Ten Ky Niem
 

 

Tôi có nhiều địa chỉ điện thư dành riêng cho mỗi diễn đàn khác nhau, dưới nhiều cái bút hiệu, biệt hiệu khác biệt, chỉ có một cái địa chỉ tôi dùng tên thật để tìm bạn học cũ, vì hy vọng nhìn cái tên của tôi thì bạn bè tôi sẽ nhận được tôi ngay.

Tháng tám năm ngoái tôi lang thang vào trang nhà của hội Gia Long miền Bắc Calif để hỏi xem chị em áo tím có còn nhớ những cây hoa sứ trắng trồng ở sân trước, loài hoa gắn liền với màu áo trắng Gia Long không.  Nhân tiện, tôi lục lọi trong mục "Bạn Cũ" Gia Long, xem có thêm tên ai vừa ghi vào danh sách, mong là gặp lại một vài đứa bạn quen.

Ở cuối trang "Bạn Cũ" , tôi thấy có ghi một cái tên mới – Bùi Ngọc Yến, Gia Long 74, ở Little Rock. AR. –  Tôi chợt nhớ tới một đứa bạn thân đã cùng nhau học hết bẩy năm trời trung học.   Tôi bèn gửi thư đi, cho địa chỉ điện thư để liên lạc, nhưng qua nhiều ngày tháng, tôi cũng không nhận được hồi âm.

Tình cờ, tháng trước đây tôi qua lục thư ở cái hộp thư dành cho bạn cũ, tôi nhận được một lá thư ngắn gọn có mấy hàng, tìm tôi. Tôi hồi âm, và nhận được thư của Yến. Hai đứa gửi thư qua lại mấy lần, Yến bảo đến cuối tuần sẽ gọi cho tôi

Sáng thứ bảy, tôi còn đang ngủ rán vì tối hôm trước thức khuya làm báo đến hai giờ sáng, thì chuông điện thọai reo.  Yên oang oang bên kia đầu giây, giọng con nhỏ cũng như ngày xưa, rộn rã:
-  Thôi dậy đi, nướng khét rồi.

Tôi càu nhàu:
-  Thứ bảy, bên tao mới có chín giờ.

Con nhỏ thản nhiên bên kia đầu giây:
-  Chín hay sống gì cũng vậy, dậy đi nghe tao nói chuyện.

Thế là tôi đành phải ngồi dậy, dựa lưng vào đầu giường để nghe Yến nói.

Sau hơn 30 năm mới gặp lại, con nhỏ tha hồ kể chuyện.  Chuyện từ sau ngày thành phố bị đổi tên, chuyện của ngôi trường xưa cũng cùng chung một số phận.  Chuyện của bạn bè sau ngày dời đổi, chuyện nó gặp lại cái người bây giờ là …ông cụ thân sinh ra hai đứa con nó.  Yến bây giờ đã làm bà nội, nó có hai đứa cháu: một trai, một gái. Con cháu gái của nó được đặt cho cái tên…Mai để nhớ tới tôi.

Chừng sắp dứt lời, Yến hỏi:
-  Cuối tháng này tao làm đầy tháng cho thằng Nguyên Ly, cháu nội tao, vợ chồng mày có sang chơi không?

Tôi cười ha hả:
-  Trời đất, mày có biết tao ở cách mày bao xa không?  California  với Arkansas chứ không phải là Hòa Hưng với Lý Thái Tổ đâu nghe.  Với lại, đi đâu cũng phải sửa sọan, xếp đặt công việc, xin nghỉ phép, mua vé máy bay, chứ không phải như ngày xưa, leo lên Honda là chạy tới nơi đâu nghe nhỏ?

Con nhỏ nói:
-  Tao tưởng mày sẽ hăng hái khi nghe tao làm đầy tháng cho Nguyên Ly, cháu nội tao tên là Nguyên Ly, mày nhớ cái tên này không?

Tôi hờ hững:
-  Nhớ gì?
-  Mày thật là không nhớ, Nguyên Ly???

Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, tôi giật mình:
-   Mày muốn nói, Nguyên Ly…Nguyên Ly…?
-   Chứ còn gì nữa, lời giao ước ngày xưa mà mày quên mau vậy.

*****

Ngày đó….

Tôi và Yến học chung với nhau ở ngôi trường áo tím, từ đệ thất lên đến đệ nhất.  Những ngày ở đệ nhất cấp thì tôi và nó không thân thiết với nhau lắm, bởi vì tôi còn mải mê tụ họp với bọn Hòai Hương, Cát Tường,  Nhất Khanh, và Thúy Ái.

