngang qua Tokyo rồi mới đến Incheon (Nhân Xuyên), nhưng sau khi đến Hàn Quốc rồi tôi mới biết Incheon là trạm chính của Asiana Airlines, những hành khách đến nơi này xong sẽ chuyển sang máy bay khác để đi về những nước phụ cận như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản v.v...
           
Vì phải đi làm cho đến chiều, chỉ đủ thì giờ xách hành lý ra phi trường, nên ngồi ngay ngắn trong lòng ghế máy bay rồi là tôi ngủ gà, ngủ gật.  Điều này thật là đặc biệt vì có bao giờ tôi dám ngủ khi mới lên máy bay đâu!  Thông thường thì sau khi lên đến máy bay rồi là tôi âm thầm ngồi đọc kinh và chăm chú theo dõi tuyến đường máy bay bay trên màn ảnh radar cho đến khi không mở mắt ra nổi tôi mới chịu ngồi yên ngủ.  Tôi đang tơ lơ mơ thì bị Hươu đánh thức dậy để ăn chiều, vì bây giờ đã quá năm giờ chiều ở Incheon, không ăn cũng không sao, nhưng sẽ phải chờ đến mười tiếng đồng hồ sau mới được ăn sáng.
           
Asiana Airlines có hai món ăn cho hành khách chọn lựa, món Âu có beef steak và món Á có cơm Hàn. Chắc là không dự trù cho khách Âu-Mỹ nhiều như vậy nên sau khi đưa cái khay beef steak cho Hươu rồi thì cô tiếp viên hàng không cười duyên nói với tôi là:
           
- Đã hết món ăn Âu, thôi quí khách cũng nên thử cơm Hàn một lần cho biết.
           
Tôi đành nhận khay cơm của mình, tẩn mẩn mở nắp từng cái hộp nhựa con con nằm xếp gọn gàng thành hai hàng cạnh nhau ngắm nghía.  Cái hộp nhựa đựng cơm to nhất nằm ở chính giữa hàng dưới là món chính, với loại gạo tròn dẻo tiêu biểu của người Hàn, trên mặt cơm có thịt heo băm xào với nấm đông cô, cà rốt, giá đậu tương và củ cải.  Bên trái hộp cơm là một hộp canh “toàn quốc”, lõng bõng vài miếng cá mặn vụn, tô điểm với vài đốm hành xanh. Bên phải hộp cơm có một hộp kim chi khoảng chừng năm bẩy miếng.  Ở hàng trên, cạnh hộp kim chi là một hộp nước lạnh, để trong lòng một cái ly con.  Cạnh hộp nước là một hộp bánh ngọt vuông vức.  Gói muỗng, dĩa, dao, giấy lau tay thì ở góc trái ngoài cùng.  Bên cạnh gói dao nĩa này là một gói “phụ tùng” gia vị có xì dầu, dầu mè, tiêu, muối và một tupe ớt tương.  Tôi trộn cơm và từng đó thứ “phụ tùng” theo lời chỉ dẫn của cô tiếp viên hàng không rồi trệu trạo nhai.  Cơm trên máy bay là vậy, chẳng có gì đáng nói. Nhưng mình đi máy bay không phải để... ăn, nên tôi cũng ậm ừ thông qua nửa chén cơm Hàn.

Ăn cơm xong, tôi không thể nào ngủ lại được, nên đành ngồi nhìn máy bay bay trên màn ảnh radar.  Nhìn được một lúc thì tôi mỏi mắt, tôi có cảm tưởng như là máy bay đang tà tà nương theo gió vì cái hình máy bay trên màn radar không chịu di chuyển một chút nào.  Tôi bèn chuyển sang đài tivi để tìm nghe tin tức tình hình thế giới xem cái chuyện lộn xộn giữa Bắc Hàn và Nam Hàn đi đến đâu rồi.  Mấy tuần lễ trước ngày đi tôi đã lo âu khi nghe tin Bắc Hàn đang sửa soạn bắn hỏa tiễn vệ tinh lên không trung và đe dọa là sẽ không bảo đảm an toàn cho những chiếc máy bay thương mại bay qua không phận Bắc Hàn, làm hai hãng máy bay lớn của Hàn Quốc là Korean Airlines và Asiana Airlines đã e ngại phải chuyển đổi đường bay.  Nhưng loay hoay với cái đồ điều khiển (control) một lúc mà tôi cũng không biết làm sao để đổi sang đài tin tức.  Nhìn qua bên cạnh thì Hươu đã ngáy o o, nên tôi đành ngồi nhìn màn radar theo dõi hướng đi của máy bay qua từng không phận một... San Francisco rồi đến vùng biển Anchorage, Pacific Ocean... Đến khi máy bay đi ngang qua không phận Bering Sea thì tôi không còn chống mắt lên nổi nữa, tôi đã đi dần vào giấc ngủ từ lúc nào không biết.

 

4/4/09

Sáu giờ mười một phút sáng máy bay đáp xuống phi trường Incheon.  Chúng tôi sẽ có khoảng hơn ba tiếng đồng hồ chờ đợi.  Đáng lý ra thì chúng tôi đã phải chờ ở trạm chuyển tiếp này khoảng bốn tiếng đồng hồ, nhưng vì máy bay rời phi trường Los Angeles trễ hơn nửa giờ nên chúng tôi không phải chờ đợi lâu như đã định.  Trong thời gian chờ đợi, con nhỏ bạn Grace của tôi xà vào hàng thủ công nghệ học dán mấy cái hộp giấy hoa hòe đem về Mỹ chưng cho vui nhà vui cửa.  Mấy bà thích mua sắm thì dẫn nhau đi ngắm mấy cái cửa hàng (window shopping).  Tôi, Hươu và mấy người còn lại trong đoàn rủ nhau đi vòng vòng trong phi trường chụp hình, rồi trở về chỗ hẹn để cùng cả đoàn lên khu bán đồ ăn (food court) ở lầu hai ăn canh gà nấu sâm cho biết mùi vị... canh Hàn.

Chúng tôi đến phi trường Tokyo khoảng mười hai giờ rưỡi trưa.  Ra đón đoàn tour ở phi trường là hai hướng dẫn viên người Việt, anh Đỗ Thông Minh, thầy Trần Đức Giang và có thêm Chris, người hướng dẫn viên ở địa phương.  Nghe nói phần nhiều những hàng quán Nhật chỉ nhận tiền Yen nên mọi người hăng hái xếp hàng đổi tiền để khỏi phiền hà khi đi mua sắm.  Chờ cho mọi người đổi tiền xong xuôi rồi Chris dẫn mọi người ra xe bus.  Ra đến ngoài phi trường tôi hơi run vì gió bắt đầu thổi lạnh.  Tôi hỏi Chris về thời tiết của ngày mai để sửa soạn áo quần thì Chris bảo thời tiết có thể ấm áp hơn hôm nay.  Sau đó, khi lên xe bus rồi thì nghe anh Minh nói là đoàn tour của chúng tôi đến thật là đúng lúc, vì hoa đào đương vào độ mãn khai.  Tuần lễ trước, trời bỗng dưng se lạnh nên hoa anh đào chỉ lấm tấm điểm trên những cành cao, bắt đầu ngày hôm qua trời trở nắng ấm, nên trăm, ngàn cánh hoa tưng bừng đua nở.  Kỳ này đoàn chúng tôi sẽ tha hồ có bao nhiêu hình hoa anh đào đem về để ngắm.

Từ phi trường về khách sạn cũng khá xa.  Xe bus chở chúng tôi chạy dọc theo vịnh Đông Kinh, chạy qua cầu Rainbow Bridge, cái cầu nghe nói là có chân vòng, chân ruỗi.  Xe cũng chạy qua những con đường thành phố rải rác những cây anh đào đang khoe màu hoa mới.  Đúng là xứ hoa đào nên góc đường nào cũng rực rỡ với những cành hoa đào màu sắc khác nhau.

Gần hai giờ rưỡi chiều chúng tôi mới đến khách sạn Tokyo Hyatt Regency (5 sao). Nhận phòng xong, tôi gọi về nhà để báo cho Đôn biết là chúng tôi đã đến nơi.  Sau đó thì tôi đi tắm rửa và nằm chợp mắt được khoảng hơn một tiếng đồng hồ.  Năm giờ rưỡi chiều là tôi và Hươu đã phải có mặt ở tiền sảnh của khách sạn để bắt đầu bữa ăn tối ở Tokyo.

Nhà hàng chúng tôi đến ăn đêm đầu tiên trên xứ Nhật là một nhà hàng BBQ “all you can eat”, có lò ga cho chúng tôi nướng thịt ngay ở trên bàn.  Thức ăn ở nhà hàng buffet này xem ra còn ít hơn những nhà hàng buffet Todai ở Cali.  Chắc có lẽ vì giá sinh hoạt ở Nhật đắt đỏ, nên thức ăn cũng rất độ khiêm nhường.  Mang tiếng là nhà hàng Nhật mà quầy sushi chỉ nằm ở một góc nhỏ cuối góc phòng, quanh đi quẩn lại cũng từng đó miếng sushi có những miếng cá hồi, cá thu, bạch tuột, tôm, mỏng dính nằm vắt vẻo trên mấy nắm cơm như chỉ muốn chạy qua hàng đồ biển.  Thêm nữa, những món thịt của Nhật không được ướp gia vị gì nên chẳng được đậm đà.  Tôi tìm hoài cũng chẳng thấy tiêu muối ở đâu chứ đừng nói gì mong tìm đến dầu hào, maji, ớt tương và ớt trái.  Vừa nhúng mấy miếng thịt vào đĩa nước tương lạt thếch rồi bỏ lên lò nướng tôi không khỏi nhớ đến cái món thịt ướp xả, tiêu, hành hương, nước mắm thơm tho tôi vẫn nướng ở nhà.

Ăn cơm tối xong, còn nhiều thì giờ nên chúng tôi đi bộ một vòng con đường Ginza, con đường chính, sang trọng nhất của Tokyo.  Cũng như những con đường chính của những thành phố xa hoa tráng lệ khác như Shanghai, Hong Kong, Ginza đông đặc khách bộ hành.  Cũng có thể vì hôm nay là chiều thứ Bẩy.  Đường phố Nhật tuy đông người nhưng thật là sạch sẽ, không có đến một cọng rác, chúng tôi tìm hoài cũng không tìm ra được một thùng rác ở dọc đường.  Phố xá đẹp đẽ, sạch sẽ như vậy, nhưng tôi không hiểu sao nhiều người Nhật lại mang khẩu trang như người ở Việt Nam.  Hỏi anh Minh thì mới biết người Nhật mang khẩu trang như thế để tránh bị cảm cúm trong mùa lạnh, vì họ không muốn nhiễm bệnh hay lây những người chung quanh, và nhất là để tránh dị ứng với phấn thông.

Bọn chúng tôi đang tà tà tản bộ thì trời đổ một trận mưa rào.  Vì không chuẩn bị nón, dù nên bọn chúng tôi phải kéo áo khoác lên che đầu rồi cùng nhau nhanh chân chạy đến trú mưa dưới mái hiên của một siêu thị gần đó để chờ Chris gọi xe bus đến đón.  Trong khi đợi xe, mấy bà nội trợ Việt Nam tò mò bước vào siêu thị thăm dò giá cả.  Chúng tôi không thể nào tin được mắt mình nhìn, trời đất ạ, một trái dưa hấu nho nhỏ cỡ ở Costco bên Mỹ bán $5 hai trái, bên này chợ Nhật bán giá khoảng $18 tới $20 một trái, cantaloupe giá từ $40 tới $50 một trái, sầu riêng từ $40 tới $45 một trái, mấy trái dừa tươi còn vỏ bên Mỹ bán khoảng $1, $2 một trái thì bên Nhật giá từ $7 tới $8.  Bọn tôi lắc đầu bảo nhau không hiểu làm sao người Nhật có thể sống với cái giá sinh hoạt như thế này trong lúc tình hình kinh tế nước Nhật cũng bị ảnh hưởng với sự khủng hoảng kinh tế của toàn cầu.  Tôi khều Hươu vào chụp mấy tấm hình làm bằng, không thì đi chơi về kể lại chắc chẳng ai tin.

     

Về được đến phòng mình là tôi và Hươu cũng đã rã rời vì qua một quãng đường bay dài và những giờ chờ đợi mệt mỏi.  Hai chúng tôi thay phiên nhau tắm gội rồi sửa soạn đi ngủ.  Phải công nhận là phòng vệ sinh của những khách sạn ở Nhật rất là hiện đại, được trang bị bằng những toilet có vòi nước ấm, làm khách trọ cảm thấy sạch sẽ, thoải mái sau khi làm xong công việc cần thiết.

Mệt mỏi như vậy mà Hươu và tôi cũng không ngủ được thẳng giấc.  Tới chừng ba giờ sáng thì tôi và Hươu không thể nào ngủ thêm một chút nào nữa nên trổi dậy tắm rửa thay quần áo, coi tivi chờ giờ đi ăn sáng.  Khoảng sáu giờ sáng hai vợ chồng tôi lò mò xuống tầng hầm tìm phòng ăn, tưởng là mình đến sớm, ai ngờ đâu đồng hương của mình cũng đã tề tựu gần đông đủ ở đó rồi, hóa ra là bà con chung đoàn mình cũng không ai ngủ được cả.

 

4/5/09

Chín giờ sáng chúng tôi bắt đầu cho ngày du ngoạn đầu tiên ở Tokyo.  Nơi đầu tiên chúng tôi sẽ đến sáng ngày hôm nay là Công Viên Quốc Gia Shinjuku.

Đi độ 10 phút thì chúng tôi đến Công Viên Quốc Gia Shinjuku.  Công viên Shinjuku được hoàn thành vào năm 1906 với tính cách là vườn Ngự Uyển, nhưng từ năm 1949 đã trở thành Công Viên Quốc Gia, mở cửa cho dân chúng và du khách vào thưởng ngoạn. Vườn hoa Shijuku có ba vườn hoa chính là vườn cây xanh Anh Quốc, vườn hồng Pháp Quốc và vườn đào Nhật Bản.  Vườn hoa đào Nhật Bản chiếm hẳn một diện tích lớn (khoảng mươi sân vận động) với những giòng suối quanh co, có gềnh lượn quanh mấy căn nhà thủy tạ, trà đình, xinh xắn. Vườn Shinjuku là một trong những công viên có nhiều hoa đào hàng nhất xứ Phù Tang, vì ở nơi này đã có trồng đến 1.500 gốc hoa đào với 75 loại hoa anh đào khác giống, khác màu.


Chúng tôi được hướng dẫn vào vườn hoa từ cổng Okido.  Sau khi ghi nhận rõ lối ra và giờ tập họp xong thì chúng tôi nhanh chân hòa vào dòng người đông đảo để cùng trẩy Hội Hoa Đào.  Trời trong xanh, nắng ấm chan hòa, những cành hoa đào lung lay trong gió khoe những màu sắc, dáng hình riêng biệt.  Góc này là những cây đào cổ thụ thật cao, cành lá xum xuê, hoa rơi rắc mọc từ những thân cây xem thật dễ thương.  Góc khác có nhiều cây đào ủ rũ yếu mềm như cần có chỗ tựa nương, hoa lá xà xuống sát gần mặt đất. Tôi gặp lại những cây đào hoa kép hai màu trắng hồng, một loại hoa đào mà tôi vẫn thường thấy ở trong khu vực tôi đang cư ngụ.  Nhưng nhiều nhất thì phải nói đến những cây hoa đào màu hồng, màu trắng, cánh đơn.  Những đóa hoa đào cánh đơn này, có hình dạng của những đóa hoa mai năm cánh, nhìn giống như hoa của những cây hoa anh đào ở thành phố Đà Lạt (bởi thế người dân Đà Lạt đã gọi hoa anh đào với cái tên "Hoa Mai Đà Lạt").  Theo thiển ý của tôi, nếu những cây hoa đào này đứng riêng rẽ một mình thì chẳng có gì đặc biệt, có đặc biệt chăng là cả khung cảnh rực rỡ của một rừng đào.

Vườn hoa Shinjuku đẹp quá, quyến rũ chúng tôi đi lan man từ nơi này đến nơi nọ để chụp hình.  Chỉ có một điều tôi cảm thấy hơi lạ là thay vì đi tung tăng ngoạn cảnh như bọn du khách chúng tôi, thì phần đông những người dân bản xứ lại rủ nhau túm năm tụm ba trải bạt, trải khăn khắp cùng sân cỏ, bày biện thức ăn như đang đi picnic, hơn là đi ngắm hoa.  Thậm chí đến trong một góc tận cùng của vườn Nhật, tôi cũng thấy đầy đặc người là người, người đứng, người nằm, ngồi la liệt như đang tham dự một cuộc xuống đường hay đấu tranh tập thể.

