Viết để nhớ Bố

Ngày tháng…

Ánh nắng dịu dàng cuối Xuân chưa kịp tắt thì cơn lửa Hạ nung trời đã vội vã bùng lên.  Trời tự dưng oi nồng một cách lạ thường như phải chịu đựng ngọn lửa thiêng thiêu đốt trần gian của một ngày Thượng Đế ra tay trừng phạt.  Chiến trường sôi động với trận đánh của Việt Cộng vào Ban Mê Thuộc. Nỗi bàng hòang của Phước Long vài tháng trước vẫn còn âm ỉ trong lòng.  Tôi vừa cùng với Ngọc Yến, Phương Lan đi thăm mộ anh của Phương Lan về. Người lính trẻ nằm xuống cho sự bình yên của đất nước chưa kịp ngậm cười.  Những tin tức thất thủ, rút quân lan tràn khắp thủ đô.  Saigon rơi vào một tình trạng nghiêm trọng lạ thường.
Mợ Đạt Tường, chạy xuống từ Phnom Penh, vùng đất còn đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, đạn pháo từng ngày đào nát thủ đô.  Khuôn mặt còn đầy nét kinh hòang. -  Mai biết không? máu, xác người bê bết trên đường, trên những bức tường thành đường phố, mà cậu thì vẫn còn đang tiếc của chưa chịu tản cư.

Ngày tháng …

Radio, Tivi được họat động mạnh mẽ không ngừng. Những phần tin tức chiến trường ngày xưa được thông qua với lũ em nhỏ nhà tôi, giờ đây được chiếu cố kỹ lưỡng.  Tụi nhỏ lặng im ngồi nghe tường thuật, chăm chú nhìn những vùng chấm đen gạch dấu thập, dấu hiệu của những vùng đất đã bị chiếm đóng, xót xa nhìn bản đồ miền Nam càng ngày càng bị thu ngắn dần.  Dường như lũ nhỏ ý thức được chuyện gì đang và sẽ phải xảy ra.  Chiến tranh đã làm cho con người trưởng thành nhanh chóng?

Tôi rời Văn Khoa, bỏ quên những giờ lang thang ở thư viện, những buổi sáng trời mơ sương trên từng lầu giảng đường bốn nhìn xuống con đường Cường Để lặng im.  Bỏ những trưa nắng dịu dàng bên Thúy Ái trong hội quán, và những chiều lộng gió đạp xe lang thang trên con đường Hồng Thập Tự rợp bóng me xanh.  Sân trường vẫn tấp nập như ngày nào.  Vẫn từng đó giáo sư cho từng đó giờ giảng dạy.  Vẫn những bài học như thường lệ.  Vẫn từng nhóm sinh viên quây quần bên nhau sau những giờ chen chúc trong giảng đường rộng lớn.  Văn Khoa đang sẵn sàng cho mùa thi sắp tới, nhưng dường như không khí có vẻ khác lạ hơn xưa.
Không tìm thấy Thúy Ái trong sân trường, vì Thúy Ái và tôi có những thời khóa biểu khác biệt nhau. Tôi chọn Văn Chương Anh và Thúy Ái chọn môn Việt Hán.  Hai đứa chỉ gặp nhau những giờ phụ thuộc, nên muốn nói cho Thúy Ái nghe những rời rã đang manh nha mà không thể nói được. Mình sắp mất nhau rồi Thúy Ái biết không? 

Trở về nhà, tôi nhức đầu với những tiếng chuông reo hằng giờ. Họ hàng từ đâu kéo đến tấp nập, không còn là trang điểm, trau chuốt của những ngày xưa thanh bình.  Mọi người bận rộn với những con đường đi ở, quanh quẩn với chuyện mua vàng, đổi bạc.  Lũ con nít ngày học, ngày nghỉ, dường như chúng đã quá chán nản với cái không khí dữ tợn như hung thần này.  Mùi vị thê lương ảm đạm đã được nếm thấy, chúng bỏ mặc bài vở, bỏ mặc Gia Long đang bắt đầu cho kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt.
Bố về một cuối tuần, bảo tôi không cần đi học nữa, tôi phải lo sửa sọan cho cả nhà, sẵn sàng, chờ bố về là đi.  Chưa biết bao giờ đi, và sẽ đi đến đâu, nhưng phải đi, vì bố không thể ở lại, bố đã bỏ đi một lần hai mươi mốt năm về trước.