Sau năm chia ban rồi, thì mấy đứa học trò lớp cũ của tôi bảo nhau qui tụ lại với nhau cho có bè có bạn, bởi  gom hết lại thì bọn học trò tứ 3 theo ban C ngồi chưa đầy hết hai dẫy bàn.  Yến ngồi cùng với tôi một bàn, từ ngày đầu cho đến ngày cuối của ba năm trời ở đệ nhị cấp.  Những ngày tháng sau này, bọn Hương, Ái cũng có thêm bạn bè mới để hội họp tán dóc với nhau thì tôi, Yến và Cao Phương Lan, mới đổi từ trường Mạc Đỉnh Chi sang, ngồi dãy bàn trên, cũng tụm đám với nhau, cũng kặp kè nhau đi vòng vòng mấy góc sân trường.

Muốn tụ họp giờ chơi nào thì tụ họp, đi chơi với đám bạn cũ, bạn mới nào thì đi, nhưng tôi vẫn cố tránh đi quá cái giờ chơi đầu tiên của ngày thứ ba trong tuần,  hoặc giả, nếu có phải đi gặp bọn Hương, Ái thì tôi cũng kiếm cách để về lớp sớm, bởi vì, giờ học sau đó là giờ học Lý Hóa của ông.  Thọat đầu thì mấy đứa bạn tôi không hiểu sao tôi phải vội vã trở về lớp khi giờ chơi chưa hết, nhưng sau khi Thúy Ái khám phá ra là tôi đang … vấn vương một màu áo trắng thì chúng nó sỉ vả tôi tơi bời.  Thúy Ái cằn nhằn:
-  Tao đã cảnh cáo mày trước rồi, nhắc nhở mày biết bao nhiêu lần, sao giờ mày lại…như vầy?

Cát Tường năn nỉ:
 -  Mày làm ơn bỏ quên ổng giùm tụi tao đi có được không?  Hết người mơ tưởng rồi sao mà lại mơ tưởng tới…thầy, mà ông thầy lại có vợ con đàng hòang mới khổ.

Tôi yếu ớt chống đỡ:
-  Chắc tại tụi mày nói nhiều quá thành tao… nhập tâm.

Nhưng mặc kệ tụi nó muốn nói gì thì nói, ngăn cản gì thì ngăn cản, tôi vẫn bình thản trở về lớp sớm, để âm thầm đứng bên khung cửa sổ theo dõi từng bước chân ông đang thủng thỉnh từ con đường Bô Na tiến dần lên góc cầu thang dẫn vào lớp học.

Tôi đã nhìn thấy Yến ở đó, ở cái khung cửa sổ thứ hai của dãy hành lang lớp học, bên cạnh cánh cửa sổ tôi đang đứng, cũng đang thờ thẫn dõi theo một bóng áo trắng như tôi.

Hai đứa nhìn nhau cảm thông vì cùng chung một nỗi nhớ, niềm thương.  Hai đứa tôi buồn lắm, nhưng vẫn nuôi một giấc mộng hão huyền là cái nhẫn vàng trên ngón tay áp úp của ông chỉ là một vật ngụy trang của một ông thầy trẻ tuổi, đẹp trai, dùng để đánh lạc hướng mấy đứa học trò lớn của ngôi trường con gái

Tôi thì thuộc típ người thụ động,  nên chỉ dám…đứng nhìn hạnh phúc xa xa để mỉm miệng cười buồn.  Tôi cũng không muốn tìm hiểu cái lời đồn ông đã có gia đình rồi là thực hay hư, bởi vì ông còn trẻ quá, ông chỉ hơn chúng tôi 5, 7 tuổi là cùng.  Nhưng Yến thì trái lại, con nhỏ nhất định phải tìm cho ra "chân lý".  Yến nói:
-  Tao sẽ tìm ra sự thật, tao sẽ theo ông về tới tận nhà.

Tôi hỏi:
-  Mày biết nhà ổng sao?

Yến nói không, nhưng sau giờ tan trường thì nó sẽ chạy theo sau xe ông để biết nhà.  Nhưng khổ nỗi, bọn học trò đậu xe tuốt trong sân trường, còn giáo sư thì có thể đậu xe ở sân trước.  Ông lại nhanh như cắt, vừa tan giờ học bọn tôi dắt được xe ra cổng rồi là không thấy bóng dáng ông đâu.  Đã bao nhiêu lần Yến cố gắng ra sớm để đuổi theo mà cũng không kịp, con bé nói với tôi là hôm nào nó dám nghỉ học để chạy theo ông lắm.