Sau này được anh Minh và thầy Giang giải thích tôi mới biết tại sao dân Nhật trải khăn, trải bạt khắp cùng sân cỏ.  Thì ra mùa Hội Hoa Đào cũng là một dịp để người Nhật hội họp trong những công viên, dưới những tàn cây đào, vừa ngắm hoa, vừa ăn uống, vui đùa, trò chuyện, ca hát cùng nhau.  Đây cũng là một dịp để người Nhật đem những muộn phiền của một năm qua đem ra thả cùng hoa gió.  “Đặc biệt” nhất là trong những ngày này, nhân viên trong công ty có thể mời xếp của mình đi dự Hội Hoa Đào với mình.  Sau khi men sake đã thấm vào mạch máu thì thuộc cấp có thể xỉ vả xếp của mình không tiếc lời, và người xếp chỉ hoan hỉ chấp nhận những lời mắng nhiếc đó, rồi nhẹ nhàng an ủi, xin lỗi nhân viên. Sau ngày đó thì cấp dưới, cấp trên cùng vui vẻ nắm tay nhau trở về với công việc mà không giữ lại thắc mắc trong lòng.  Nhưng theo tôi, thì người Nhật nên thêm vào cái truyền thống “đặc biệt"" này một truyền thống mới như... nhờ những cánh hoa thơm quyện theo gió mới của mùa Xuân đem thông điệp tình yêu với những lời hẹn hò, những chúc tụng yêu thương trải đến khắp mọi nẻo đường thì có lẽ hay hơn.

Giã từ Công Viên Quốc Gia, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình.  Xe bus chạy ngang qua một công viên rộng lớn, có nhiều cây thông cổ thụ xanh tươi, có bờ thành cao, dài bằng đá, và hào nước sâu bao bọc ở bên ngoài.  Anh Minh bảo trong khuôn viên bờ hào, thành cao đó là Hoàng Cung, nơi hoàng gia Nhật đang cư ngụ và làm việc.  Du khách chỉ được đi vòng vòng bên ngoài nhìn vào những tòa lâu đài này từ xa xa mà thôi chứ không được phép vào thăm viếng bên trong.  Vì là nơi cư ngụ của hoàng gia nên mỗi năm cung điện chỉ mở cửa cho dân chúng vào thăm viếng hai lần, lần thứ nhất là vào dịp Tết Nhật Bản ngày mồng 2 tháng 1 Dương Lịch và lần thứ hai là vào sinh nhật của Thiên Hoàng ngày 23 tháng 12, để dân chúng có thể vào gặp hoàng gia và dâng lời chúc tụng.  Ngoài những ngày đó ra, thần dân nào muốn vào gặp Thiên Hoàng thì có thể tình nguyện vào hoàng cung quét... lá để có dịp chuyện trò cùng với vạn tuế gia.
           
Nơi chúng tôi sắp đến là chùa Senso và đền Asakusa (cách đọc khác nhau nhưng cùng chữ Hán là Thiển Thảo).  Nghe nói ngôi chùa này tuy nhỏ, nhưng số người thăm viếng cũng rất là đông đảo, chỉ đứng hàng thứ nhì sau đền Minh Trị.  Hai bên đường vào chùa có những hàng quán bán thức ăn, áo quần, và đồ lưu niệm.  Vì là Chủ Nhật, trong mùa lễ hội, nên người đông như nêm cối.  Tuy đông như vậy nhưng khách thập phương cũng cố gắng đứng trước một cái lư hương nghi ngút khói, to tướng giữa trời chờ đợi đến lượt mình để đưa tay quấn lấy khói hương trầm ướp vào mình cầu phước.  Chúng tôi chỉ quanh quẩn ở trong chùa có chừng bốn mươi lăm phút rồi lại tập họp nhau để đi ăn trưa ở một quán ăn nhỏ gần chùa, rồi sẽ đi thăm đền Minh Trị (Meiji Shrine).

Cổng đền Minh Trị là một cái “tori” lớn, bên cạnh có cây tùng cổ thụ nghe nói đã sống năm ngàn năm. Trước ngưỡng cửa sân đền Minh Trị có một bể nước xây bằng xi măng hình chữ nhật có mái ngói xanh che.  Đây là Temizuya, hay bể nước tẩy trần. Trên thành bể là những cái gáo tròn, nhỏ, làm bằng tre nằm gọn gàng, ngay ngắn.  Nước róc rách chảy từ một ngòi nước lồng trong một ống tre ở chính giữa hồ đưa hơi lên mát lạnh.

Theo tục lệ, thì chúng tôi phải rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ, thanh khiết rồi mới được vào diện kiến thánh thần.  Bọn chúng tôi cũng vui vẻ múc nước rửa tay rồi súc miệng.  Có thể là không nghe kỹ càng lời hướng dẫn của anh Minh lúc ở trên xe, nên chúng tôi đã hớp nước từ trong gáo để súc miệng.  Chừng sửa soạn bước qua ngưỡng cửa tori, Grace mới đưa cho tôi xem cái tờ quảng cáo mà con nhỏ đã lấy từ một cái hộp treo trên thân cây cột chống giữ mái đình.  Trong đó có hình vẽ và lời chỉ dẫn rõ ràng cho du khách về phương cách tẩy trần.  Theo lời hướng dẫn này thì chúng tôi phải rửa tay trái, rồi đến tay phải cho sạch trước, rồi múc nước đổ vào tay trái và súc miệng từ ngụm nước trên tay, chứ không ai kề môi của mình bên gáo bao giờ.  Xong xuôi rồi lại phải rửa lại tay trái và rửa sạch gáo trước khi bỏ lại ngay ngắn trên thành bể.  Tôi quay qua “thông dịch” cho mọi người nghe.  Cả bọn chúng tôi phá lên cười với nhau, cứ tưởng mình làm thủ tục vệ sinh mà chính ra mình lại làm... mất vệ sinh!

Đền Minh Trị là nơi thờ vua Minh Trị (một minh quân lừng danh của Nhật) và hoàng hậu Shoken. Tuy vua Minh Trị và hoàng hậu Shoken không phải là thần thánh, nhưng người Nhật đã tôn kính ông bà như thần thánh vì cảm phục đức hạnh của hai vị.  Vua Meiji và hoàng hậu Shoken thương dân, yêu nước, và ông bà đã bầy tỏ mối quan tâm đến thần dân, đất nước, và ngay cả đến tất cả nhân loại trên thế giới qua trăm ngàn bài thơ làm theo thể Waka (Hòa Ca, lối ca Nhật), một loại thơ cổ truyền của Nhật.  Ngày nay một số bài thơ đã được chuyển dịch sang Anh Ngữ, có lời dẫn giải rõ ràng và đã trở thành những lá xâm để trong hộp xâm "Omikuji" ở điện thờ chính. Chỉ với 100 Yen, du khách có thể vào trước điện thờ xin lễ, rút xâm xem lời thơ có ứng nghiệm vào chuyện mình xin cầu không.

Mỗi năm, vào dịp Tết, đền Minh Trị có khoảng ba, bốn triệu người đến thăm viếng, xin lễ và cầu nguyện. Người đứng xem lễ đầy đặc cả một khoảng sân rộng lớn. Không vào gần được chính điện để bỏ tiền vào thùng phước sương nên dân chúng đã cầu nguyện và ném tiền vào tiền sảnh của đền thờ.  Những đồng tiền sắt được ném tới tấp như mưa đã để lại những vết chém nho nhỏ khắp nơi trên thân những cây cột gỗ to tướng ngay trước điện thờ.  Đền Minh Trị cũng là nơi thường có những đám cưới được tổ chức theo nghi lễ Thần Đạo.

Tôi vào trong chính điện làm thủ tục diện kiến chính điện thờ cố Thiên Hoàng Minh Trị (không có để hình hay tượng, chỉ có bài vị).  Lần này thì tôi đọc lời chỉ dẫn trong tờ quảng cáo kỹ càng trước khi hành lễ.  Trước hết, tôi bỏ một ít tiền vào trong thùng phước sương, rồi cúi đầu chào hai lần, đứng thẳng người lên, vỗ tay hai lần, rồi lại cúi đầu xuống chào lần nữa.  Tôi chưa kịp ngỏ lời cầu xin, thì bỗng nghe có tiếng mấy chị trong đoàn gọi nhau ơi ới - “Ra xem đám cưới bà con ơi...” - làm tôi cũng vội vàng kết thúc việc chào hỏi, xin cầu rồi bước theo ra.  Tôi thấy mấy ông thợ chụp hình trong đoàn của chúng tôi đang hấp tấp chạy về phía tay phải của điện thờ, đuổi theo một đoàn người đang từ từ tiến vào lễ điện bên hông của chánh điện để kịp săn hình.

Đám cưới theo nghi lễ Thần Đạo nhìn cũng giống như đám rước thần.  Một ông chủ lễ mặc áo trắng, quần tím, đi đầu.  Một ông trẻ hơn mặc toàn trắng đi sau.  Trên tay mỗi người có cầm một miếng gỗ dài tương tự như cái thẻ bài.  Đi đằng sau hai ông là hai cô gái Nhật cũng mặc áo trắng nhưng có điểm những cánh hoa màu đen, quần màu cam, trông có vẻ giống là hai người phụ lễ.  Rồi đến cô dâu, chú rể.  Cô dâu Nhật, trong bộ trang phục cổ truyền màu trắng, nón phủ trên đầu cũng trắng toát, im lặng đi bên cạnh chú rể trong bộ áo cổ truyền màu đen, có thắt những giải nơ màu trắng.  Ngoài ba người dẫn lễ đi đầu, mặc quần áo có vẻ màu mè, còn lại quan viên hai họ, khách khứa theo sau cô dâu, chú rể toàn mặc những trang phục màu trắng đen, hay màu tối tăm, nhạt mờ, buồn tẻ. Cả một đoàn người đi dự lễ cưới mặt mũi nghiêm trọng, im lìm tiến bước.  Tôi không thấy ai mở một nụ cười.  Nhìn mặt mũi đoàn người này, tôi có cảm tưởng như là họ đang đưa cô dâu đi tế thần hay hiến dâng cho Hà Bá.   

          

 

4/6/09

Ngày hôm sau chúng tôi thu dọn quần áo để lên đường xuôi Nam. Trước khi rời khách sạn, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm tòa đô sảnh, nằm cách khách sạn có độ trăm bước đường.  Nghe nói, tòa đô sảnh là tòa nhà cao nhất Tokyo với 48 tầng lầu và có khoảng mười ngàn nhân viên làm việc.  Tòa nhà này chiếm ngự một diện tích lớn, có hai cánh, gồm một tòa nhà lầu cao và một tòa nhà thấp hơn ở hai bên con đường Nishi Shinjuku.  Hai tòa nhà được nối liền với nhau ở từng thứ 35 bằng hai cây cầu có mái che kín bít.  Tòa đô sảnh được mở cửa từ 9:30 sáng cho du khách vào thăm miễn phí.  Du khách sẽ được hướng dẫn lên đến tầng lầu thứ 45 để nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Tokyo.  Cũng tại nơi này, khách có thể ngồi nghỉ ngơi, mua nước uống, mua quà lưu niệm trong mấy quán hàng nhỏ ở cùng tầng lầu.

Lúc trở về, trong khi chờ đợi mọi người xuống hết, anh Minh đã chỉ cho chúng tôi xem những poster hình Olympic được chăng, dán khắp mọi nơi ở từng lầu một, anh nói:

- Tokyo có mặt trong danh sách những thành phố có triển vọng được tuyển chọn để làm nơi tổ chức Thế Vận Hội năm 2016.

Thảo nào lúc xếp hàng đi vào, tôi cũng thấy có nhiều poster thật to với dấu hiệu Olympic đã được đóng trên những bờ tường ở mặt tiền tòa đô sảnh.

Xe rời Tokyo, đi về hướng Phú Sĩ Sơn. Trên đường đi, chúng tôi sẽ được viếng một ngôi chùa ở phía nam Đông Kinh, ghé thăm tượng Phật “Homeless” Kamakura, ở tỉnh Kanawaga.  Kamakura Great Buddha là một pho tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi, được ghép lại từ những phần đúc riêng rẽ bằng đồng dầy, nặng.  Pho tượng Phật Kamakura cao 13.35 mét, nặng 121 tấn, và là pho tượng Phật lớn thứ hai ở Nhật Bản.  Pho tượng này trước kia cũng được an vị ở trong một ngôi chùa lớn, nhưng vào năm 1498, một cơn sóng thần đã ập đến cuốn trôi ngôi chùa, chỉ để lại pho tượng.  Từ đó đến nay thì pho tượng Phật Kamakura này vẫn an nhiên ngồi giữa trời mưa gió.  Tôi và Hươu vào chánh điện lộ thiên lễ Phật, rồi đi vòng quanh chùa chụp hình.  Đến hàng quà lưu niệm, thấy mấy anh chị trong đoàn đang rủ nhau thỉnh hình tượng Phật Kamakura khắc trên cánh quạt về chưng, tôi cũng bắt chước thỉnh vài bức về làm quà.  Vì hiếu kỳ, nên Hươu và tôi cũng theo bước chân phái đoàn nhà ta bỏ 20 Yen ra để được chui vào trong lòng tượng Phật, ghé mắt vào hai cái lỗ nhỏ (mắt của tượng Đức Phật), nhìn khách thập phương tấp nập ở ngoài sân.


Chiêm ngưỡng Phật "Homeless" xong, chúng tôi ghé lại ăn trưa ở một quán ăn gần chùa rồi lên đường đi về phía hồ Kawaguchi.  Cũng trên tuyến đường này, chúng tôi đã ghé qua một miền thôn dã, Oshino Hakkai (Nhẫn Dã Bát Hải), một khung cảnh thần tiên an lành, với những hồ nước nhỏ đầy cá, nước lúc nào cũng trong suốt nhìn thấu đáy.  Mang tiếng là đi thăm cảnh, ngắm hồ nước trong, xem cá mà quí vị phụ nữ trong nhóm chúng tôi lại tiêu pha hết thì giờ ở quán hàng nằm giữa những hồ nước này để mua những gói đậu muối mặn, những gói ô mai ngâm chua, và sắm đồ lưu niệm.

Đêm nay, chúng tôi sẽ nghỉ ngơi ở khách sạn Tominoko Onsen và sẽ được thưởng thức tắm nước suối nóng như lời quảng cáo.  Tominoko là một khách sạn nhỏ, có độ năm tầng, nằm trên con đường Asakawa Kawaguchiko-machi, cạnh sát hồ Kawaguchi, dưới chân núi Phú Sĩ.  Cả đoàn tour chúng tôi chiếm đóng hết dãy phòng có cửa sổ nhìn ra hồ Kawaguchi.  Đứng từ cửa sổ phòng ngủ, tôi có thể nhìn bao quát toàn cảnh hồ và hình bóng núi Phú Sĩ yên bình trên mặt nước.  Vì đây là một thành phố nhỏ, nên chúng tôi sẽ dùng cơm tối ở tại khách sạn.  Chị Nga của AV Travel đã đề nghị là mọi người mặc Kimono ngủ (yugata) xuống phòng ăn đêm nay để chụp hình cho vui.  Nhưng mà theo truyền thống Nhật thì không được mặc thêm gì (ngoài quần áo lót) ở bên trong Kimono làm mấy bà hơi ngần ngại, vì Kimono ở khách sạn cung cấp chỉ đơn giản là hai vạt áo choàng lên nhau, không khuy, không nút, được giữ chặt bằng một giải giây lưng quấn đủ hai vòng, ai mà táy máy kéo giải áo là... phiền to. Thầy Giang và anh Minh còn căn dặn kỹ lưỡng là mặc áo phải nhớ theo đúng thể thức, dù nam hay nữ cũng choàng vạt áo bên tay trái qua bên tay phải, nếu không thì sẽ làm người dân Nhật "hoảng kinh hồn vía", vì theo tục lệ Nhật Bản thì khi vạt áo Kimono được choàng từ bên tay phải sang tay trái, chỉ để dành cho những người đã giã từ dương thế, nên khi thấy mình choàng vạt áo theo lối này thì dân Nhật sẽ nhìn mình như những xác chết biết đi.  

Thế là một đoàn “Nhật Kiều” từ Mỹ về đủng đỉnh sánh vai nhau bước xuống phòng ăn.  Cả đoàn tôi chiếm trọn sáu cái bàn dài ngay giữa căn phòng với những bộ đồng phục xem rất là vui mắt.  Bữa cơm buffet có nhiều món ăn nên tha hồ cho bà con chọn lựa. Chúng tôi vừa ăn vừa nói cười rộn rã, khác hẳn với những thực khách ở các bàn bên cạnh chỉ thì thầm, nho nhỏ với nhau.  Ăn gần xong bữa thì “hai trẻ” Tố - Nhơn bưng trà dẫn nhau đi đến chào bàn, và tất cả quan viên hai họ đều vui vẻ nâng ly chúc tụng.

Để cho không khí “tiệc cưới” được tưng bừng hơn, quan viên hai họ đã kéo bàn kéo ghế lại thành hàng dài ngồi đứng mấy lớp để cùng nhau chụp hình lưu niệm. Cả phòng ăn sôi động lên với những tiếng cười đùa, làm thực khách trong phòng ăn ngạc nhiên quay lại trố mắt nhìn.  Thấy bọn chúng tôi cười đùa ầm ĩ quá, sợ làm phiền những thực khách khác đang cần sự im lặng để thưởng thức món ăn, ông quản lý khách sạn đã nhã nhặn mời chúng tôi quá bộ lên phòng khách ở lầu năm, nơi có bộ bàn xa-lông và những cái ghế đấm bóp cho khách ngồi thư giãn, để chúng tôi tha hồ mà đùa giỡn.  Nghe nói cũng có lý nên cả đoàn tour chúng tôi người tay trà, người tay nước, hân hoan dẫn nhau lên lầu.