Ngày tháng…

Tình hình càng ngày càng bi đát hơn, khi cái vĩ tuyến thứ 13 cũng bị xóa bỏ  trên tấm bản đồ.  Chú Phúc Thái, đang theo học lớp tu nghiệp báo chí do hãng thông tấn xã AP đài thọ, hớt hải gọi về từ Minnessota: - Trời ơi, sao ở nhà còn ngồi yên chưa nhúc nhích, bên này lều trại đã được dựng lên hết rồi. -  Nhúc nhích làm sao được, khi cái việc đi hay ở đâu có phải do mình!  Những chuyến máy bay chở nhân viên làm việc với những hãng Mỹ đã qua hết bên đảo Clark.  Bạn bè của chú Phúc Ninh cũng gọi về ơi ới: - Tại sao mày còn chưa có chuyến đi? -

Bố không còn đi đi, về về thường xuyên trên con đường Saigon - Mỹ Tho dài 70 cây số nữa.  Trụ sở chưa đóng, nhưng đã tan hoang.  Nhân viên ở địa phương tràn vào khuân hết đi đồ đạc, sau khi ông xếp lớn sơ hở lời từ tạ.  Bố phải chạy đi chạy lại trình diện ở văn phòng trung ương, và vẫn còn phải xuống Cần Thơ làm việc.
Bố bảo ở nhà sẵn sàng, có thể là mình phải đi đường thủy, vì nơi bố làm việc thuộc vùng 4, bởi vì những chuyến máy bay di tản vẫn đang còn phải chuyên chở  nhân viên vùng 1, vùng 2.  Đi đường thủy gian nan lắm chứ không phải được như máy bay đâu.  Bọn tôi thì đâu có được đi máy bay lần nào, nên biết gì mà so sánh, nhưng chạy lọan mà, đâu có được sự chọn lựa không gian nan.

Ngày tháng…

Cậu Đạt Tường đã về đến Saigon.  Cậu lên máy bay ba tiếng đồng hồ trước khi Nam Vang thất thủ.  Ra đi, hai bàn tay trắng, không dám nhìn lại kho hàng còn nguyên vẹn. Cậu thóat một mình, ở lại còn đông đủ họ hàng bên vợ.  Cậu mợ đang sọan sửa lại coi còn những món nữ trang gì có thể bán đi được để lo cho hai vé máy bay sang Thái Lan. Rồi từ đó sẽ bay sang Đài Loan tìm lại những người đã làm việc chung ngày xưa với ông ngọai trong tòa lãnh sự nhờ giúp đỡ.  Cậu khóc, mợ khóc, má khóc, mấy đứa nhỏ khóc.  Tự dưng đầu óc tôi muốn nổ tung ra.

Đêm, cả nhà ngồi sóat lại những món đồ cần thiết để mang theo.  Bố đã dặn đi dặn lại - Cần nhất là giấy tờ tùy thân và mấy bộ quần áo thay đổi, ngòai ra, không được đem theo những món đồ lỉnh kỉnh, mình không có đủ chỗ đâu. -  Tôi nhìn lại tủ quần áo, tủ sách, tủ đồ chơi.  Những món đồ chơi từ sinh nhật năm ngóai vẫn còn gọn gàng trong một góc tủ.  Những quyển truyện của NC, NĐT, MT…nằm im buồn thiu.  Sách vở bừa bãi trên bàn học.  Thời khóa biểu của một năm trời học tập vẫn còn dán cứng trên tường.  Và ngăn kéo truyện và thơ, những tác phẩm nhỏ bé của suốt tám năm trời tập tành viết lách vẫn còn ở nguyên một chỗ, im lìm. Từ lâu rồi, tôi đã không có thì giờ ngó ngàng đến chúng.