Và rồi Yến cũng theo ông về được đến tận nhà.  Hôm đó, giờ học chót cô Sử Địa không đi dạy, lớp tôi được về sớm nửa giờ.  Yến lấy xe ra, chờ ông ở góc đường Phan Thanh Giản.  Con nhỏ đắc chí bảo kỳ này nhất định là nó sẽ bắt kịp ông.

Sáng hôm sau Yến đi học trễ, mặt mũi con nhỏ bơ phờ như qua một đêm không ngủ.  Giờ chơi nó không xuống sân, nằm gục đầu trên bàn.  Tôi cũng không đi chơi, ở lại với nó.  Chờ cho bạn bè ra hết khỏi lớp tôi mới nhẹ nhàng hỏi:
-  Mi làm cái gì mà như người mất hồn vậy?  Có chuyện gì thì nói cho tao nghe với, cho nó…đỡ nặng lòng.

Yến thút thít:
-  Hôm qua tao theo ổng về tới tận nhà.  Tao dừng xe ở đầu ngõ nhìn theo. Nhà ổng ở gần đầu hẻm nên đứng bên ngòai đường tao cũng nhìn thấy rõ ràng. Tao thấy một người đàn bà mặc bộ đồ ngủ màu xanh, không lớn hơn mình là bao, bồng một thằng nhỏ khỏang hơn một tuổi ra mở cửa cho ông.  Ông dựng xe trước hàng ba xong ôm thằng nhỏ hun vô má, rồi ôm eo ết bả vô nhà.
Tôi vớt vát
-  Đã chắc gì là vợ con của ổng, biết đâu là … em, cháu.

Yến ngước lên nhìn tôi, mắt sũng buồn:
-  Mày sao…ngu quá, đừng hy vọng nữa, cháu gì mà nâng niu dữ vậy, em gì mà âu yếm cỡ đó.

Tôi an ủi Yến, và cũng an ủi chính mình:
-  Thôi đừng buồn nữa, mình đã biết từ đầu là ổng có gia đình.  Tại tự mình …mơ tưởng ổng mà thôi.  Hết năm học này rồi thì mình không còn thấy ổng nữa và mình sẽ quên ổng.

Yến vẫn gục đầu trên cánh tay, thì thầm:
-  Tao buồn quá, thức gần trắng đêm, muốn khóc mà không khóc được, gần sáng mới thiếp đi được một chút, mà trong mơ vẫn thấy màu áo trắng của ông.

Cho dù đã tìm ra sự thật nhưng tôi và Yến vẫn thầm lặng dõi theo bước chân ông trong những giờ chơi kế tiếp.  Nhưng bây giờ thì hai đứa không đứng riêng biệt ở hai khung cửa sổ nữa, tôi và Yến cùng đứng với nhau bên một khung cửa nhỏ nhìn xuống góc sân trường, nhìn ông vẫn đủng đa đủng đỉnh trên con đường Bô Na ngợp đầy bóng lá. Để thêm buốn!  Chắc ông cũng biết có người đang nhìn trộm nên vẫn từ từ đếm bước, miệng tủm tỉm cười, trông điệu hạnh làm sao.

Tôi tìm quên nỗi buồn bằng cách hăng say viết báo làm thơ nhiều hơn khi trước.  Thơ của tôi ray rứt, u buồn, đầy những chia ly cách trở.  Văn của tôi chuyên chở những cuộc tình không có đọan kết vui.  Tôi viết về tôi và ông như những người yêu đã hẹn hò nhau từ kiếp trước, nhưng vẫn mãi ngậm ngùi nhìn nhau ở hai đầu sông Tương.  Tôi ví ông và tôi như những con electron chạy loanh quanh ở hai bên đầu giòng điện mà mãi mãi không bao giờ đến được gần nhau.

Tôi giúp Yến tìm quên bằng cách giới thiệu con nhỏ cho Phương Điền Vỹ, thằng em họ của tôi.  Vỹ là con trai đầu lòng của dì Hải Châu.  Vỹ sanh cùng năm, cùng tháng với Yến, chỉ hơn Yến được mấy ngày.  Vỹ đang học lớp 12 ở  trường Trần Lục, thằng nhỏ đã gặp Yến trong bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 18 của tôi.  Nó "cảm" giọng nói rộn ràng của Yến nên đã năn nỉ nhờ tôi bắc một nhịp cầu.