Lên đến lầu năm, chúng tôi kéo mấy cái ghế xa-lông ra giữa phòng khách rồi xúm nhau lại chụp hình, hết chụp đứng đến chụp ngồi, rồi chụp đôi, chụp ba, xong lại chụp hình riêng các ông, chụp hình riêng các bà, rồi lại chụp cả nhóm, đủ bộ, đủ kiểu.  Chụp mãi chỉ có từng đó kiểu cũng thấy chán, nên mấy ông đề nghị để mấy ông diễn cảnh vua ngọa triều giữa một đám phi tần, mỹ nữ.  Thế là các bà xúm xít ngồi lại với nhau, tươi cười nhìn từng ông một ra nằm chống cằm, uống trà diễn tuồng.  Những người khách trọ cùng khách sạn đi ngang nhìn cảnh chúng tôi cười đùa vui vẻ, và nhất là thấy cái khung cảnh dàn dựng lạ mắt, một ông nằm dài trước mặt bao nhiêu người đẹp để chụp hình, nên họ cũng cầm máy hình, phone tay chụp hình bọn tôi làm kỷ niệm.  Chụp hết từng đó vua ngọa triều rồi, cười giỡn thỏa thuê rồi, chúng tôi cất máy hình qua một bên, chia nhau hai hàng ghế xa-lông ngồi nghỉ mệt, rồi bàn tính đến chuyện của đêm nay, đêm Onsen đầu tiên trên đất Nhật.

Chị Nga nhắc lại:

- Trăm phần trăm đó nghe.  Ai muốn đi xem thử thì xem cho biết, vì phòng tắm ở ngay phía bên cánh phải, cũng tại từng lầu này.

Anh Minh cũng cảnh cáo:

- Quý vị nào chưa quen với lối tắm nước nóng này phải cẩn thận, nhớ thò chân vào trước thăm dò, chừng quen với độ nóng rồi mới từ từ ngâm cả người xuống. Cũng không nên ngâm lâu hơn 10 phút mỗi lần, nếu không muốn trở thành tôm luộc.  Khi bước lên phải đứng dậy từ từ, nếu không thì có thể bị té xỉu vì áp huyết xuống thấp.  Nếu muốn ngâm lần nữa thì tắm lại nước lạnh rồi hẵng trở lại hồ nước nóng.  Nếu khách sạn có mấy hồ nước có nhiệt độ cao thấp khác nhau, quý vị nên thử hồ nước nóng trước khi ngâm mình vào hồ nước “sôi”.

Tôi, Grace, chị Tuyết, chị Yến, chị Toàn, Vân, và Tuyền lò mò vô phòng tắm thăm dò.  Trước khi đi vào phòng tắm chúng tôi phải bước qua phòng thay quần áo.  Căn phòng này ở ngoài cùng, nhỏ, cũng như những phòng để quần áo của mấy chỗ đi tập thể thao, có cái hộc tủ cao, dài bằng gỗ chia thành nhiều ngăn nhỏ đóng sát một bên tường. Trong những ngăn nhỏ này là những cái giỏ mây cũng nhỏ, chỉ đựng vừa bộ áo Kimono và một đôi dép.  Tường bên kia là bàn trang điểm, có vài cái máy sấy tóc, lược chải đầu và mấy bình kem bôi tay, bôi mặt, xoa người.  Dù đã được báo trước nhưng chúng tôi không sao ngăn được ánh mắt ngạc nhiên với cảnh tượng trước mắt khi vừa vén bức màn vải ngăn cách cánh cửa với căn phòng thay quần áo.  Trong lúc chúng tôi còn đang e dè bước từ từ vào phòng thì mấy bà, mấy cô Nhật mới vào tự nhiên đứng trước mặt chúng tôi thoát y rồi bỏ cái áo Kimono vô giỏ đựng đồ, xong tồng ngồng đi ra phòng tắm.  Còn lại mấy bà, mấy cô đã tắm xong rồi chưa thèm mặc lại quần áo cũng “trăm phần trăm” thản nhiên đứng sấy tóc, chải đầu.

Tôi cũng làm gan hướng dẫn mấy bà trong đoàn và con bạn tôi tiến thêm vài bước, kéo cửa phòng tắm ghé mắt nhìn.  Căn phòng ngoài này cũng nho nhỏ, xinh xinh, có một cái hồ tắm hình chữ nhật ở trong góc phải, bên cánh trái là một cánh cửa kính đóng kín, có lẽ là cánh cửa đi ra patio.  Trong một góc phòng khác là những bàn "tẩy trần", có vòi nước nóng lạnh, có những bình xà bông to tướng, có cả những cái ghế ngồi thấp và những chậu nhựa con con.  Trong hồ chỉ có vài bà Nhật đang nằm ngâm mình trong nước.  Còn những người vừa mới đến hay đã ngâm nước nóng xong đang xoa xà bông, xả nước, kỳ cọ, tắm lại.  Chả ai thèm để ý đến đám khách trọ đang ngơ ngáo đứng trước cửa phòng.

Nhìn mãn nhãn rồi bọn tôi rút ra ngoài hành lang bàn tính, hẹn hò.  Chắc khoảng chừng chín, mười giờ thì khách trọ bắt đầu đi ngủ, phòng tắm sẽ không có nhiều người, tới lúc đó, Nhật Kiều từ Mỹ về sẽ bắt đầu... "hành động".  Vậy thì hẹn nhau đi tắm Onsen vào khoảng chín giờ rưỡi.  Thỏa thuận với nhau xong chúng tôi tan hàng.  Trước khi vào phòng mình, Grace còn khều tay tôi hỏi:

- Tao mặc đồ lót có được không?

Tôi tắc lưỡi:

- Chắc là được, mặc đồ sạch là xong ngay.

Chín giờ rưỡi tối, tôi náo nức đem bộ đồ “chiến” màu xanh lam mới mua ở Victoria Secret ra mặc.  Choàng áo Kimono lên người tôi đem khăn tắm đi lên phòng ôn tuyền (onsen).  Hươu và anh Tân đã dẫn nhau đi từ mười lăm phút trước.  Thì ra mấy ông cũng háo hức đi tắm ôn tuyền không kém gì chúng tôi.

Khi tôi vào đến phòng tắm, thì Vân, Tuyền, chị Tuyết, chị Yến, chị Toàn, chị Nga, chị Liên, đã bắt đầu ngâm nước nóng.  Chỉ có Vân, Tuyền, với chị Yến là còn e ngại, giữ một mảnh, hai mảnh trên người, chứ mấy chị kia đã nhập gia tùy tục mất rồi.  Tôi cũng hăng hái kỳ cọ nhanh chóng rồi giữ hai mảnh vải bước nhanh xuống hồ.  Đúng như là chúng tôi dự đoán, khách địa phương giờ này chẳng có mấy người.  Khi tôi nhẩy vào hồ thì có hai bà Nhật đang sửa soạn bước chân lên, để lại cái hồ nước to đùng cho cả bọn chúng tôi tha hồ vùng vẫy.  Trước khi ngồi xuống bàn kỳ cọ hai bà còn đưa mắt nhìn nhau như ngầm bảo:

- Chẳng biết cái bọn khách trọ này từ đâu tới, ngâm nước ôn tuyền mà còn mặc đủ quần áo trên người.

Con nhỏ bạn Grace của tôi cũng xuất hiện sau đó vài ba phút.  Sau khi tắm táp xong rồi con nhỏ cũng nhanh nhẹn lẩn xuống hồ, nhưng nó còn gan hơn tôi một chút, nó chỉ giữ trên người một mảnh vải tam giác nhỏ xíu mà thôi.  Ngồi trong hồ được vài ba phút thì tôi cũng cảm thấy là cái mảnh vải bên trên nó vướng víu quá đi mất thôi, nên tôi cũng nhẹ nhàng đưa tay tháo bỏ, vứt vào trong một cái chậu nhựa nhỏ bên cạnh cái bàn tắm tẩy trần rồi thoải mái ngâm mình trong hồ nước ôn tuyền.

Nước trong hồ thật ấm, cái ấm lạ lùng khác hẳn với làn nước ấm của hồ bơi hay của mấy cái hồ nước phun (spa), nhưng không đến nỗi “nóng” như anh Minh đã cảnh cáo. Tôi ngửi được có một cái mùi gì nồng nàn như khí đá xông lên từ trong làn nước ấm.  Chị Nga bảo đó là mùi lưu huỳnh, vì nước ôn tuyền được dẫn về từ lòng đất.  Ngâm nước nóng khoảng mười lăm phút thì tôi và mấy chị em trong đoàn phải lên xả nước lạnh không thì bọn tôi cũng có thể trở thành những con tôm hùm luộc.  Xả nước lạnh xong rồi, định ra về nhưng không biết sao chúng tôi lại che cái khăn nhỏ trên người, tò mò đi ra “dò thám” cái patio đằng sau phòng tắm.  À, thì ra ngoài này còn có một cái hồ ngâm có một phần lộ thiên.  Cái hồ này nhỏ hơn cái hồ ngâm ở phía trong nhà, lối xây cất cũng kiểu cọ hơn, chỗ cong, chỗ thắt.  Một phần hồ được che khuất bởi hai bờ tường và một mái che kín gió, chắc là để dành cho những khách hàng không thích bị ông trời ngắm nghía.  Ham vui, nên bọn tôi bàn nhau ở lại ngâm nước thêm năm mười phút nữa hẵng về.

 

4/7/09

Bốn giờ sáng hôm sau tôi dậy sớm, choàng Kimono lên phòng ôn tuyền ngâm nước.  Đã quen thuộc với lối tắm này rồi nên lần này tôi sẽ làm một người Nhật thuần túy. Tôi “tỉnh bơ” bỏ áo vào giỏ mây rồi cầm khăn tắm đủng đỉnh đi vào phòng trong.  Tưởng là không có người, nhưng không ngờ tôi cũng gặp chị Thủy ở đây.  Chị nói sáng nào chị cũng thức dậy từ ba giờ sáng để tụng kinh và ngồi thiền, nên vào đây tắm Onsen sớm cho thư giãn.  Hai chị em ngồi nói chuyện với nhau được năm ba phút thì chị bước ra vì chị bảo chị đã vào đây lâu lắm.  Chừng khoảng mười phút sau thì tôi cũng trở về phòng sửa soạn thay quần áo để còn xuống ngắm ánh hừng đông trên ngọn Phú Sĩ với tất cả mọi người.

Năm giờ rưỡi sáng, tôi và Hươu đeo máy ảnh xuống lầu bước ra ngoài cửa khách sạn.  Đã có vài người trong đoàn chúng tôi đang tản bộ bên kia bờ hồ chờ nhìn ánh mặt trời lên ở phía chân trời.  Tôi kéo cao cổ áo và thắt chặt khăn quàng rồi theo Hươu băng ngang đường nhập bọn.  Trời mùa Xuân nên thời tiết rất là mát mẻ, không khí thật trong lành.  Chúng tôi đi vòng vòng quanh bờ hồ Kawaguchi chụp hình rồi đứng tựa lan can nhìn mặt trời chậm rãi lên chiếu sáng dần ngọn núi Phú Sĩ.  Đến gần bẩy giờ thì chúng tôi phải trở lại khách sạn trả chìa khóa phòng, ăn sáng, để còn tiếp nối cuộc hành trình viếng thăm một thắng cảnh khác.  Ngồi trong nhà ăn, nhìn núi Phú Sĩ trắng hồng qua khung cửa kính chúng tôi đã tiếc hùi hụi là không thể ở lại một vài giờ nữa để ghi lại hình ảnh thần tiên này khi vầng dương sáng rọi trên đỉnh núi.



Nơi đầu tiên chúng tôi đến sáng hôm nay là Jewelry Forest, nơi có chưng bày nhiều loại đá quí để cho mấy bà thích mua sắm có cơ hội tiêu tiền.  Nhưng những món trang sức ở đây không có gì đặc biệt, mà giá lại quá cao.  Có đặc biệt chăng là những tảng đá quí được kết hợp thành những hòn giả sơn ở bên ngoài vườn hoa, và một tảng đá ngọc tím bầy ở ngay phía ngoài ngưỡng cửa mà chúng tôi nghe nói là tuy đã được đem lên khỏi mỏ nhưng hàng ngày đá vẫn mọc thêm lên như khi còn ở trong lòng đất !?  Chris cũng chỉ cho chúng tôi coi một tảng đá màu trắng, lớn cỡ bằng mặt bàn, gần lối đi lên cầu thang. Chris bảo đây là “hàn băng thạch”, ngồi lên lúc nào cũng mát lạnh, cho dù có phơi nắng cả ngày ở ngoài vườn.  Nghe nói thế nên chúng tôi thay phiên nhau lên ngồi thử cho biết.

Chúng tôi làm một vòng thăm viếng thật nhanh ở Jewelry Forest rồi thẳng tiến đến Mt. Fuji Visitor Center.  Ở nơi đây chúng tôi được xem một đoạn phim ngắn nói về lịch sử của ngọn núi cao chót vót biểu tượng của xứ Phù Tang này.  Theo “quảng cáo” thì chúng tôi sẽ được đưa lên trạm thứ năm của núi Phú Sĩ để ngắm nhìn cả một vùng thung lũng bao la, nhưng Chris bảo vì thời tiết không cho phép (đôi khi mặt đường còn tuyết nên xe chỉ được phép lên trạm số 3 hay 4), nên chúng tôi chỉ ghé thăm Mt. Fuji Visitor Center rồi đi.  Tôi nhìn Chris nghi ngờ, theo tôi thì cái yếu tố “thời gian” không cho phép có lẽ chính đáng hơn là “thời tiết” không cho phép, vì nhìn trên bản đồ thì con đường từ đây đến trạm thứ năm của núi Phú Sĩ cũng có vẻ xa.  Chị Nga của AV lại rủ rê:

- Thôi thì tháng 8 mấy anh chị trở lại đây thăm Nhật Bản mùa Thu và để có dịp leo lên đến tận đỉnh Phú Sĩ.

Rời Mt. Fuji Visitor Center, chúng tôi ghé ngang chùa Diệu Pháp ở công viên Hòa Bình.  Quả thật là “ghé ngang” vì chúng tôi chỉ có được hơn một tiếng đồng hồ dạo chơi ở đó.  Công viên Hòa Bình là một vườn hoa đào lớn, với những gốc hồng đào thật đẹp ở tỉnh Shizuoka.  Nghe nói những ngày trời quang đãng thì du khách có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ trên nền trời xanh trong, nhưng hôm nay trời có vẻ âm u nên chúng tôi đã không tìm được hình bóng núi Phú Sĩ.  Đường lên chùa khá dài, mà thời giờ thì lại bị giới hạn nên vừa xuống xe là chúng tôi đã hối hả bước đi.  Trước hết chúng tôi phải đi qua hết con đường dốc ngợp sắc hoa đào, tới cái bể nước nhỏ bên tay phải trước sân chùa để làm thủ tục tẩy trần.  Vừa gác gáo múc nước lên thành bể gọn gàng rồi là chúng tôi rảo cẳng tiến bước, vì chúng tôi còn phải đi qua một khoảng sân rộng lớn có đặt rất nhiều tượng thú bằng đá, xong mới đến được những bậc thang đá đầu tiên bước lên vùng bảo tháp.

 


Tòa bảo tháp trắng toát với đỉnh tháp màu hoàng kim, cao vòi vọi, uy nghi nằm chính giữa khu vườn.  Bốn mặt bảo tháp có bốn trang thờ to, bên trong có đặt những tượng Phật Thích Ca từ ngày đản sanh, lúc xuất gia, khi thành đạo, cho đến ngày nhập diệc Niết Bàn.  Tôi và Hươu đi vòng quanh bốn mặt bảo tháp đảnh lễ với đấng Như Lai xong, ra lan can chùa chụp được vài tấm hình rồi là phải nhanh nhanh đi xuống vì sắp tới giờ ra lại ngoài xe để đi Hakone.  Chúng tôi cũng không có thì giờ để tìm xem cái con đường có 33 tượng Phật Bà cứu độ (mà thầy Giang đã giới thiệu) ở nơi đâu.  Trên đường đi ra cổng tôi rán nán lại vài giây để chụp hình tượng Phật Bà Quan Âm đúc bằng vàng và bạch kim đã được thỉnh sang từ Ấn Độ.

Rời chùa Diệu Pháp, chúng tôi lên đường đi Hakone.  Hakone Park là một vùng đất núi nằm ở phía tây Tokyo.  Ở nơi đây có vùng thung lũng Owakudani, được tạo dựng từ sau cuộc biến động của ngọn núi lửa Kamiyama khoảng 3.000 năm về trước.  Du khách tìm đến Owakudani Valley để thăm viếng một thắng cảnh nổi tiếng với những hồ nước nóng, những khe núi hở có hơi lưu huỳnh xông lên liên tục, và với những quả trứng “ngọc đen” được luộc trong những hồ nước nóng đầy hơi lưu huỳnh này.