Tôi lôi ngăn tủ này ra, ôm đi một vài quyển sách, mở ngăn kéo nọ xếp lại mấy trang bản thảo chữ chưa mờ. Cầm những mẩu truyện được đăng báo cắt xếp lại theo thứ tự ngày tháng lên tôi lại bỏ xuống. Từng ấy thứ cho một sự lựa chọn nhỏ nhoi thì làm sao tôi làm được?  Để lại tất cả ở chỗ cũ của nó, tôi chỉ biết nhìn và khóc, khóc cho một thứ hạnh phúc mỏng manh sắp sửa vỡ tan tành.

Tôi nghe bố nói với chú Phúc Ninh - Nếu mà đi đường thủy thì may ra tôi còn đưa được ông bà cụ, chứ đi bằng máy bay thì sở chỉ cho đem theo gia đình trực thuộc mà thôi.  Ông Tướng Nam đầu tỉnh đã nhắn tôi, nếu mình không bay được theo sở thì về đó ông ấy lo cho, từ dưới đó mình có thể ra thẳng đệ thất hạm đội. -  Chú Phúc Ninh nói với giọng chắc nịch - Anh không lo, anh con đông, cứ lo cho chúng nó đã đi.  Tôi thế nào cũng lo được cho ông bà cụ. -

Ngày tháng…

Những ngày tháng đi qua chậm rãi và dài lê thê.  Bố vẫn tiếp tục trình diện ở văn phòng trung ương.  Cái văn phòng làm việc của chú Phúc Ninh vẫn chưa đóng cửa. Giữa tháng tư rồi, cuộc tranh chấp trên những vùng đất nước vẫn chưa đi đến đâu. Chú Phúc Thái vẫn gọi điện thọai về dục giã.

Những ngày tháng này, gia đình tôi đã dọn lên hết trên cái hotel bỏ không của ông cậu ở trên đường Trần Hưng Đạo, con đường gần nhất để ra tới bến Bạch Đằng. Từ nhà tôi ở đến bến tàu, xa quá, sợ chạy không kịp ra chuyến tàu mà hãng chú Phúc Ninh đã hứa cho theo. Ngồi ở chân cầu thang, nhìn thẳng ra phòng khách hotel rộng lớn và vắng lạnh, tôi chợt thấy sợ và buồn.  Tôi còn được bao nhiêu ngày ở trên quê hương đây nhỉ?

Vài ngày sau, cả nhà lại dọn sang Plaza ở bên kia đường. Cái chỗ này thì khuất hơn Metropole, mặc dù cả hai cái hotel đều bỏ trống.  Nhưng ở bên này, ông không phải lên xuống cầu thang, vì căn phòng ông cậu dành cho ông ở ngay dưới nhà.
           
Ngày tháng…

Ông cậu, vẫn cố bình thản ngồi đánh mạt chược với mấy ông bạn già giết thì giờ. Thỉnh thỏang, ông hỏi bố xem tình hình đến đâu rồi.  Bố cũng lắc đầu không trả lời.  Bố nói - Giờ này mà cậu còn ngồi đánh mạt chược được thì hay thật. -  Ông cậu trả lời - Chứ cậu bảo tôi phải làm cái gì bây giờ.  Tôi cũng như cậu, phải chờ mấy thằng cố vấn Mỹ nó giải quyết thôi -

Buổi sáng, bố có điện thọai gọi bảo phải xuống Mỹ Tho gấp. Trước khi đi bố dặn tôi canh chừng lũ nhỏ không cho đi ra khỏi cửa, có đói thì mua thức ăn về mà ăn. Tôi với má đi bọc ra con hẻm phía sau hotel, mua một lô thức ăn bày bán sẵn trên những cái quán dọc đường.  Thức ăn đem về nhà, nhưng không ai buồn cầm đũa, đâu ai còn tâm trí nghĩ đến chuyện ăn.