Đêm Noel Vỹ chở tôi đến nhà Yến, bỏ xe ở nhà nó, rồi mấy đứa tôi sẽ cùng đón xe ra nhà thờ Đức Bà để đi dự lễ nửa đêm.  Tôi ngồi đong đưa trên giường chờ Yến sửa sọan.  Tôi sốt ruột khi nghe con nhỏ cứ ông ổng hát đi hát lại hòai bài hát có cái câu "… tình hỡi ơi tình nhưng chàng lại có gia đình…".

Tôi bảo nó:
-  Mày hát nho nhỏ chứ, kẻo thằng em tao ở dưới nhà nó nghe được nó buồn. Mày đi chơi với nó mà hồn cứ ở tận nơi nào thế là nghĩa làm sao?

Yến cũng cười, đưa tay lên tháo mấy cái ống cuốn tóc:
-  Chưa chắc gì tao chịu làm em mày đâu nghe.  Tim tao còn đang rướm máu mờ.  Tại tao thấy thằng em mày mặt mũi hiền lành, dễ thương, lại hay mặc áo trắng giống ổng nên tao cũng nể mày, nhận lời đi chơi với nó một lần cho vui.  - Yến cười khúc khích -  tao thấy cái tên của em mày sao ngồ ngộ, hay hay, giống như tài tử kiếm hiệp của Nhật, Phương Điền Thứ Lang.  Hổng biết hồi xưa bà dì của mày có mê anh chàng tài tử nào ở xứ Phù Tang rồi đặt tên con để nhớ không nữa héng?

Yến bỗng ngưng tay chải tóc nhìn tôi:
-  Mai nè, sau này có gia đình, có con, mi muốn đặt tên con theo tên của ổng không?

Tôi phản đối:
-  Tầm bậy, mày nói năng nghe có vẻ … phạm thượng quá.  Ai mà lấy tên thầy đặt tên cho con như thế bao giờ.

Yến xí một hơi dài:
-  Mày…nhà quê thì thôi, không thấy dân Tây, dân Mỹ hễ nó yêu mến người nào thì lấy tên người đó đặt cho con sao?
-  Nhưng mà, mình đâu phải Tây, Mỹ…
-  Vậy thì…mình ghép mấy cái họ lại thành tên được không? -  Yến lắc đầu - nhưng mà cái họ của tao ghép với cái họ của ổng nghe không ổn.  Thôi ghép họ của ổng với họ của mày đi.  Nguyễn – Lý, thành Nguyên Ly, cái tên nghe được đó.

Yến bỏ lược xuống, xà vào gần tôi, mắt gợn buồn:
-       Mai, chịu đi, ngóeo tay đi, tao với mày giữ cái tên này cho con đầu lòng của tụi mình, chỉ để nhớ lại một kỷ niệm dễ thương…mà thôi.
 

*****

Bây giờ thì người áo trắng ngày xưa của Yến và tôi chắc đã đến cái tuổi …"nhi nhĩ thuận",  và cũng không biết đã trôi dạt phương nào!?  Tôi không thấy tên ông trong cái danh sách giáo sư về tham dự tiệc Mừng Xuân của trường năm ngoái.  Còn tôi và Yến thì đang có mặt trên miền đất hứa và chúng tôi cũng đã xa rời cái lứa tuổi mộng mơ ngày xưa đó.  Hai đứa tôi bây giờ cũng đều đã quá…"tri thiên mệnh".

Chuyện ngày xưa tưởng đã phôi phai nhưng không ngờ vẫn còn vương vấn mãi với một cái tên.  Tôi thì đã quên rồi lời hứa ngày xưa với Yến, bởi cái chuyện "ngưỡng mộ thầy" chỉ là một thoáng hương yêu của cái thuở học trò thơ mộng.   Nhưng tôi không ngờ một thoáng hương yêu đó lại trở thành một kỷ niệm đậm đà trong lòng Ngọc Yến.  Cho đến giờ phút này thì Yến vẫn chưa quên được…"người xưa"?!  Con nhỏ đã bùi ngùi:
-  Nói cho cùng thì tao với mày cũng không đứa nào giữ tròn lời hứa!  Tao tranh đấu mãi với ông nội thằng Nguyên Ly mới đặt được cái tên này cho thằng cháu nội tao đó.   Hồi nớ, tao muốn đặt tên này cho thằng con đầu lòng của tao mà ông chồng tao cứ nhất định không cho... 
                                                                                                Bảo Trân (2006)