 

Từ bãi đậu xe của thắng cảnh Owakudani, du khách chỉ cần băng qua một khoảng sân xi măng nhỏ bé là có thể bắt đầu đi theo một con đường mòn dẫn lên đầu nguồn ôn tuyền để nhìn xuống vùng thung lũng có những cái hồ nước sủi bọt, hơi khói đang bốc lên nghi ngút.  Còn ai thích lên cao hơn ngắm cảnh thì cũng có thể mua vé xe cáp để được đưa lên tận trên đỉnh núi Komagaoka.  Đoàn chúng tôi chia làm hai nhóm, một nhóm dẫn nhau lên đầu nguồn xem lưu huỳnh phun khói, xem nhân viên của Hakone Park thả những lồng đựng trứng xuống hồ nước nóng, và nhìn màu vỏ trứng thay đổi sang một màu đen tuyền vì được luộc trong nước khoáng lưu huỳnh.  Còn một nhóm vì không thích leo trèo, và không chịu được mùi nồng nặc của hơi lưu huỳnh nên dẫn nhau vào quán hàng bán đồ lưu niệm để mua... thức ăn.  Ở trong quán hàng này cũng bầy la liệt những cái trứng đen được luộc sẵn.  Nghe đồn là ăn một cái trứng “ngọc đen” này sẽ được tăng tuổi thọ lên đến bẩy năm nên cả bọn chúng tôi, người nào đi ra cũng xách theo vài ba trái trứng “da đen” ăn thử.
           
Sau khi từ giã Hakone, chúng tôi trực chỉ đến tiệm ăn nằm ngay bên cạnh hồ Ashi. Theo như chương trình thì sau khi ăn trưa, chúng tôi sẽ có những giây phút thư giãn trên tàu đi vòng vòng hồ cây lau Ashi ngắm cảnh.  Hồ Ashi là một hồ nước nhỏ nằm bên chân núi Phú Sĩ, được thành hình cùng thời với vùng thung lũng Owakudani trong biến động của ngọn núi lửa Kamiyama.

 

Sự chuyển động của đất đai trong thời gian ngọn núi này bùng nổ đã làm sụp lở một vùng đất núi, nâng giòng sông Haya lên cao rồi cắt đứt con đường lưu thông của nó, dồn nước giòng sông này chảy vào khu vực đất trũng trên mõm núi Hakone, thế là hồ Ashi đã được khai sinh.  Có lẽ hồ Ashi đẹp nhất là vào đầu Xuân, khi ngọn núi Phú Sĩ còn ngợp đầy tuyết trắng và cây cối hai bên hồ đang tưng bừng khoe những cánh lá tươi màu mơn mởn.  Vào những ngày trời quang đãng du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng cảnh hồ Ashi mênh mông sóng nước, thắm đượm sắc màu hoa lá, hòa quyện với hình dáng sinh động của ngọn núi Phú Sĩ sừng sững ở cái phông đằng sau trên nền trời xanh trong, tạo thành một bức tranh tuyệt tác.  Nhưng ngày hôm nay trời kéo mây mù, nên hai, ba giờ chiều rồi mà tôi cố ngắm mãi cũng chẳng nhìn thấy bóng hình của núi Phú Sĩ ở đâu.  Hiện nay hồ Ashi cũng là một thắng cảnh thích ứng với những du khách chỉ muốn thực hiện ước mơ... “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ...”

 

 

4/8/09
           
Hôm sau, chúng tôi qua phà đi Ise.  Đường từ Hamamatsu đến bến phà Atsumi cũng khá xa, nên hơn mười giờ rưỡi sáng chúng tôi mới lên phà. Chuyến phà lướt sóng êm, đi nhanh chóng, nên chỉ chừng 45 phút là chúng tôi đã sang tới bến phà thành phố Toba. Nơi đầu tiên của cuộc thăm viếng ngày hôm nay là “Hòn đá vợ chồng” (Meoto-iwa).  Mấy năm trước nhìn thấy hình của hai hòn đá này giữa biển cả mênh mông và đọc lời chú thích trên mạng tôi cứ ngỡ là phải ngồi trên thuyền để đi ra ngoài khơi ngắm đá, và tôi cũng đã thắc mắc không hiểu làm sao người ta có thể đi trẩy hội ở trên chiếc cầu giây thừng nhỏ nhoi này.  Chừng ra tới nơi, khoảng giữa trưa, gặp lúc nước triều xuống thấp, tôi mới nhận thấy là hai hòn đá vợ chồng này ở rất gần bờ, và cái cầu giây thừng nối kết hai hòn đá này chỉ là một sợi giây dài được bện chặt với nhau bằng những sợi giây thừng rơm tượng trưng cho tình vợ chồng bền vững.  Chiếc cầu giây này được thay mới đôi ba lần trong một năm vào những mùa lễ hội.  Và trong những ngày lễ hội thay cầu dân chúng từ mọi nơi tấp nập đến cầu đảo ở ngôi đền Thần Đạo nhỏ phía ngoài, ngay ở bên cạnh bờ biển, rồi sẽ đi vào trong vùng đất đá vợ chồng xem trai tráng trong làng leo lên hòn đá lớn, “hòn chồng”, để giăng giây cầu mới chứ không phải là đi trẩy hội trên cầu.

 

 

Rời vùng biển Futami, chúng tôi đi thăm viếng Ise Jingu (Y Thế Thần Cung), một ngôi đền Thần Cung cổ nhất của Nhật Bản, chính là tổ đình, nơi mà mỗi đầu năm Thủ Tướng Nhật (không cần biết là thuộc tôn giáo nào) vẫn phải về để hành lễ theo nghi thức Thần Đạo.  Thần Cung Ise là một tập hợp những đền thờ được xây dựng giữa một khu rừng rộng lớn ở gần sông Isuzu, một khu rừng có rất nhiều cây cổ thụ ngàn năm với những cái thân to tướng mà phải đến ba bốn người đàn ông giăng tay ra, nối với nhau mới ôm vòng nổi.  Thần Cung Ise gồm có hai khu đền chính: Naiku (Nội Cung) và Geku (Ngoại Cung).  Geku là nơi thờ Thần Ngũ Cốc, và Naiku là điện thờ Nữ Thần Mặt Trời Amaterasu Omikami, vị nữ thần được cho là thủy tổ của hoàng gia Nhật.
           
Theo phong tục, thì Thần Cung được xây dựng lại mỗi hai mươi năm, mỗi lần xây kéo dài tám năm với rất nhiều nghi lễ đi kèm.  Kích thước của ngôi đền mới kiến trúc được giữ nguyên vẹn y như kích thước của ngôi đền cũ, nhưng được xây dựng bằng toàn vật liệu mới.  Những thanh gỗ gỡ ra từ ngôi đền cũ sẽ được bán lại cho dân chúng đem về xây cất nhà cửa của mình để mong được thánh thần ban cho nhiều phước lộc, may mắn.  Khi chúng tôi đến đây, thì vùng đất bên cạnh cây cầu bắc ngang sông Isuzu đang được thiết kế để sửa soạn cho sự kiến thiết cây cầu mới dẫn vào khu đền.
           
Cũng như các đền thờ Thần Đạo khác, chính điện đền Jingu được che phủ kín mít, chúng tôi chỉ được đứng bên ngoài điện thờ, bỏ tiền vào thùng phước sương, vỗ tay, cúi đầu chào theo nghi thức Thần Đạo rồi đi về.  Dân chúng và du khách đến viếng thăm cũng không được phép chụp hình trước điện thờ mà chỉ được chụp hình từ những dưới bậc thang đá dẫn lên đến trước cổng đền.

Thăm viếng Thần Cung xong rồi, chúng tôi đi ăn trưa ở một tiệm ăn ngay con đường phía bên trái của đền.  Sau bữa ăn trưa bà con trong đoàn của tôi còn đi dạo quanh khu phố một vòng, mua đậu đen, đậu nành rang dòn lên xe ăn tráng miệng.  Thầy Giang cũng hướng dẫn các anh chị Tố - Khanh, Sơn - Thủy, đến gian hàng bán trà, bán ấm tách to nhất trong con phố để mua trà xanh Nhật Bản.  Gian hàng này có bán đầy đủ các hạng trà từ loại thường thường bằng cọng trà phơi khô cho đến loại thượng hạng với những lá trà xanh non mềm mại.  Tôi và Hươu lúc đầu chỉ tính đi theo hộ tống đoàn để uống thử trà, ăn thử đậu cho vui thôi nhưng rồi nghe quảng cáo mãi cũng bùi tai nên cũng bắt chước bà con mua vài bịch trà xanh đem về làm quà.
           
Buổi chiều, chúng tôi được đưa đi thăm viếng đảo hạt trai Mikimoto, nơi mà mấy bà trong đoàn của tôi đang mong đến.  Chris tính toán giờ giấc chắc cũng khá xít xao, nên lúc nào anh cũng giục giã chúng tôi bằng hai chữ Việt Nam duy nhất mà anh có thể phát âm khá đúng là - “nhanh lên, nhanh lên”- để cho kịp buổi biểu diễn “mò trai” vào lúc bốn giờ chiều.  Theo chương trình thì chúng tôi sẽ vào xem cuộc biểu diễn “mò trai” của mấy cô thợ lặn Nhật Bản trước khi vào thăm viếng phòng triển lãm ngọc trai.  Sau đó thì các bà, các cô sẽ có dư giả thì giờ để đi mua sắm ở hai gian hàng nữ trang trong tòa nhà kế bên cạnh phòng triển lãm.

Cuộc biểu diễn “mò trai” cũng không có gì là đặc biệt, cũng tương tự như những cuộc biểu diễn mò trai ở Sea World, San Diego.  Cũng những hải nữ (Umionna) mặc bộ quần áo toàn trắng lặn xuống nước, mò mấy con sò đem bỏ vào thùng gỗ.  Đây chỉ là cuộc biểu diễn cho du khách coi cho vui thôi, chứ với kỹ nghệ nuôi trai hiện giờ thì mấy cái hãng sản xuất ngọc trai đã không còn phải sử dụng đến người đi mò trai sò nữa.

Sau khi xem xong phần biểu diễn, chúng tôi tuần tự theo nhau vào phòng triển lãm để ngắm những con sò được treo lủng lẳng trên những tấm màng lưới, trong những cái giỏ sắt lớn, xem những cái vỏ sò được sử dụng trong việc cấy ngọc trai, ngắm những loại hạt ngọc trai với hình dạng tròn méo, to nhỏ, màu sắc khác biệt nhau, và nghe nhân viên của hãng Mikimoto trình bầy về phương thức nuôi ngọc trai của hãng.
           
Một nhân viên của hãng Mikimoto đón chào chúng tôi ở ngay quầy hướng dẫn. Ông cho chúng tôi xem một đoạn video ngắn nói về đời sống của các “em bé” ngọc trai thuộc diện “con lai” (cha Mỹ, mẹ Nhật), được thành hình qua phương pháp thụ thai nhân tạo (cấy), và sẽ được đem ra khỏi lòng mẹ bằng phương thức cesarean (mổ bụng).

Cứ theo như cuốn video này thì công việc nuôi cấy hột trai đòi hỏi một quá trình rất công phu, tinh tế và khéo léo. Hãng Mikimoto đã chọn lựa những con sò con mạnh khỏe, khoảng 6 tháng tuổi, để dùng trong công việc nuôi cấy này.  Khi những con sò này đến tuổi trưởng thành, chúng sẽ được kéo lên, rửa sạch sẽ, rồi được “tắm” trong những chậu nước thuốc mê để chúng không đến nỗi đau đớn khi bị cắt thịt để cấy hạt nhân vào trong lòng. Những con sò này sẽ được nuôi nấng thận trọng trong những giỏ sắt lớn ở một vùng biển riêng biệt vào khoảng hai, ba năm thì mổ ra lấy hạt trai.

Hãng Mikimoto đã nhập cảng vỏ những con trai (mussels) từ vùng sông Mississippi ở Mỹ để làm hạt nhân vì những nguyên tố trong vỏ trai này tương tự như những nguyên tố của loại sò Akoya, một loại sò thường được dùng để nuôi ngọc trai, nên chúng sẽ không gây nhiều dị ứng cho những con sò cưu mang chúng. Những vỏ trai này đem về được rửa ráy sạch sẽ, cắt thành từng cục vuông nho nhỏ trước, rồi được mài thành những hạt nhân tròn.  Chuyên viên cấy hạt nhân sẽ nhẹ nhàng tách thịt sò “mẹ” ra, ở những nơi mà họ nghĩ là sẽ không nguy hại đến đời sống của con sò.  Một miếng thịt sò mỏng vuông vức (cắt ra từ vùng thịt phía ngoài riềm thân những con sò khác) sẽ được đưa vào trước làm lớp nệm lót, rồi viên “tinh trùng” (hạt nhân) ngọc trai sẽ được đưa vào nằm ngay trên miếng nệm lót đó.  Những chuyên viên cấy “tinh trùng” này sẽ tùy theo kích thước lớn nhỏ của con sò, mà quyết định cho “bà mẹ sò” sinh đôi hay sinh ba, bằng cách cấy thêm hạt nhân vào những chỗ khác nhau trên thân sò.

Sau khi cuộc giải phẫu hoàn tất, những “sản phụ sò" sẽ được cấp tốc đặt vào những cái nôi sắt, và được chuyên viên chăm nuôi nhanh chóng chuyển ngay đến vùng “biển hồi sức” nơi mà những sản phụ sò sẽ được chăm nom kỹ lưỡng trong thời kỳ “hậu giải phẫu”, để xem “bà mẹ sò” nào có thể vượt qua sự thử thách đớn đau này.  Mười ngày sau, chuyên viên nuôi sò sẽ kéo những cái nôi này lên để xem xét tình trạng sức khỏe của những “bà mẹ sò”.  Không phải là con sò nào cũng có thể chịu đựng được cuộc giải phẫu “banh vỏ, xẻ thịt” này, đã có rất nhiều con sò đã bỏ mình vì dị ứng.  Chuyên viên chăm nuôi sẽ lựa lại những con sò sống sót, bỏ vào nôi và chuyển tới trại nuôi sò trong vùng biển đã được chỉ định.  Nơi đây, những cái nôi này sẽ được treo dựng đứng vào những chiếc bè nuôi ngọc trai to, dài đang bập bềnh trên sóng nước.
           
Qua thời gian, những viên ngọc trai sẽ được thành hình và lớn dần từ những lớp xà cừ được tiết ra từ thân thể con sò để bao quanh viên hạt nhân xa lạ đã xâm nhập vào trong thân thể chúng.  Trong thời gian chờ đợi những hạt nhân trở thành viên ngọc quí, chuyên viên chăm nuôi đã phải theo dõi những “bà mẹ sò” này rất là kỹ lưỡng để bảo vệ sức khỏe của chúng và cũng để bảo đảm phẩm chất của những viên ngọc trai sau này. Những dòng nước biển đỏ ngầu nhiễm trùng, hay nhiệt độ nước biển thay đổi bất thường, đã là một vài hiểm họa đáng kể cho những “bà mẹ sò” đang trong thời kỳ thai nghén.  Bởi thế nên chuyên viên chăm nuôi đã phải thường xuyên thăm dò, kiểm tra chất lượng của nước biển để có thể kịp thời di chuyển những chiếc nôi đầy sò này đi sang một vùng biển khác an toàn hơn.  Cách một vài tháng, chuyên viên chăm nuôi phải kéo những cái nôi sò lên để gỡ bỏ rong rêu, ký sinh trùng và những rác rến bao quanh những chiếc nôi này, rồi lại thả trở về lòng biển.
           
Sau hai hoặc ba năm, tùy theo thời gian được định cho mỗi lứa sò, những chiếc nôi sò sẽ được kéo lên để đưa về hãng.  Chuyên viên “giải phẫu” sẽ nhẹ tay tách những “em bé” ngọc trai này ra khỏi lòng mẹ chúng.  Chúng sẽ được hòa nhập với những “anh chị em” đã ra đời cách đó không lâu để sẵn sàng được các chuyên gia khác nâng niu, chăm sóc và trở thành những món nữ trang xinh đẹp quí giá cho những người yêu thích ngọc trai.
           
Hạt trai được chia theo từng thứ hạng, tùy theo hình dạng lớn nhỏ, tròn méo, phẩm chất và sắc màu phản chiếu.  Không phải tất cả những viên ngọc trai sản xuất từ hãng Mikimoto đều được hân hạnh mang cái tên “Ngọc Mikimoto”.  Chỉ có khoảng 5% loại tốt và 20% loại khá tốt của số ngọc trai thu thập mỗi năm có đủ điều kiện để được vào vòng tuyển chọn và có những cái giá thành làm choáng váng mắt người.  Phần ngọc trai còn lại sẽ được phân phối ra thị trường với cái tên đơn giản... ngọc trai nuôi.
           
Sau đó thì chúng tôi đi qua tòa nhà bầy bán nữ trang.  Đây là giây phút thần tiên nhất cho các bà, các cô hăng say mua sắm.  Có hai gian hàng khác biệt trong cùng một tòa nhà.  Gian hàng đầu tiên cũng bán ngọc trai, nhưng không phải là ngọc trai Mikimoto, do dó giá cả cũng nới hơn.  Gian hàng thứ hai đẹp đẽ hơn, và chưng bầy toàn những vòng, chuỗi, bông tai, brooch cài ngực, tie tac... bắt mắt.
           