Ba giờ rưỡi chiều, xe jeep của bố ngừng ngay trước cửa, tiếng thắng vội vàng, gấp rút.  Tôi nhìn ra, chú Tư tài xế vừa ngừng xe là bố đã tất tả chạy vào, bảo má - Văn phòng ở Mỹ Tho vừa được lịnh đóng cửa, bố phải sang thu vén bên Cần Thơ, có thể là cả nhà phải sửa sọan để ngày mai về miến Tây, đi bằng đường thủy, bây giờ bố phải trở lại trụ sở chính ở Sài Gòn trình diện. -
Vừa lúc bố quay ra, chuông điện thọai reo, tôi cầm lên, giọng một người Mỹ, hối hả đòi nói chuyện với bố. Tôi đưa điện thọai cho bố.  Không biết người bên kia nói gì, nhưng tôi chỉ nghe bố trả lời:  - 20 phút, được rồi Danny, ở trụ sở Hiền Vương -
Bố quay lại tôi -  Gọi các em, mình phải đi thôi. -  Má òa lên khóc.  Vừa gạt nước mắt má vừa gom mấy cái túi vải đựng quấn áo đang để ở góc phòng.  Bố chạy lao vào phòng ông bà, tôi chạy theo.  Mấy đứa em tôi nãy giờ đã nghe tiếng bố nói chuyện từ ngoài phòng khách, đang níu lấy bà khóc nức nở.  Bố nghẹn ngào nói với ông bà - Chúng con phải đi bây giờ -  Ông đang ngồi uống trà với chú Phúc Ninh, nhìn lên: - Thôi thì anh cho chúng nó đi... -   Chú Phúc Ninh cố giữ giọng bình tĩnh - Thôi anh đi trước, tôi sẽ cố lo cho ông bà cụ.  Tí nữa tôi vào sở xem sao. -  Thanh Thanh, con em thứ ba hay đau ốm nên được ông thương nhất nhà ngồi thụp xuống ôm chân ông - Con không đi, con ở lại với ông. -  Ông xoa đấu con bé dỗ dành - Con đi trước đi, ông đi sau. Đi đi không lỡ chuyến - Con bé nhất định không rời.  Ông cắn răng: - Con không đi ông cắn lưỡi tự tử bây giờ. -  Má kéo Thanh Thanh lên, chào ông bà rồi lùi dần ra cửa.  Bà dúi vào tay tôi hai lạng vàng -  Thôi, tiện tặn trong những ngày đầu.  Sang bên ấy tìm chú -  Bà ôm chặt Quốc Trung, thằng cháu đích tôn từ giờ nào vẫn theo bố má ở Mỹ Tho, mới về ở với bà từ những ngày đầu lọan lạc, không muốn rời. Thằng bé cũng ôm chặt lấy bà mếu máo.  Ông hét lên – Bà buông ngay ra cho chúng nó đi. -

Bố cầm tay lái.  Chú Tư tài xế ngồi im ở ghế bên cạnh ôm chặt Quốc Trung.  Má và bốn đứa con gái chen chúc ở băng sau.  Bố lái xe thục mạng, len lỏi qua những con đường chiều đông đảo, vượt qua hết những ngọn đèn vàng đỏ, bố chỉ còn đúng 15 phút để đi từ Trần Hưng Đạo đến Hiền Vương.

Bố đến trụ sở Hiền Vương vừa lúc hai cánh cổng đang từ từ khép lại.  Danny, người xếp trực thuộc của bố đang nóng nảy đứng chờ ngay ở bên ngòai cổng.  Danny hét to khi nhìn thấy bố: - Nhanh lên, không thì sẽ trễ giờ. - Bố theo Danny vào văn phòng, và trở ra ngay sau đó với một xấp giấy tờ đánh máy - giấy thông hành của gia đình tôi.