Tôi thì chỉ gói ghém cho vừa một chuyến du Xuân, nên cũng không dám hăng hái mua sắm mấy cái món quà đắt tiền này, tôi chỉ đi vòng vòng theo chân bà con thăm thú cho biết sự tình.  Nhưng nhìn qua giá tiền cái chuỗi ngọc trai nào tôi cũng thấy hết cả hồn.  Trời đất ạ, cái chuỗi ngọc trai nào mà nhìn thấy có vẻ “được được” thì trị giá sơ sơ cũng gần hai ngàn bạc, còn “hấp dẫn” hơn chút nữa là khoảng năm, bẩy ngàn bạc chứ chẳng chơi. Đang đi theo nhìn mấy bà trong đoàn xăm xoi, lựa, thử, bỗng tôi nghe có tiếng xôn xao ở phía gian hàng chính giữa, gần phía cuối góc phòng.  Tò mò, tôi cũng đi tới xem thử chuyện gì.  Tôi thấy anh Minh và mấy ông trong đoàn tour của tôi đang đứng vòng trong vòng ngoài, chăm chú nhìn vào một cái tủ kính vuông vức, có khóa hẳn hòi.  Tôi cũng chen vào ghé mắt nhìn xem.  Thật tình tôi không dám tin ở mắt mình, vì nằm trong cái lồng kính có khóa đó là một viên ngọc trai to gần 20 mm, mầu hồng cam, ánh sắc sáng ngời, mà cái giá thành của nó cũng “chỉ có”... 360.000 Mỹ Kim thôi.
           
Rời đảo ngọc trai, chúng tôi lên đường về khách sạn.  Đêm nay chúng tôi sẽ có một bữa ăn tối ấm cúng theo truyền thống Nhật ở trong một căn phòng riêng biệt được trang hoàng với những hình ảnh cổ truyền của Nhật.  Và đêm nay, một số người trong đoàn chúng tôi, nếu không sợ đau lưng, sẽ được thưởng thức lối ngủ của Nhật, trong những phòng lữ quán (Ryokan Chamber).
           
Vừa mở cánh cửa lữ quán ra tôi cảm thấy... ngỡ ngàng, vì nó khác hẳn với cái hình ảnh lữ quán mà tôi hằng mơ tưởng.  Số là hôm vừa ghi tên đi tour về, nhìn cái chữ “Ryokan” (lữ quán) thấy hay hay, nên tôi hăm hở lên mạng, để tìm hiểu xem cái phòng ngủ theo kiểu Nhật (Japanese style) là như thế nào.  Tôi đã nhìn thấy “lữ quán” qua những căn nhà trệt của Nhật nằm trong một khu vườn đầy hoa lá, với những hòn non bộ xinh xắn với suối nước chảy vòng quanh... Tôi cứ nghĩ là những cái lữ quán này sẽ được xây dựng trong một khu đất riêng biệt, như những cái nhà sàn của khách sạn Regent Beach ở Cha Am, Thailand.  Tôi quên mất là nước Nhật đất chật, người đông thì làm gì có những căn phòng Ryokan xây riêng trong những khu vườn ngợp sắc hoa đào.
           
Cái Ryokan của tôi mơ ước được thưởng thức từ hôm nào tới giờ chỉ là một căn phòng bình thường như những căn phòng khác của khách sạn, chỉ khác biệt là không có bộ giường nệm êm ái.  Sàn nhà được chia làm hai phần cao thấp.  Phần ở giữa phòng là gian phòng ngủ chính, cao hơn cái sàn gỗ ở phía ngoài khoảng độ 5, 6 inches, được lát chiếu viền màu xanh lá cây sạch sẽ.  Giữa gian phòng có đặt một bộ bàn ghế gỗ nho nhỏ với bốn chiếc ghế sát mặt sàn.  Còn chăn nệm thì nằm gọn gàng trong lòng một cái tủ đứng ngay phía ngoài khung cửa phòng ngủ.  Tôi không thấy có dấu hiệu nào cho biết là sẽ có người của khách sạn đến sửa soạn giường ngủ cho mình, thì có nghĩa là chúng tôi sẽ phải cùng nhau... dựng xây tổ ấm. Hươu đã quen với khách sạn... ngàn sao, và giường nệm là những nhánh rễ cây trong rừng... không êm ái nên cũng chẳng phàn nàn gì, chỉ lẹ làng dọn bộ bàn ghế qua một bên rồi kéo chăn, kéo nệm ra để... tôi phụ Hươu trải giường. Trong khi Hươu soải tay, soải chân nằm ngáy o o vì quá mệt, tôi chui vào phòng tắm... tẩy trần, thay bộ áo Kimono, chờ Hươu dậy sửa soạn đi ăn tối.
           
Buổi tối, chúng tôi mặc áo Kimono có cả áo khoác xuống phòng ăn đã được chỉ định.  Căn phòng ăn riêng biệt của chúng tôi đêm nay là một gian phòng rộng rãi, một bên tường được trang hoàng với một tấm tranh vẽ thật lớn cao từ dưới bậc thềm lên đến tận trần nhà.  Hai dãy ghế bàn thấp lè tè đã được sắp sẵn giữa gian phòng, với những phần ăn tối đã được bày biện tỉ mỉ, gọn gàng trong những cái tô nhựa, chén, đĩa sành xinh xắn.  Bọn tôi nhẹ nhàng ngồi xuống chỗ của mình, (mỗi người một bàn, một ghế) xếp bằng tròn trước mấy cái bàn ăn nho nhỏ, mỏng manh này, rồi khe khẽ xoay qua, xoay lại để nói chuyện với nhau. Cách ngồi này thật là khó khăn cho Hươu của tôi, vì chỉ cần anh quên mà duỗi thẳng chân ra, là trọn bộ cả bàn và thức ăn sẽ... “cuốn theo chiều đá”, bay tơi tả. 

Những món ăn đêm nay cũng chẳng có gì đặc biệt, nhưng tôi đã có nói rồi, đi máy bay và đi du lịch không phải để... ăn, nên bọn chúng tôi vui vẻ trò chuyện, đùa giỡn, chụp hình thỏa thích với nhau.  Bộ áo Kimono của chúng tôi mặc hôm nay đẹp hơn bộ áo Kimono mặc hôm đầu tiên ở khách sạn dưới chân núi Phú Sĩ rất nhiều.  Bộ áo được may bằng vải mềm, êm ái, lại còn thêm một cái áo choàng ngắn ở ngoài, nên các bà không cần mặc thêm quần áo gì bên trong (ngoài quần áo lót) cũng thấy kín đáo.  Khung cảnh đẹp, quần áo đẹp, và cả bao nhiêu người cũng đẹp nữa.  Màu xanh lam của bộ Kimono tiệp với những màu sắc tươi đẹp của tấm tranh trong phòng ăn, nên khi chúng tôi tụ tập nhau lại để chụp hình trước bức tranh này nhìn cứ y như là... người trong tranh vẽ.

Đây là đêm thứ nhì, và cũng là đêm cuối chúng tôi được tắm Onsen.  Phòng tắm ở lầu 6 của khách sạn, phòng ngủ của tôi ở lầu 7, có nghĩa là tôi phải đi xuống một tầng lầu.  Thành thật mà nói, tôi cũng thấy “nghi ngờ” cái thứ nước ôn tuyền này lắm.  Tôi không hiểu làm sao người ta có thể dẫn nước ôn tuyền lên lầu cao như thế này, nhưng mà thôi kệ, cứ xem như mình đang đi tắm “hot tub” (chậu nước nóng) thư giãn ở bên Mỹ là được rồi.
           
Vì quen thuộc với lối tắm ôn tuyền này, nên bọn tôi chẳng cần phải đi xem trước nữa, chỉ cần biết xem cái phòng tắm này nó nằm ở cánh trái hay cánh phải của thang máy để khỏi mất thì giờ.  Vì ở hai tầng lầu khác biệt nên bọn tôi bảo nhau, khoảng gần chín giờ thì đi tắm, ai tới trước xuống hồ trước, ai tới sau xuống sau, chả ai phải chờ đợi ai cả.
           
Nhưng đến khi tôi xuống dưới phòng tắm đã thấy chị Tuyết, chị Yến, chị Toàn ngồi ở ngay cái ghế đợi trước cửa ra vào, bên cạnh cái phòng arcade cho con nít chơi games. Chẳng phải là mấy chị đợi... tôi, mà tại vì ở trong phòng tắm... đông quá, mấy chị cứ ngần ngừ mãi chẳng muốn vào, nên ngồi đây chờ xem người có ngớt đi không.  Tôi bảo đông thì tắm theo đông, chứ cứ ngồi chờ thì đến sáng mai cũng không tắm được, nếu không nhúng được cả người trong nước thì mình sẽ nhúng... đôi chân.
           
Tôi kéo mấy chị vào trong phòng thay quần áo.  Quả là đông thiệt, người đứng, người ngồi lung tung khắp nơi.  Cái phòng chứa đồ này có hai dãy tủ cao bốn tầng, mỗi tầng có khoảng 10 tới 15 ô đựng quần áo.  Tôi không biết cái dãy tủ ở góc phòng bên kia ra sao, nhưng những cái rổ trong dãy tủ trước mặt tôi đã sắp đầy.  Bọn tôi nhanh chóng tìm mấy cái rổ đựng quần áo còn trống bỏ áo vào rồi đi ra ngoài phòng tắm, tẩy trần.
           
Căn phòng tắm phía ngoài mù sương với hơi nước nóng.  Nhìn qua, tôi thấy có một hồ ngâm to tướng, vuông vức, ở giữa phòng, có khoảng hơn chục người đang ngâm mình trong đó.  Ở ngoài này khung cảnh cũng rất là ngoạn mục.  Người thì ngồi lim dim như đang cầu kinh ở dưới hồ nước nóng, người thì vừa nằm trong nước ấm vừa đưa tay làm vài động tác thể thao, vài người khác thì vừa ngâm mình vừa trò chuyện cùng nhau.  Hai dãy bàn kỳ cọ ở hai bên tường cũng đông đặc người là người, người đang chà xà bông bọt lên trắng xóa, người thì tẩn mẩn kỳ cọ mấy cái gót chân son, còn mấy người khác thì đứng trước những khung tắm đứng có vòi sen hứng nước chảy xuống từ trên đầu.  Bọn tôi nhanh chóng làm thủ tục tẩy trần rồi bước ngay vào hồ.
           
Tôi lội chầm chậm về gần cái mạch nước đang thả nước xối xả từ hòn giả sơn xuống dưới mặt hồ, rồi đưa hai chân vào trong giòng nước ấm để nhờ sức nước mạnh mẽ đấm bóp hộ hai cái ống quyển tôi đã muốn rã rời vì phải đi bộ bao nhiêu ngày nay.  Tôi còn đang tơ lơ mơ thưởng thức cái thú đấm bóp bằng nước ôn tuyền thì nghe có tiếng người gọi.  Tôi mở mắt ra, con bạn Grace của tôi đứng ở trên bờ hồ bảo:
           
- Ngoài sân có cái hồ cũng bự lắm, ra ngoài đó tắm, vui hơn.
           
Thì ra, con bạn tôi đã hăng hái quá, nên đã xuống phòng tắm trước tôi rồi.  Tôi quay sang rủ mấy chị cùng đi ra ngoài hành lang lộ thiên tắm với bọn tôi luôn. Thế là cả bọn tôi thong thả cầm khăn đi ra sân ngoài.  Vừa đi, Grace vừa cười khúc khích nói nhỏ với tôi:
           
- Hồi nãy tao cứ tưởng như lần ở khách sạn trước, bổn cũ soạn lại, mặc cái quần xì xuống nước, bị bà Nhật ngồi trong hồ chỉ trỏ, bắt đi lên bờ... lột quần ra.
           
Tôi cũng cười bảo nó:
           
- Mày đã qua một khóa “thực tập” rồi, ngại ngùng gì mà không “thoải mái”.
           
Cái hồ ngâm lộ thiên ở ngoài sân này quả thật cũng lớn gần bằng cái hồ nước ở bên trong, được xây kiểu cách cong cong uốn lượn theo hình quả thận biến thể, và được trang điểm với những bồn cây xanh đầy lá, với những tảng đá lồi lõm ở chung quanh.  Khi tôi ra đến nơi, đã gặp Tuyền, Vân, chị Liên cũng đang tắm lội trong hồ.  Mấy nàng tiên ở Mỹ về ngồi tụ lại trong một góc hồ thoải mái ngâm nước.  Phía xa xa ở mấy góc hồ khác là dân bản xứ cũng ngồi lặng im ngâm nước.  Ngồi khoác nước tắm táp hoài cũng chán, nên Vân ao ước:
           
- Phải chi mình có cái bàn nổi (floating table), có được vài ly rượu chát, cộng thêm một bộ bài tứ sắc thì... hết xẩy.
           
Tuyền thắc mắc:
           
- Mấy chị này, em đọc trong sách của anh Minh thấy nói đi tắm ôn tuyền là có thức ăn, mà sao đi hai cái ôn tuyền rồi không thấy ai cho mình ăn gì hết vậy?
           
Chị Tuyết, cổ đỏ như tôm hấp, đang ngồi tựa đầu vào tảng đá nhỏ trên bờ hồ, lim dim, thoải mái, nghe Tuyền nói bèn chen vào, mà mắt vẫn nhắm nghiền không mở:
           
- Đó là ở những Onsen có trả tiền cô nương ơi, mình tắm miễn phí mà còn đòi hỏi.
           
Theo đúng như lối tắm ôn tuyền, thì chúng tôi chỉ có thể ngồi chừng mươi, mười lăm phút rồi phải lên xối nước lạnh rồi mới vào lại hồ tắm tiếp.  Nhưng khi vào trong phòng kỳ cọ chúng tôi phải mất mấy phút đợi chờ mới có chỗ tắm lại, nên sau khi xả nước lại rồi chúng tôi bảo nhau đi về phòng ngủ cho lại sức.
           
Sáu giờ sáng, trong khi Hươu còn ngủ, tôi rón rén thay áo đi tắm tiếp.  Cái phòng tắm Onsen này không mở cửa 24 giờ như cái Onsen trước nên đông không thể tả, dường như bà con chỉ đợi tới giờ mở cửa để chui xuống phòng tắm thôi.  Trong lúc chờ đợi tới phiên mình “tẩy trần”, tôi quay vào phòng thay quần áo nằm dài trên chiếc ghế đấm bóp tự động chừng khoảng 15 phút cho gân cốt thư giãn rồi mới bước ra phòng tắm.
           
Tôi nhìn quanh quất chẳng thấy bóng ai quen, chỉ có một mình tôi là tiên Mỹ xuống trần, còn lại toàn là tiên bà của xứ Phù Tang.  Chắc mấy bà bạn cùng đoàn của tôi chán cái cảnh đợi chờ như đêm hôm trước nên không ai thèm đi tắm sáng cả.  Ngồi một mình ở trong hồ không có “bạn hiền” cũng chán, nên tôi cũng bước lên xối nước lạnh rồi còn về phòng sửa soạn đi ăn sáng.
           
Vừa bước lên bờ tôi chợt để ý đến một cái hồ nước nhỏ nằm ở tận cuối góc phòng mà đêm hôm qua vì vừa bước xuống hồ đã chạy vội ra ngoài sân nên tôi đã không nhìn thấy.  Tôi ngỡ đây là một cái hồ nước với độ ấm khác hơn nhiệt độ của cái hồ tôi vừa ngâm người nên lò mò đi tới thò chân xuống thử.  Vừa bỏ chân xuống tôi đã vội vã rút lên vì nước trong hồ lạnh như nước đá.  Đúng ra thì không đến nỗi là nước đá, nhưng vì tôi mới từ hồ nước nóng đi lên nên cảm thấy nó lạnh quá chừng.  Vậy mà cũng có vài bà Nhật đang tỉnh bơ ngồi trong hồ tắm táp.
           
Tôi chợt nhớ đến lối tắm “âm, dương” nóng, lạnh của người Nhật để cho thân thể được khỏe mạnh mà ông cậu tôi đã nói tới từ lâu.  Cái lối tắm này thì tôi cũng đã có thử qua.  Số là mấy năm trước ông cậu của tôi ở New York sang Cali chơi, thấy tôi cứ bị dị ứng chảy nước mắt sống, nhức đầu sổ mũi hoài nên ông cũng chỉ cho tôi cách tắm âm dương như vầy để chữa bịnh.  Cách tắm này nghe ra cũng rất đơn giản, trước nhất là phải tắm nước nóng, thật nóng, khoảng 3 phút, rồi đổi sang tắm nước lạnh 3 phút, rồi quay lại tắm nước nóng, rồi xối lại nước lạnh.  Có thì giờ thì tắm nhiều lần hơn, nhưng ít nhất là phải thay đổi nước nóng lạnh hai lần như thế.  Ông cậu tôi nói nhờ theo lối tắm âm - dương này mà ông cảm thấy khỏe mạnh hơn, cả bao nhiêu năm ông không hề phải sử dụng tới thuốc men hay là đi bác sĩ.  Tôi cũng làm theo cách ông cậu tôi chỉ bảo mấy lần nhưng lần nào kết quả cũng trái ngược, lần nào tôi cũng bị cảm lạnh mất mấy ngày.  Bây giờ thấy mấy bà Nhật nhúng người xuống hồ nước lạnh mà tôi không khỏi rùng mình.
           
Tôi trở về phòng mình vừa lúc Hươu cũng sửa soạn xong, đang chuẩn bị xếp giường chiếu lại.  Tôi cũng thay quần áo, dọn dẹp lại vali đem xuống xe bus, vì chiều nay chúng tôi sẽ lên đường đi đến Kyoto.

 

4/9/09
           
Buổi sáng ngày thứ nhì ở Ise, chúng tôi đi thăm viếng bảo tàng viện sát thủ Iga Ninja Museum, và xem những "Ninja" (Nhẫn Giả) trẻ tuổi biểu diễn ném phi tiêu, ám khí, đánh quyền, quay giây xích, và tỉ võ.  Cái show ngắn độ chừng 15, 20 phút, và mấy cậu "Ninja" này biểu diễn cũng khá nhịp nhàng, uyển chuyển, ăn khớp với nhau.  Sau khi xem biểu diễn xong, thấy vui quá, bà con trong đoàn chúng tôi cũng hăm hở chạy lên sân khấu để học mấy cậu Ninja này ném phi tiêu vào hồng tâm điểm.  Tuy có “sư phụ” đứng bên cạnh truyền đạt bí quyết rõ ràng, nhưng bà con trong đoàn cứ ném... trật lung tung.  Thấy học ném ám khí mãi mà cũng... không thành “sát thủ” nên bà con bèn quay ra chụp hình với những sát thủ đẹp trai này làm kỷ niệm.

Trong lúc những người khác còn đợi đến phiên mình để chụp hình với sát thủ, tôi và Hươu cùng vài người trong đoàn đi theo con đường mòn dẫn xuống hầm “tàng trữ” báu vật của Ninja.  Căn hầm dài, rộng, cong queo, có những ánh lửa giả bập bùng soi sáng con đường dẫn vào gian phòng chính chưng bày những dụng cụ, binh khí, ám khí mà sát thủ đã dùng.  Ôi thôi đủ cả, nào là phi tiêu, móc câu, kiếm dài, kiếm ngắn, dây thừng, màng lưới nhện, thuốc nổ, cho đến những bộ trang phục, mặt nạ, khăn bịt tóc v.v... Những món đồ dùng này được sắp xếp ngăn nắp và thứ tự, với lời dẫn giải rõ ràng, trong những tủ kính lớn đặt trên sàn nhà hay trong những tủ kính sát tường, chiếm hết một gian hầm dài, rộng. Chen lẫn vào những món “bảo bối” này, còn có những con búp bê Ninja xinh xắn mặc trang phục sát thủ hay trong những thường phục cổ truyền.

Con đường dẫn từ lối ra của căn hầm đưa chúng tôi qua một khu vườn có cây xanh bóng mát, vào đến căn nhà của sát thủ. Cô “sát thủ” nhỏ nhắn, dễ thương, gọn ghẽ trong trang phục màu hồng, hướng dẫn chúng tôi thăm viếng từng ngõ ngách của căn nhà. Đúng là nhà của sát thủ, vì nơi nào cũng có đường để cho sát thủ lẩn trốn, tẩu thoát khi có biến.  Chỉ cần kéo cánh cửa sang một bên, gỡ miếng ván ở dưới sàn, chui vào trong gầm tủ thờ, hay quay cánh cửa tủ đựng quần áo một vòng là sát thủ đã biến dạng vào một con đường hầm đặc biệt dẫn đến một nơi trú ẩn an toàn.

Trên đường trở ra, tôi ghé ngang quán hàng bán đồ lưu niệm định mua cho Ki mấy con búp bê sát thủ như đã thấy trong gian hầm tàng trữ bảo bối, hay mấy cái phi tiêu hình sao mà tôi nghĩ Ki sẽ thích vì Ki hay sưu tập những món đồ chơi lạ này.  Nhưng nhìn qua nhìn lại cũng chẳng tìm thấy những món quà mà tôi muốn mua, quán hàng chẳng có gì ngoài những món đồ lặt vặt và vài đoản kiếm bằng nhựa bán cho con nít chơi.

Sau bữa ăn trưa chúng tôi lên đường đi Nara, là kinh đô đầu tiên của Nhật Bản. Tại Nara, chúng tôi sẽ được đi thăm viếng chùa Todaiji (Đông Đại Tự), một ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng của Nara, và đồng thời cũng là một trong những thắng cảnh của Nhật Bản. Chùa Todaiji cũng nổi tiếng với hàng trăm con nai hoang dã tự do lang thang khắp cùng đây đó trong khuôn viên chùa.  Theo Thần Đạo, nai được xem là sứ giả của các thần linh, do đó những con nai ở Nara đã trở thành biểu tượng của thành phố.  Có thể vì nhiều nai tự do đi lại như thế mà sân chùa không được... sạch sẽ.  Chúng tôi phải thận trọng từng bước một, để tránh khỏi cảnh đạp nhằm những... “đám bom nai chế” chẳng thơm tho gì.  Đám nai trong chùa này cũng chẳng sợ gì người, chắc chúng đã quá quen thuộc với cảnh du khách viếng thăm chùa hay chúng biết Nara là gian sơn của chúng nên cứ “hiên ngang” đi lại!

Nơi nai tụ tập nhiều nhất là khoảng sân trước cổng chùa, để đón khách thập phương vừa mới đến.  Chúng cứ đi lẽo đẽo đi theo rồi húc đầu vào mấy cái túi đeo của khách để tìm thức ăn.  Tôi thì không sợ chúng đi theo xin thức ăn, tôi chỉ thấy hơi “ghê ghê” khi nhìn những con “bambi” to tướng, lông lá xác xơ, mình mẩy loang lổ (như bị lác), nên khi chúng sấn sổ tới thì tôi... nhanh chân bỏ chạy.  Nhưng theo lời anh Minh thì không phải những con nai này mang bệnh “lác” mà vì chúng đang trong thời kỳ rụng lông nên nhìn có vẻ xấu xí, nhưng khi chúng đã khoác vào mình bộ lông mới rồi thì chúng sẽ láng mướt, đẹp đẽ như những con bambi trong hình vẽ.
           
Qua cổng chùa, chúng tôi đứng lại để nhận chỉ thị từ người dẫn đoàn.  Chris và chị Nga chắc đã phải dắt đoàn đi nhiều lần rồi nên đã chán cảnh “hành hương”, hai người chỉ nói cho chúng tôi biết địa điểm và giờ tập họp rồi tìm chỗ nghỉ chân.  Thầy Giang bảo để thầy dẫn chúng tôi lên chùa trên, thắp nhang, thắp đèn, lễ Phật, đi ngắm Đại Hồng Chung, dạo một vòng chùa rồi hẵng xuống Đại Phật Điện chụp hình. Còn ai không muốn phải leo trèo lên xuống từng đó bậc thang hay đi trên những con đường cát bụi thì ngồi tại chỗ chờ giờ tập họp, lấy vé vào chiêm ngưỡng Đại Phật.
           

Chúng tôi đi theo thầy Giang lên chùa, bởi vì không ai đi du lịch mà ngồi tại chỗ bao giờ.  Dọc theo con đường và hai bên những bậc thang lên chánh điện chùa trên, tôi nhìn thấy có nhiều cái “bia đá” to nhỏ, cao thấp, dựng tùm lum khắp nơi.  Tôi khều Hươu thì thầm:
           
- Chẳng lẽ người Nhật xây “kim tĩnh” ở trước sân chùa?

Nhưng ngay sau đó thì thầy Giang đã mau mắn giải thích cho chúng tôi biết đó không phải là những cái “bia” như chúng tôi đã nghĩ, mà là những cột trụ bằng đá mà chùa đã xây để ghi công đức người góp công, góp của dựng xây và bảo trợ cho chùa.  Thì ra đây là... “những quyển sổ vàng”.  Tuy đã được nghe lời giải thích của thầy Giang nhưng tôi vẫn thấy rợn người vì có cảm tưởng là mình đang đi qua... “Vườn Vĩnh Cửu”.
           
Từ chùa trên, chúng tôi bước qua gian phòng giải lao phía sau chùa uống nước trà giải khát và ngồi nghỉ chân vì đã vượt qua một đoạn đường đất cát khá dài và nhiều bậc thang đá khúc khuỷu trong cái nắng gắt hai giờ chiều.  Uống nước, rửa sạch sẽ ly úp trở lại vào rổ đàng hoàng, ngồi nghỉ mệt xong xuôi, chúng tôi lại đi xuống bằng một con đường khác, qua một chiếc cầu thang bằng gỗ, thật dài, nhưng thoai thoải để đi đến vùng tháp chuông.
           
Đại Hồng Chung của chùa Todaiji thật là to lớn, được treo chính giữa một tháp chuông cũng đồ sộ vô cùng.  Đại Hồng Chung này là loại “Phạn Chung”, còn có tên là “Trừ Tịch Chung”, được đúc bằng đồng vào thế kỷ 13, có sức nặng 26.3 tấn, một chiều cao 3.86 mét, và đường kính rộng 2.71 mét.  Trừ Tịch Chung này là cái chuông lớn thứ nhì ở Nhật, cũng là một trong ba cái chuông nổi tiếng nhất của xứ Phù Tang, và đã được xếp vào hàng quốc bảo.
           
Mỗi năm, vào đêm giao thừa, nhà chùa đã cho thỉnh 108 tiếng chuông, để tượng trưng cho việc xua đi 108 niềm tục lụy (theo quan niệm của Phật Giáo).
           
Phải cần đến tám người mới đủ sức kéo một khúc gỗ dài 4.48 mét, đường kính 30 cm, nặng 180 kg cho mỗi lần thỉnh chuông.  Vì thế nên đêm trừ tịch, muốn đánh đủ 108 tiếng chuông nhà chùa phải triệu tập rất nhiều người (108x8).  Những người thỉnh chuông đầu tiên sẽ là bậc tu sĩ, rồi sau đó là các nhóm dân chúng được tuyển chọn (bằng cách rút thăm) sẽ thay phiên nhau thỉnh những hồi chuông tiếp nối.
           
Chụp hình với tháp chuông xong rồi, chúng tôi lại tiếp tục đi, vì chúng tôi còn phải đi qua một con đường đất dài, và qua nhiều bậc thang bằng đá nữa, rồi mới xuống được tới sân chùa, vào khuôn viên Đại Phật Điện Todaiji.
           
Đại Phật Todaiji là một pho tượng Phật bằng đồng mạ vàng lớn nhất thế giới, được đặt trong một ngôi chính điện to lớn.  Đại Phật Điện này làm toàn bằng gỗ, có một chiều cao 48 mét, bề mặt hình chữ nhật dài 56 rộng 50 mét.  Tuy ngôi chính điện có kích thước đồ sộ như vậy, nhưng tôi vẫn cảm thấy nó tối tăm, chật hẹp làm saọ Hươu cố canh mãi mà vẫn không tìm được một góc cạnh nào để chụp được một tấm hình Đức Phật cho tròn vẹn.
           

Khi chúng tôi đi đến đằng sau Đại Phật Điện thì gặp một đám học sinh đang thi nhau chui qua cái lỗ hổng vuông ở dưới chân một chiếc cột lớn.  Nghe nói, cái lỗ này có cùng kích thước với lỗ mũi của Đại Phật Todaiji.  Nếu người nào chui qua được cái lỗ này, thì luôn luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc trong đời.
           
Chúng tôi nhìn cái lỗ hổng, rồi nhìn nhau... ngần ngại.  Nhưng nếu mà chui lọt qua được cái lỗ nhỏ như “lỗ mũi Phật” này thì quả là tìm được niềm vui, vui... vì mình vẫn còn giữ được cái dáng người thon thả “mình hạc, xương mai” của mấy chục năm về trước.  Nghe nói vậy, chị Mỹ, một chị ốm nhất trong đoàn tour của chúng tôi cũng hăng hái bò xuống thử chui qua “lỗ mũi Phật” tìm... niềm vui, nhưng vừa chui vào thì chị lại lùi ra ngay, chắc là chị sợ sẽ làm Phật... “nghẹt” mũi.
           
Chúng tôi chỉ đi vòng vòng chung quanh cảnh chùa Todaiji như thế mà cũng mất hơn ba tiếng đồng hồ. Ra đến điểm tập họp ở trước cổng chùa thì cũng vừa đến giờ đi ăn cơm tối.  Sau bữa tối, chúng tôi sẽ đi đến con đường Gheisa, nơi mà cô đào Zhang Ziyi và tài tử Ken Watanabe đã quay cuốn phim nổi tiếng “Memoirs of a Gheisa”.


Con đường Gheisa (Nghệ Giả), Maiko (Vũ Tử) chỉ là một con đường nhỏ nằm trong khu vực có nhiều quán hàng đóng cửa im lìm.  Anh Minh bảo, vì có mùa lạnh nên quán thường đóng cửa, nhưng đóng không có nghĩa là ngưng buôn bán, mình phải nhìn xem cái dấu hiệu trước cửa quán hàng để biết là quán hàng có hoạt động hay không.  Nếu nhìn thấy có tấm màn phủ xuống trước hai cánh cửa đóng kín thì khách cứ tự nhiên đẩy cửa bước vào (khi nào không có tấm màn phủ mới thực sự đóng cửa).
           
Con đường Gheisa này tuy nhỏ, nhưng xe vẫn nườm nượp ra vào, và có cái “lạ”  là tài xế mấy cái xe taxi không “biết” tránh khách bộ hành, mấy bác tài này cứ hung hãn cho xe chạy nghêng ngang làm chúng tôi phải hết sức thận trọng để không bị xe quệt.  Chúng tôi tà tà đi dọc theo con đường có những ngọn đèn đường mờ mờ, ảo ảo này xem có may mắn gặp được nàng Gheisa nào không để chụp hình ké, nhưng đi trọn cả con đường mà cũng không gặp được ai nên chúng tôi đứng tụ lại chụp hình với nhau.  Chúng tôi còn đi vòng quanh ra mấy con phố sáng choang đèn đuốc gần con đường Gheisa để nhìn thành phố Kyoto về đêm.  Đến chín giờ đêm thì ai nấy trong đoàn cũng đã thấm mệt, nên chúng tôi trở về chỗ tập họp chờ xe đến đón về khách sạn nghỉ ngơi, vì ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu một ngày bận rộn nữa để thăm viếng những thắng cảnh nổi tiếng khác ở thành phố Kyoto.  

 

4/10/09
           
Thắng cảnh đầu tiên của buổi sáng ở Kyoto là chùa Kiyomizu (Thanh Thủy Tự, chùa nước trong), một ngôi chùa tọa lạc trên vùng đồi Otowa rộng lớn.  Tên chùa Thanh Thủy Tự lấy từ tên của một giòng suối nước trong ở phía sau chùa.  Chùa Kiyomizu cũng nổi tiếng là một kỳ quan thế giới vì ngôi chùa này được xây cất bằng một lối kiến trúc đặc biệt mà không cần đến một cây đinh nào.  Ngôi chùa nằm cheo leo trên sườn đồi, nên muốn lên tới chùa chúng tôi phải trải qua một con đường dốc cũng khá dài. 
           
Một trong những cái nổi tiếng của chùa Kiyomizu là ba dòng nước phát xuất từ một con suối ngầm trên đồi, và được dẫn về cho chảy tuôn thành một thác nước từ trên nóc của hành lang chính điện Hondo (Bản Đường).  Dòng nước này có tên là “Ottowa no taki”, tượng trưng cho ba ước muốn của con người: tình yêu, sức khỏe và tiền bạc.  Người địa phương tin rằng uống nước ở ba giòng suối này sẽ mang lại sự tốt lành khác nhau: uống nước của dòng suối bên tay mặt sẽ làm cho người ta thông minh, uống nước dòng giữa làm cho người ta trẻ đẹp và uống nước dòng phía trái làm cho người ta sống lâu.
           
Lúc tôi đi tới cái thác nước ba dòng này đã thấy chị Tuyết và chị Yến đang bàn nhau có nên xếp hàng để đi uống nước hay không.  Chị Tuyết thật có lòng, đi đến chùa nào chị cũng lo thắp hương, thắp đèn, cúng vái, cầu nguyện trước, rồi đi tìm xem có hồ, suối nước thánh nào để xin nước uống cầu bình an, may mắn, sau đó chị mới đi tìm cảnh chụp hình.  Hôm đến chùa Thiển Thảo, đông người như thế mà chị cũng cố chen vào uống cho được ngụm nước Cam Lồ ở cái bể nước nhỏ trước cổng chùa.
           
Tôi ngước nhìn mấy cái dòng nước chảy từ trên những cái máng dưới nóc chùa có nhiều xác lá, rong rêu khô phủ đầy cũng thấy... hơi ngại, thêm nữa khi nhìn thấy hàng hàng, lớp lớp người nối dài như rồng rắn lên mây thì tôi còn nản lòng hơn vì biết bao giờ mới đến lượt mình cầm gáo lên hứng nước.  Tôi nói, hai chị thích uống nước thánh thì cứ xếp hàng chờ, còn tôi thì sẽ theo Hươu của tôi ra cổng tam quan, nơi có một dàn hoa đào rũ màu hồng để... săn ảnh.

           
Cũng như chùa Thiển Thảo, hai bên đường vào chùa Thanh Thủy cũng có nhiều quán hàng bán đồ lưu niệm cho du khách bốn phương.  Anh Minh nói, cái món hàng nổi tiếng nhất ở đây là bánh mochi, một loại bánh dẻo của Nhật, được làm bằng một loại nếp đặc biệt, nên để lâu cũng... vẫn mềm.  Hèn chi mà tôi thấy mấy cái hàng bán bánh, bán trà chiếm đa số trên con đường này.  Chúng tôi đi thăm từng gian hàng bán bánh, uống nước trà, thử hết từng đó loại bánh mochi nhân đậu đỏ, khoai môn, mè đen, trà xanh.  Tôi nghĩ bánh mochi cũng tương tự như bánh dẻo của mình, chỉ có điều là vỏ bánh mochi mỏng, mỏng cỡ như những miếng vỏ “suẩy cảo” và dòn, dai hơn vỏ bánh dẻo Việt Nam. 
           