Bốn chiếc xe bus to tướng đang chờ đợi đón người.  Gia đình tôi là gia đình cuối cùng trên danh sách nên vẫn còn phải chờ xắp hàng đến lượt lên xe.  Bố đưa chìa khóa xe lại cho chú Tư, hai người ôm lấy nhau một hồi lâu.  Chú Tư và bố cố ngăn dòng nước mắt.  Chú Tư nói - Chúc ông và cả nhà may mắn, đừng quên về thăm lại quê hương.  Tôi sẽ về lại Mỹ Tho.  Gia đình tôi quê mùa, chắc cũng không có gì phải lo - Bố nói -  Tôi sẽ về, nếu chú còn ở chỗ cũ tôi sẽ đến thăm chú. -

Danny hối thúc chúng tôi lên xe bus.  Trên xe, Danny giải thích cho bố nghe tại sao chúng tôi có thể đi với ông ngày hôm nay.  Đáng lý ra thì Danny đã về nước từ tuần trước, với những người cố vấn khác ở trong sở, nhưng ông đã phải ở lại chờ Kim, vợ ông,  năn nỉ mẹ của Kim cùng di tản với gia đình ông.  Nhưng mẹ Kim đã nhất quyết không đi, bà còn cả một đại gia đình ở đó.  Khi Danny trở về trình diện ở Saigon sáng hôm nay, thì biết là văn phòng Mỹ Tho đã đóng cửa, và Danny đã được lệnh đem gia đình bố đi theo.

Bốn chiếc xe bus khổng lồ chở đầy người từ từ rời khỏi Hiền Vương bằng cổng sau trụ sở.  Tôi nhìn xuống đường qua màu kính xám của khung cửa sổ, cố nhìn xem có ai để ý đến những chiếc xe bus khổng lồ đang di chuyển trên đường phố không?  Có ai biết là chúng tôi đang xa rời quê hương Việt Nam hay không?  Nhưng tim tôi như thắt lại khi tôi thấy Sài Gòn của tôi vẫn còn bình yên quá, người trên đường phố vẫn thản nhiên với mọi công việc hằng ngày.  Xe cộ vẫn tấp nập như những ngày tan sở thường lệ.  Ôi Saigon của tôi, chắc Saigon cũng đang thấm tháp cái mùi vị chia tay, khi những chuyến máy bay quân sự của quân đội đồng minh ố ạt chở người dân đi di tản, thế mà sao Sài gòn vẫn bình thản lặng im.

Chiếc xe bus đi ngang qua con đường Thúy Ái ở, đôi mắt tôi cay xé khi nghĩ đến ngày mai này Thúy Ái trở lại trường mà không thấy tôi, Thúy Ái sẽ chạy đến nhà tìm để ngỡ ngàng khi thấy căn nhà bỏ không vắng lặng.  Và chắc chắn là Thúy Ái sẽ khóc…

Những chuyến xe bus chạy vào ngã sau phi trường, đổ người xuống bên những dãy hành lang vắng lặng.  Nơi này là bãi đáp của phi trường quân sự.  Chúng tôi sẽ được đưa ra khỏi Việt Nam trên những chuyến máy bay vận tải C130. 

Chuyến bay cuối cùng vừa cất cánh trước đó một giờ, nên chúng tôi phải chờ đến sáng mai.  Buổi tối, tôi ngồi co ro trong một góc phòng, cái áo lạnh mỏng không đủ ấm nhưng tôi cũng không màng lấy thêm áo trong túi xách ra.

Trong đêm, tôi nghe có tiếng đại bác vọng về đâu đây tưởng như là gần ghê lắm.  Tôi nghe tiếng người chung quanh thì thầm bảo nhau là người của "bên kia" đã về gần Xuân Lộc, họ đang tìm cách chiếm cứ phi trường để vô hiệu hóa tuyến đường giao thông, hòng cản trở những chuyến bay đang đưa người ra khỏi nước.  Tôi nghe có tiếng khóc thút thít đâu đây, và nhiều người đã toan tính đến việc trở về nhà.   Tôi ôm gói hành trang dựa lưng vào tường, và đã thiếp đi trong mỏi mệt.