Suốt con đường, gặp hàng bán đồ gốm nào tôi cũng ghé, để tìm xem có mua được cái ấm sành nào để hợp với những cái ly uống trà tôi đã mua ở Nhẫn Dả Bát Hải hôm nọ không, nhưng tìm mãi, cũng chẳng được cái ấm nào vừa ý, hơn nữa giá cả những món đồ gốm ở đây có vẻ đắt hơn những món hàng tôi đã mua hôm trước.
           

Rời chùa Kiyomizu, chúng tôi đi đến trung tâm Ninshijin để xem trình diễn áo Kimono.  Khi đến nơi thì vẫn còn sớm, và ban tổ chức lại dời giờ trình diễn chậm đến nửa giờ, nên các bà trong đoàn của tôi lên lầu mua sắm áo Kimono dệt bằng tơ thật và nhìn bà thợ dệt Nhật biểu diễn lối dệt tơ may áo Kimono.  Trong lúc chờ mấy bà lựa áo, thử áo, mấy ông đi vòng vòng chụp hình với mấy cô Nhật người mẫu hình nộm đang đứng ngay ngắn, tươi cười đón khách mua hàng.
           

Gian hàng này còn bán nhiều món quà lưu niệm khác ngoài những tấm áo Kimono. Tôi tìm được một cái bình trà bằng sứ màu xám xanh, một mặt có hình núi Phú Sĩ, còn một mặt khác có hình một cô gái Nhật đang cầm quạt. Cái bình này thật hợp với bộ chén uống nước trà mà tôi đã mua hôm trước ở vùng Nhẫn Dã Bát Hải gần chân núi Phú Sĩ.

Chưa tới giờ trình diễn mà người đã đứng chật cứng cả phần trước sân khấu, lên tận bên trên những bậc cầu thang.  Tôi không chen vào được nên đành lên đứng ở một góc hành lang trên lầu nhìn xuống.  Những cô người mẫu Nhật dịu dàng uyển chuyển trong những bộ áo Kimono đủ màu, đủ sắc, lần lượt bước ra.  Đây là những cái áo Kimono được trang trí thật đẹp với những hình ảnh, màu sắc rực rỡ, có nhiều tầng, nhiều lớp, có cả “cái gối” thắt chặt phía sau lưng chứ không phải chỉ đơn giản hai vạt áo như những chiếc áo Kimono được bán ở trên lầu và quanh những quán hàng cho du khách.
           
Cái show ngắn ngủi, chắc khoảng chừng 15 phút, kết thúc nhanh chóng.  Chris lại giục giã... “nhanh lên, nhanh lên”, vì chúng tôi còn phải nhanh chân đi đến viếng Chùa Vàng.
           

Chùa Vàng, hay Kim Các Tự là một thắng cảnh hấp dẫn, nổi tiếng của xứ Phù Tang ở về phía bắc thành phố Tokyo, đã được công nhận là một di sản văn hóa thế giới.  Chùa Vàng là một ngôi nhà lầu ba tầng nằm kiêu hãnh, soi bóng lấp lánh trên mặt nước bình lặng giữa một vườn cây xanh trong khuôn viên ngôi chùa mang tên Lộc Uyển Tự.  Kim Các Tự trước kia là nơi hưu trí vương giả của sứ quân Ashikaga Yoshimitsu.  Sau khi ông mất, căn lầu vàng này đã được biến thành một ngôi thiền tự.
           
Ban đầu, chỉ có phần mái trong của tầng hai và tầng ba căn lầu được dát vàng, nhưng sau đợt trùng tu lớn vào cuối thế kỷ thứ 19, toàn bộ mặt trong và mặt ngoài của hai tầng lầu này đều được dát vàng óng ánh.

Chris đưa chúng tôi vào cửa, phát cho chúng tôi một cái brochure và một lá bùa may mắn, rồi hẹn giờ giấc trở ra xe.  Tôi và Hươu đi vòng vòng chung quanh Chùa Vàng chụp hình với Kim Các Tự, với cây tùng trăm tuổi có một nhánh cây đã ngã dài trên mặt đất mà người ta đã phải dùng một cái giàn kết bằng tre để nâng đỡ nó lên.
           
Rời Chùa Vàng chúng tôi lên xe đi ăn trưa, rồi sẽ ghé thăm một cảnh chùa khác ở miền Nam Kyoto, Thiên Long Tự (Tenryuji).  Thiên Long Tự, một cảnh chùa rộng lớn đã được công nhận là một di sản văn hóa thế giới.  Đây là một cảnh chùa rất đẹp với nhiều vườn hoa màu sắc khác nhau.  Chúng tôi đi theo những con đường vòng quanh gian nhà gỗ to tướng (mà tôi nghĩ đó là chính điện) ra vườn hoa ngắm cảnh.  Ở Thiên Long Tự, và ngay cả ở Chùa Vàng, tôi không thấy nhiều hình ảnh của những cây hoa anh đào như ở Vườn Ngự Uyển và ở chùa Diệu Pháp.  Trong những khu vườn của hai ngôi chùa nói trên tôi chỉ thấy có những cây thông, cây tùng cổ thụ, những bụi cây xanh lá được cắt tỉa tỉ mỉ theo hình dạng của những cây bonsai.  Riêng ở nơi chùa Thiền Tenryuji này, tôi còn nhìn thấy những cây hồng đào (quince), những cây mai rừng (forsythia), những bụi đỗ quyên hồng (azalea), và cả một rừng tre vàng cao ngất gần cuối góc vườn.
           
Theo chương trình thì cùng trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ đi vãn cảnh Chùa Bạc (Ginkakuji Temple) sau khi thăm viếng Thiên Long Tự, nhưng anh Minh nói là cảnh chùa này đang được tu bổ, nên chiều hôm nay chúng tôi sẽ chỉ đến viếng thăm Con Đường Triết Học (Path of Philosophy) trước khi rời Kyoto.
           
Từ bãi đậu xe, chúng tôi bước qua những bậc thang xi măng nhỏ, dẫn tới giữa một vùng dân cư yên tịnh, nơi bắt đầu của một buổi “thiền hành”.  Anh Minh bảo cứ đi hết con đường này về phía bắc thì sẽ gặp được Chùa Bạc, còn đi về cuối đường phía nam thì sẽ gặp hai ngôi đền thờ khác là Kumano Nyakuoji Shrine và Eikanđo Hall.  Nhưng muốn đi tới một trong hai điểm cuối cùng của con đường này thì sẽ mất hết cả chiều, nên anh “đề nghị” chúng tôi chỉ đi lòng vòng chung quanh đây khoảng chừng một tiếng đồng hồ thôi.
           
Con Đường Triết Học, là một con đường đất nhỏ, có lát những viên gạch vuông xinh xắn, chạy dọc theo một rãnh nước trong với chiều dài khoảng chừng hai cây số.  Hai bên đường là cả trăm gốc hoa đào cổ thụ màu hồng trắng nằm san sát nhau, cành lá ngợp đầy những bông hoa vừa nở rộ.  Con đường tràn ngập màu sắc hoa đào này được mang tên “Con Đường Triết Học” từ sau khi Giáo Sư Nishida Kitaro, một nhà hiền triết nổi tiếng của Nhật, tuyên bố là ông đã chiêm nghiệm được những tư tưởng triết học hay ho trong những bước chân qua trên con đường tĩnh lặng này mỗi ngày.
           
Tôi không biết là đi hết con đường này rồi khi trở ra có thành được... “nhà triết học” hay không, nhưng với tôi, con đường này thật là một nơi chốn tuyệt vời để cùng người yêu thong dong trong những buổi chiều Xuân và ngắm những cánh hoa anh đào lả lơi trong chiều gió.
           
Chúng tôi trở về chỗ hẹn ở bãi đậu xe sau một tiếng đồng hồ dẫn nhau đi ngoạn cảnh và chụp đủ hình từng đó tài tử, giai nhân với con đường hồng thắm sắc hoa đào.  Chiều hôm nay, chúng tôi sẽ được xe bus thả xuống nhà ga Kyoto để đón chuyến xe lửa tốc hành về thành phố biển Osaka. 
           
Chú tài xế thả chúng tôi trước cửa nhà ga rồi cấp tốc đi ngay, để kịp đến nhà ga Osaka đón chúng tôi khi tàu đến bến.  Chúng tôi theo Chris đi mua vé rồi vào sân ga chờ chuyến xe của tuyến đường Kyoto - Osaka sẽ đến vào lúc sáu giờ chiều.  Tôi và Grace đứng bên cạnh nhau tựa tay vào lan can nhìn chăm chăm vào con đường sắt trông ngóng chuyến tàu sắp đến.  Bấc giác, hai đứa tôi quay lại cười với nhau, tuy không nói ra nhưng tôi và Grace đều hiểu, hai đứa đang nghĩ đến những chuyến tàu ngược xuôi của quá khứ mà chúng tôi đã cùng nhau chờ đợi, trong những tháng ngày hai đứa đã phải lặn lội đi làm ở một văn phòng tận thành phố Bell xa xôi.
           
Chuyến xe lửa có cái đầu mang hình dáng như đầu con vịt phóng vun vút, êm ru trên đường sắt, chỉ trong chốc lát đã đến Osaka.  Vậy mà khi ra đến ngoài cửa ga chúng tôi đã thấy chiếc xe bus của đoàn tour chờ đợi ở ngay bên lề đường, chắc là anh tài xế của chúng tôi cũng đã phải xả hết tốc lực trên con đường tráng nhựa để chạy đua với chiếc xe lửa tốc hành này.
           
Đêm nay, trong bữa cơm tối ở nhà hàng, chúng tôi được thưởng thức món thịt bò Kobe mà chúng tôi đã nhờ Chris đặt mua từ mấy ngày hôm trước.  Chắc có lẽ là không phải loại bò Kobe thượng hạng nên nhìn miếng thịt cũng giống như những miếng “rib eye prime steak” mà tôi vẫn mua ở Costco.  Một phần ăn bò Kobe chỉ dài bằng bàn tay, dầy cỡ bằng đốt ngón tay, cắt ra được chừng sáu miếng thịt nhỏ, vậy mà giá cũng đến hơn cả trăm đô.

 

 

4/11/09
           
Chúng tôi bắt đầu ngày mới ở Osaka với một vòng dạo quanh phố chợ Kuromon. Theo anh Minh thì ở Nhật có hai phiên chợ, phiên chợ sáng, dành cho cư dân có lợi tức cao, vì thức ăn ở phiên chợ này tươi mới, và giá cả cũng khá đắt, phiên chợ chiều dành cho những người có lợi tức thấp hơn, vì bán toàn là những thức ăn thặng dư của phiên chợ sáng và những món hàng có phẩm chất kém hơn, nên giá cả cũng nhẹ nhàng hơn.  Chợ Kuromon là chợ hải sản (Seafood Market), nên từ đầu chợ tới cuối chợ toàn là... hải sản. Chợ của Nhật sạch thật, chợ cá mà chẳng thấy tanh mùi cá chút nào.  Chen lẫn với những món tôm, cua, sò, ốc, cá... đó là những món rau, cải, củ, nhưng không nhiều.
 
Tôi nhìn thấy những củ Wasabi (sơn quỳ) tươi màu xanh lá cây, mà người Nhật đã mài ra để làm gia vị ăn với cá sống. Vậy mà từ nào tới giờ tôi vẫn nghĩ cái món gia vị cay nồng này được xay nhỏ từ những hột bông cải xanh như món mù tạt.  Những củ Wasabi này tuy nhỏ mà giá cũng đắt vô cùng. Theo lời anh Minh thì lý do Wasabi đắt như vậy vì nó rất khó trồng.  Sau này tôi có dịp tìm hiểu mới biết Wasabi là một loại rau núi, rễ củ như cà rốt, mọc ven những suối nước trong và thuộc giòng họ cải xoong.  Nhưng cải xoong phát triển nhanh chóng bao nhiêu thì sơn quỳ phát triển chậm chạp bấy nhiêu.  Nông gia Nhật đã kỹ nghệ hóa chúng bằng cách đem về trồng trong những lạch nước nhân tạo.  Sơn quỳ chỉ lớn mạnh được trong những lạch nước trong lành, tươi mát, và phải mất đến 18 tháng để những củ sơn quỳ có được một kích thước khả dĩ (6 inches) cho người trồng thu hoạch. Thế nên, những tube Wasabi được đưa ra thị trường phần nhiều là những loại sơn quỳ được pha chế thêm cải cay, mù tạt và bột màu.  Nếu muốn được thưởng thức Wasabi nguyên chất thì người dùng phải mua củ Wasabi về mài lấy (giá 9-13 đô la Mỹ một củ).  
           

Đi xong một vòng chợ cá, chúng tôi lên đường đi thăm viếng thành Cơ Lộ (Himeji Castle), một kiến trúc cũng được xem là di sản văn hóa của thế giới. Thành Cơ Lộ nằm trong tỉnh Himeji, thuộc đồng bằng Harimạ Nguyên thủy, thành Cơ Lộ được xây dựng để làm một vị trí phòng thủ nhưng sau này được sửa đổi thành một lâu đài.  Thành Cơ Lộ được xây dựng theo kiểu vòng ốc, ở bên ngoài có bờ hào sâu đầy nước, bên trên là tường thành xây bằng đá kiên cố để ngăn chặn bước địch quân.  Thành Cơ Lộ gồm có ba tòa nhà phụ được nối liền với tòa lâu đài chính bằng những hành lang dài và những lối đi quanh co với mục đích làm lạc hướng những kẻ địch xâm nhập.  Người Nhật còn gọi Thành Cơ Lộ là Lâu Đài Cò Trắng, vì hình dáng toàn bộ của những tòa lâu đài được sơn trắng toát này nhìn giống như là con cò trắng đang sẵn sàng cất cánh bay lên.
           
Chúng tôi đi theo những con đường đất quanh co, xuyên qua một vườn hoa đào hồng tươi rực rỡ, dẫn đến cổng chính để vào bên trong tòa lâu đài to nhất ở ngay trung tâm Loa Thành Cơ Lộ.  Con nhỏ bạn Grace của tôi, mấy ngày qua “rầu rĩ” vì đã phải theo chúng tôi đi “hành hương” từng đó cảnh chùa, hôm nay được thay đổi không khí nên vui quá, chạy lung tung khắp nơi, khắp chốn để chụp hình.  Grace còn rủ chị Phượng, người ở chung phòng với nó, chạy ra đến tận bờ thành, gần những pháo đài nghiêng mình nhìn xuống hào nước để ước lượng xem từ mặt tường thành xuống đến hào nước là bao sâu !          
           
Chắc là dân bản xứ còn được nghỉ lễ Hội Hoa Đào nên lâu đài Cò Trắng cũng có rất nhiều người bản xứ đến viếng thăm.  Chúng tôi xếp hàng nối đuôi giòng người đông đảo này leo lên những bậc thang nhỏ thẳng tắp để đi thăm viếng từng tầng lầu một.  Khi vào đến trong lâu đài chúng tôi mới biết cái lâu đài chính này cao đến những bẩy tầng nhưng đứng nhìn từ phía ngoài, chúng tôi chỉ thấy được có năm tầng lầu phía trên.  Đó là lối kiến trúc để đánh lừa kẻ địch.
           
Vì muốn bảo tồn cái di sản văn hóa này cho được sạch sẽ và hoàn hảo nên du khách được yêu cầu tháo giầy dép ra trước khi vào trong khuôn viên của lâu đài. Những nhân viên làm việc nơi thắng cảnh này đã đón chào du khách ở ngay đầu cầu thang thứ nhất, con đường chính dẫn vào lâu đài, để chia cho du khách những cái bao ny lông đựng giầy dép.  Chúng tôi vui vẻ nhận những cái bao ny lông, bọc lấy những đôi giầy mang nhiều cát bụi đường xa rồi xách theo.  Đeo cái máy ảnh trước cổ, bắt chéo quai giỏ qua một bên vai, một tay xách bao giầy, một tay tôi phải vịn vào thành cầu thang từ từ leo lên vì những bậc thang lầu này vừa nhỏ vừa thẳng dốc.  Nhìn cái cầu thang nhỏ hẹp tôi tự hỏi không biết làm sao những người lính thời trung cổ, phải mang áo giáp và vác binh khí trên người, có thể di chuyển nhanh chóng trên những cái cầu thang này khi có biến!
           
Chúng tôi thong thả đi theo những lối đi đã được chỉ định để ngắm những bộ áo giáp giầy cộm, những bộ yên ngựa nặng nề, những bộ binh khí cổ xưa đã được chưng bày trong những tủ kính đóng cứng trên tường.  Khi leo lên được đến tầng lầu cao nhất thì Hươu muốn dừng lại một lúc để chụp hình quang cảnh thành phố chung quanh tòa lâu đài từ những khung cửa sổ nhỏ trên cao, nên hai chúng tôi đứng sát vào trong một góc phòng nhường đường cho những người du khách khác đi qua. Trong khi chờ đợi Hươu “săn ảnh” tôi đứng tựa vào tường đưa mắt quan sát chung quanh.  Cái tầng lầu thứ bẩy này cao nhất, nhưng lại nhỏ nhất, và trống trải nhất, vì không có chưng bày những vật dụng hay binh khí gì như những tầng lầu phía dưới mà chỉ có mỗi một bàn thờ Thần Đạo được đặt ngay chính giữa gian phòng.  Tôi thấy những người dân bản xứ, trước khi đi xuống thang lầu, đều đến kính cẩn cúi đầu trước bàn thờ Thần Đạo.  Tuy không biết là bàn thờ của vị thần vị thánh nào, nhưng tôi cũng bắt chước người Nhật, bước tới chào hỏi chủ nhà cho phải phép.
           