Ngày tháng….

Khi tôi tỉnh dậy, thì bố và Danny đã sẵn sàng ở ngòai hành lang sân bay.  Tôi lặng im nhìn những cánh máy bay màu xanh lục của người bạn đồng minh không biết đã đến từ lúc nào, đang sẵn sàng để đưa chúng tôi đi.  Hai hàng lính Thủy Quân Lục Chiến đã dàn thành hàng rào từ ngay trong sân chờ ra đến tận đuôi máy bay để giữ an ninh cho những người đi tị nạn.   Danny và gia đình được lên trước tiên, vì ông là viên chức Mỹ duy nhất trong nhóm, và chị Kim, vợ ông đang mang một cái bầu to tướng như sắp đến ngày sinh. Vì cùng đi với gia đình Danny nên bố và gia đình tôi cũng được lên theo ngay sau đó nên chúng tôi đã được ngồi trên những chiếc ghế vải ở hai bên hông chiếc máy bay, nhìn ra cửa sổ.   Chiếc máy bay chỉ có độ vài chục chỗ ngồi ở hai bên hông thôi, nên những người lên sau phải ngồi xệp xuống trong lòng tàu.  Nhưng giờ phút này thì không ai dám lên tiếng phàn nàn, vì được đưa đi ra khỏi vùng chiến tranh trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng này đã là một sự may mắn quá lớn lao rồi.

Tôi nhìn quanh chiếc máy bay đầy nghẹt những người mà không khỏi lo âu.  Tôi sắp rời xa quê hương tôi, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên.  Tôi sắp sửa đi đến một nơi xa lạ mà không biết những gì đang chờ đợi mình ở đó.  Tôi mới vừa học xong trung học, mới bắt đầu tập tễnh bước vào ngưỡng cửa đại học, chưa có một cái nghề gì trong tay để kiếm sống.  Má tôi chỉ đơn thuần là một bà nội trợ, và bố là nguồn trợ cấp duy nhất của gia đình.  Nhưng bố đã lớn tuổi rồi, ông có thể làm gì đây để nuôi nấng gia đình, khi cái công việc của ông làm đã không còn thích hợp với vùng đất thanh bình đó?

Tôi nhìn bố, bố cũng nhìn lại tôi.  Tôi tưởng như bố đang thì thầm với tôi: "  Bố biết con lo lắng, và bố cũng đang lo đây.  Nhưng con biết là bố không thể ở lại được.  Không có người nào có thể sống với Cộng Sản.  Đã có bao nhiêu người mất hết tài sản và tính mạng năm 1954 khi chúng giải phóng miền Bắc.  Chúng ta phải đi, nếu chúng ta còn muốn sống trong TỰ DO.  Hoa Kỳ là miền đất hứa, hy vọng chúng ta sẽ có nhiều cơ hội ở nơi này."

Tôi ngối lặng im trong lòng ghế.  Tôi có cảm tưởng như là chiếc máy bay đang di chuyển chậm chạp ra phi đạo.  Tôi nhìn qua khung cửa sổ để thấy nhà cửa, cây cối đang lùi dần lại phía sau.  Tôi chợt rùng mình.  Tôi sắp rời xa Saigon.  Tôi rời xa quê hương và không biết là có bao giờ trở lại.  Tôi bỏ Việt Nam ngày tôi vừa tròn 20 tuổi…

Chiếc máy bay thét gầm rồi nhấc bổng tôi lên trời cao.  Tôi bật khóc. Cả một đòan người đang ngồi lặng im trong lòng chiếc tàu, cũng vỡ òa lên khóc theo tôi…

                                                                                 Bảo Trân (22/4/75)