Vì mất một ít thì giờ nghỉ ngơi, ngắm cảnh và để Hươu có dịp thu lại hình ảnh của thành phố Himeji rực rỡ thắm sắc hoa đào dưới ánh nắng mùa Xuân nên tôi và Hươu đến quán ăn trưa trễ hơn tất cả mọi người.  Nhưng cũng chẳng ai phải chờ ai vì mỗi người đều có một phần ăn riêng biệt, cũng lại những món rau củ lăn bột chiên (tempura) với món bánh canh Nhật (udon). Ăn xong, chúng tôi đi bách bộ dạo quanh những quán hàng bán bánh trái, bán rượu gần đó rồi từ từ đi về chỗ đậu xe để sửa soạn ghé thăm China Town ở thành phố Kobe.
           
China Town Kobe, cũng giống như những phố Tàu ở những quốc gia khác với cái biển đề chữ Trung Hoa trên nóc cổng.  Nhưng China Town Kobe khác hẳn với China Town ở Los Angeles vì không có được cái không khí ồn ào, náo nhiệt của một phố Tàu.  Chắc là vì ở nước Nhật nên những con đường của phố Tàu cũng sạch sẽ như những con đường trong thành phố Nhật, và cũng không có lấy một cái thùng đựng rác, làm Hươu với anh Tân ăn xong cây kem mà phải cuốn giấy gói bỏ vào túi mang về vất trong thùng rác của xe bus.
           

China Town Kobe cũng có những lồng hấp bánh bao, “suẩy cảo”, những món đồ “tỉm sấm” nóng hổi.  Chỉ có cái lạ là đi từ đầu chợ tới cuối chợ tôi cũng không nhìn thấy một gian hàng bán heo quay hay gà vịt quay như ở phố Tàu ở bên Mỹ, hay ở Canada.  Tôi chỉ thấy có một gian hàng treo lủng lẳng độc nhất một con vịt quay ở trước cửa.  Hỏi anh Minh thì mới biết là người Hoa ở Nhật và người Nhật không hay ăn thịt heo quay như người Hoa ở những quốc gia khác, nên quay cả con heo là chủ tiệm chỉ vỡ nợ thôi (các tiệm đều chật nên không có chỗ để tự quay heo).  Nếu muốn có vài kí thịt heo quay ăn thì khách hàng phải đặt trước một, hai ngày, và người bán hàng cũng chỉ mua vào phần thịt heo đã được đặt.  Giá heo quay ở Nhật cũng đắt, khoảng $50/1 kg.  Món vịt quay ở Nhật cũng không được ưa chuộng mấy, một phần cũng vì món vịt quay này đắt quá, giá trung bình một con vịt quay ở Nhật khoảng 60 tới 70 Mỹ Kim.  Và vì cũng không có mấy người mua vịt nguyên cả con, nên người bán hàng phải xẻ con vịt thành nhiều miếng nhỏ, bán mỗi phần khoảng 5 Mỹ Kim cho dễ được tiêu thụ.  Tuy nhiên, nếu muốn mua xá xíu thì tha hồ, quán hàng nào cũng có bán cả.
           

Rời China Town, chúng tôi trực chỉ vùng vịnh Kobe.  Ở nơi này, các bà thích mua sắm của đoàn tôi sẽ có dịp đi dạo phố ở khu thương mại Shinjaibashi sang trọng.  Rồi đêm nay chúng tôi sẽ ăn một bữa đồ biển tự do (seafood buffet) mà Chris bảo đảm là ngon nhất từ ngày đầu của chuyến du lịch cho tới giờ.
           
Tôi nghe nói Shinjaibashi là một khu thương mại đông đúc nhất ở vùng vịnh Kobe. Khu thương mại này có khoảng trên dưới năm trăm gian hàng khác nhau, từ những gian hàng tư nhân nho nhỏ cho đến những cửa hàng bách hóa (department store) to lớn, sang trọng có bán đủ mọi thứ mặt hàng.  Thật cái thương mại này không hổ danh là biển người Shinjaibashi, vì ngày thường mà cũng đông nghẹt khách hàng.  Nhìn cái biển người đông đảo này tôi có cảm tưởng là người ở khắp mọi nơi trong thành phố đều dồn hết về khu thương mại này để đi mua sắm.  Nói đúng ra thì giá cả ở những gian hàng này, tuy đã được quảng cáo là đại hạ giá, cũng không lấy gì làm hấp dẫn, nên người đi ngắm mấy cửa tiệm, dạo phố, ăn uống nhiều hơn là những người chủ tâm đi mua sắm.  Nơi tụ tập nhiều người nhất vẫn là những quán hàng ăn.  Đã mấy lần, tôi và Hươu định xếp hàng để mua thử món bánh kẹp (crêpe) cuốn trái cây ăn xem nó khác với bánh kẹp ở bên Mỹ như thế nào nhưng cứ nhìn cái đuôi dài thoòng loòng thì Hươu lại nản lòng nên xách máy hình ra cái hành lang đằng sau con phố để chụp hình.
           
Đến khoảng sáu giờ thì chúng tôi xếp hàng để vào ăn tối.  Chắc cái nhà hàng đồ biển này là cái nhà hàng duy nhất của thành phố biển Kobe nên đông không thể tả.  Thực khách phải chia ra làm nhiều nhóm với những giờ ăn khác nhau. Chúng tôi sẽ có từ sáu giờ cho đến tám giờ để ăn bữa cơm tối hôm nay.  Đúng như lời Chris đã bảo đảm, bữa ăn "farewell" xứ Phù Tang đêm nay ngon nhất trong những buổi tối của cuộc hành trình.  Thức ăn đã ngon, mà quán ăn lại nằm ngay trước mặt biển, nên chúng tôi cảm thấy thoải mái vô cùng.  Giá mà không phải gói ghém trong vòng hai tiếng để ăn thì chúng tôi đã có những giây phút thanh thản vừa ăn, vừa chậm rãi ngắm cảnh hoàng hôn xuống dần trên sóng nước.
 

 

4/12/09
           
Chuyến du lịch mười ngày trôi qua nhanh chóng.  Hôm nay là ngày cuối cùng chúng tôi ở trên đất Phù Tang.  Buổi sáng, chúng tôi thức dậy, thu dọn hành trang bỏ ra ngoài cửa phòng cho nhân viên khách sạn đem xuống xe bus, rồi tà tà xuống phòng ăn. Chuyến máy bay trưa ngày hôm nay sẽ đưa chúng tôi trở lại Incheon.  Ở đây, đoàn tour Sakura 2009 sẽ tách đôi.  Tôi, Hươu, Grace, cùng anh chị Hữu - Tân, và gia đình anh chị Andrew - Diệp và hai cháu Aivy cùng Kevin sẽ ở lại phi trường khoảng hai tiếng đồng hồ, chờ đợi chuyến bay buổi chiều về lại Mỹ.  Còn chị Nga sẽ dẫn những người còn lại trong đoàn rong chơi Hàn Quốc thêm ba ngày.
           
Đến ngã rẽ của phi trường tôi nhìn bà con đi Hàn Quốc vẫy tay chào từ biệt rồi hân hoan dẫn nhau đi chơi tiếp mà có hơi tiêng tiếc vì đã không ghi danh đi cùng hết đoạn đường. Nhưng nghĩ lại thì cũng gọi là tạm đủ, vì đi lâu quá tôi cũng cảm thấy nhớ nhà.
           
Chuyến du lịch lần này của chúng tôi thật là thích thú vì trước hết là chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ bao nhiêu năm ấp ủ, và sau nữa là chúng tôi rất thoải mái khi đã có người sắp đặt cho mọi công việc cần thiết của một chuyến đi xa.  Tôi chỉ tiếc là không được xem hai cái show trà đạo và hoa đạo (như trong chương trình đã quảng cáo), vì tôi nghe nói hai cái show này hay lắm, nhất là lại được biểu diễn bởi người Nhật Bản chính gốc trên đất nước Phù Tang. Nhưng theo lời chị Nga thì những đoàn tour trước phàn nàn vì hai cái show này dài dòng và buồn tẻ, nên chị đã phải cắt bỏ đi.
           
Tôi và Hươu cũng đã có cơ hội để trò chuyện với học giả uyên bác Đỗ Thông Minh và thầy Trần Đức Giang, hai hướng dẫn viên đầy kiến thức và kinh nghiệm.
           
Anh Minh không hổ danh là học giả, vì những kiến thức của anh đã đem đến cho chúng tôi nhiều ngạc nhiên đầy thú vị.  Trên đường đi, ngoài việc giới thiệu về những danh lam thắng cảnh, anh Minh còn dạy cho chúng tôi học tiếng... Việt.  Nhờ anh mà tôi biết chữ “xá lị” là chữ Hoa chứ không phải là chữ Việt.  Anh cũng dẫn giải cho chúng tôi biết xuất xứ của ba cái chữ “dầu chao quảy”.  Thì ra ba chữ “dầu chao quảy” này bắt nguồn từ sự tích vợ chồng gian thần Tần Cối hại chết trung thần Tống Nhạc Phi.  Người Trung Hoa ghét hai vợ chồng này nên làm một loại bánh giống như hình hai thân người dính liền với nhau rồi bỏ vào vạc dầu chiên.  Họ ăn bánh đó là muốn nói cho hả giận: đang ăn thịt vợ chồng Tần Cối. 
           
Cũng nhờ anh Minh, tôi biết được ông chủ hãng nuôi trai Mikimoto này giàu to cũng nhờ một “accident” (tai nạn).  Theo bài viết của anh Minh thì những con sò của hãng Mikimoto khởi đầu toàn cho ra những viên hạt trai hình cầu đường kính cỡ 3 cm, chỉ có duy nhất một hạt lớn cỡ 5 cm.  Tìm hiểu mãi mới biết nguyên do tại vì một người thợ mới vào làm, khi cho hạt nhân vào đã vụng về làm rách viền con trai, viền này dính với viên hạt nhân đó biến thành cái bao mềm bao hạt nhân và vì có cái bao này mà con trai tiết nhựa “trắng” nhiều hơn giữa hạt nhân và bao, cho ra hạt trai lớn hơn và màu sắc đẹp hơn.  Một sự vụng về lại hóa thành một phát minh quan trọng!  Sau cái phát minh đó thì hãng Mikimoto thâu hoạch được những viên ngọc trai to hơn và đem về lợi nhuận nhiều hơn.
           
Thầy Giang thì giảng dạy cho chúng tôi sự khác biệt về những đạo giáo trên thế giới, nhưng tôi nghe xong bên tai này thì nó chạy ra tai kia.  Cũng từ thầy, tôi biết thêm được đường lối tu hành của Phật Giáo Nhật khác hẳn với lối tu của Phật Giáo Trung Hoa và Việt Nam.  Ngoài cái việc ngả mặn như lối thọ trai của những nhà sư ở Thái Lan hay Cam Bốt, nhà sư Nhật còn vướng bận thêm “món nợ trăm năm” của chốn đời thường.
           
Theo lời thầy Giang thì sở dĩ mấy ông thầy “bắt buộc” phải có “bà thầy” là để ngăn chận làn sóng tín nữ... Thị Mầu.  Chùa nào mà có mấy ông thầy độc thân là khách thập phương sẽ cảm thấy... “không an toàn” nên sẽ không thèm... lai vãng.  Mấy ông thầy tu của Nhật có hai cuộc sống: đạo và đời.  Vào chùa làm việc đạo, tụng kinh, niệm Phật (được trả lương theo công việc phải làm), và khi về nhà thì vẫn phải chu toàn bổn phận của một người chồng, người cha.
           
Những ngày đầu tiên gặp thầy Giang tôi đã rất... “ngỡ ngàng”.  Rồi từ cái ngỡ ngàng đó mà tôi đâm ra... “khó chịu”.  Nhưng tôi không thể chối cãi được thầy Giang là một người có một kiến thức uyên bác, và là một người... “đặc biệt”.  
           
Không hiểu có phải vì cái cá tính “đặc biệt” của thầy đã đưa thầy đến cơ duyên khoác lên mình tà áo nâu sòng?  Theo lời thầy kể thì từ một ngày xa xưa khi thầy còn tha hương trên đường du học, thầy đã gặp một đồng hương tị nạn sang Nhật, muốn tìm hiểu thêm về đạo giáo của đất nước này.  Rồi vì mến cảnh, mến chùa nên người đồng hương của thầy đã khẩn khoản xin phương trượng của ngôi chùa này cho thí phát qui y.  Đến ngày giờ hoàng đạo, nghi lễ đã sẵn sàng thì người bạn đồng hương biệt vô âm tín.  Thầy Giang đành phải “anh dũng” quỳ xuống trước chính điện, đoạn lìa mái tóc xanh, nhận “đà bào”, làm Lê Lai cứu gỡ cho danh dự của một dân tộc!
           
Thầy Giang chia tay với đoàn tour của chúng tôi sau buổi thăm viếng lâu đài Himeji vì thầy phải về lại Tokyo tiếp tay đạo tràng lo tổ chức lễ Phật Đản.  Khi buổi lễ xong xuôi thì thầy sẽ bay sang Hàn Quốc để cùng tiếp tục rong chơi với đoàn.  Trước giờ chia tay, thầy cũng đã tặng mỗi người trong đoàn một tấm thiệp có ghi lại một vài câu thơ đầy ý nghĩa.
           
Tôi cũng đáp lễ thầy bằng những câu thơ thất ngôn bát cú “dã chiến” mà tôi đã viết về cảm nghĩ của tôi từ ngày đầu tiên gặp thầy cho đến ngày chia tay.  Tôi chỉ muốn nhờ những giòng chữ này gởi đến thầy những ý nghĩ chân thật nhất của tôi, mặc dù tôi vẫn chưa thể “chấp nhận” được sự hòa trộn giữa đạo và đời của đường tu theo lối Nhật và vẫn chưa thấy quen thuộc với... “phong cách đặc biệt” của thầy, nhưng tôi đã không còn cảm thấy “khó chịu” hay “đằng đằng sát khí” (lời thầy Giang) như những ngày đầu tiên nữa.
           
Còn những người bạn du lịch của chúng tôi, tuy mới gặp nhau đây thôi, nhưng cũng rất vui vẻ, thân thiện với nhau.  Đoàn tour của chúng tôi cũng “hữu duyên” có được bốn ông bác sĩ, từ bác sĩ tổng quát (Nguyễn Hữu) tới bác sĩ chuyên môn (Bùi Dương, Phạm Tố, Lê Sơn) đi cùng.  Bởi vậy chị Nga cũng có phần yên tâm nếu bất chợt trong chuyến đi có bà con nào bị nhức đẩu sổ mũi giữa đường.  Hôm ở Ise Hươu ể mình, lên cơn sốt nóng, cũng đã được mấy ông bác sĩ đi chung đoàn tận tình thăm hỏi, chỉ bảo thuốc men. 
           
Trong suốt quãng đường đi (trừ những lúc chúng tôi say ngủ), không khí trong xe đã thật là vui vẻ, náo nhiệt với những tiếng cười đùa liên tục.  Bà “bầu” Nga của đoàn tour cứ tưởng “hiền, hiền” vậy mà cũng lên “cướp” microphone của thầy Giang hăng say kể chuyện “cấm…cười”.  Thấy vui quá nên bác sĩ Dương cũng hăng hái lên ôm micro góp chuyện.  Ông bác sĩ này không những đã chụp hình đẹp, nghe nói lại hát hay, và anh còn có một hồn thơ lai láng.  Biệt tài của anh là “dẫn giải”… truyện Kiều.  Vì là bác sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa nên anh đã nhất quyết là Kim Trọng bị … “bón” khi anh định bệnh chàng Kim qua những câu thơ:
           
            Khi tựa gối, khi cúi đầu
            Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày...

Trong lúc anh “dẫn giải” truyện Kiều thì chị Oanh, “bà quản lý đời anh” chuyền tay chúng tôi cái gói cơm cháy thịt chà bông ăn lấy thảo.  Chúng tôi chia nhau những miếng cơm cháy “home made” thơm ngon, giòn rụm và tiếp tục lắng nghe anh Dương kể chuyện… “hư thân” của chị em Kiều…
           
Trước khi chia tay ở Incheon, Anh Duy và chị Minh đã hứa là sẽ khoản đãi chúng tôi một bữa tiệc "reunion" (tái hội) ở quán hàng Gala của anh giữa phố Bolsa.  Anh chị Anh-Liên thì hồ hởi bảo sẽ vượt đường xa từ San Jose về để tham dự ngày họp mặt.  Anh Nhơn cũng đã xung phong nhận lời thiết lập một “Sakura 2009 yahoo group” để “thỉnh thoảng” chúng tôi liên lạc với nhau, kể cho nhau nghe những chuyện hay, lạ của những đoạn đường du lịch mà chúng tôi đã bước chân qua.
           
Sau cùng thì tôi cũng muốn được gởi lời cám ơn bà “bầu” Nga của tour Sakura 2009, đã tạo cơ hội cho chúng tôi có được một chuyến du lịch với nhiều kỷ niệm khó quên.
                                                                                   

Bảo Trân - Lý Tuyết Mai