à

 

 
 
 

 

Nhà anh và nhà tôi ở sát nhau, cách nhau một cái dậu mồng tơi xanh dờn y như lời một nhà thi sĩ nào ngày xưa đã tả. Nhưng không những là chỉ cách nhau một cái dậu mồng tơi thôi mà còn cách nhau một giàn hoa thiên lý nữa, để chiều chiều tôi ra ngồi dưới giàn hoa thiên lý ngắm mấy chùm bông vàng nhạt đong đưa trong gió và nghe tiếng hát nho nhỏ " …ý a tơ hồng, lễ tơ hồng cùng nhau…" của anh vọng xuống từ cánh cửa sổ trên lầu.
 
Hai gia đình tôi và anh đã quen thân nhau từ lâu lắm, có lẽ từ lúc gia đình tôi mới dọn về xóm nhỏ. Ngày đó, tôi vừa lên bốn tuổi, và má đang có mang Kim Trúc. Bố tôi và ba anh tâm đầu ý hợp với nhau, nên mỗi chiều thứ bẩy, sau bữa cơm, hai ông thường bắc ghế ra ngồi trong một góc sân, gần mấy gốc mai vàng và giàn hoa thiên lý, để khề khà ly chú, ly tôi và bàn chuyện quốc sự với nhau.

Anh lớn hơn tôi ba tuổi, cái đôi tuổi nằm trong cung mạng tứ hành xung, cho nên dù có thích tôi cách mấy thì bác gái vẫn ngại ngần. Bác trai cũng ưa tôi, vì tôi hiền lành, ngoan ngoãn. Tuy bác gái có vẻ ngại ngần nhưng bác trai vẫn mong muốn có một ngày tôi trở thành…con gái nuôi của bác. Bác hay chở tôi, anh, và đứa em gái của anh, nhỏ Hạnh, đi hóng gió ở bến Bạch Đằng. Bác chỉ có một cái xe Lambretta nho nhỏ, chỉ vừa đủ ba chỗ ngồi vậy mà bác cũng ráng chở tôi theo. Tôi và nhỏ Hạnh ôm chặt nhau ngồi đằng sau lưng bác, còn anh thì phải ngồi thụp xuống ở cái chỗ trống để chân gần tay lái. Đến nơi rồi thì bác thả cho mấy anh em đi chơi lòng vòng ở gần bờ sông, còn bác ngồi vắt vẻo trên yên xe, phì phèo điếu thuốc trên môi, nhìn theo, chờ đợi. Mấy anh em vừa đi lang thang, vừa xé chia nhau mấy miếng khô mực nướng, cán mỏng, chấm tương ớt đỏ cay xé lưỡi, hít hà.
 
Hồi nhỏ, lúc khỏang chừng tám, chín tuổi, tôi hay theo anh đi chơi tạt lon, đá dế với mấy đứa trẻ hàng xóm. Nhưng cứ hễ thua là tôi khóc, dỗi không thèm chơi tiếp, bắt anh phải dỗ một hồi lâu. Anh vò đầu, bứt tóc, mắng mỏ tôi là con nhỏ nhè, còn dọa lần sau không thèm cho tôi đi theo chơi chung nữa.
 
Tôi hay gọi anh bằng "mày", như tôi vẫn gọi bọn thằng cu Định, cu Giao ở kế nhà anh. Bác Viễn có lần nghe được đã trợn mắt la lớn:
- Con nhỏ hơn anh Phước, thì con gọi anh Phước là anh, xưng em mới phải chứ, như ba con gọi anh, xưng em với bác vậy.

Nghe bác la, tôi sợ nên không dám gọi anh bằng "mày" nữa. Vả lại, bố tôi cũng đồng ý với bác - "Đúng rồi, không được gọi anh bằng mày" - làm tôi quê quá, nhưng tôi vẫn chỉ gọi anh trống trơn với cái tên – Phước – và xưng em.

Mấy năm sau khi mua nhà, ông nội cho xây gọn lại mấy khỏanh đất trồng cây ở sân trước thành những bồn hoa thấp cách hàng rào khỏang nửa thước, rồi cho tráng xi măng hết phần đất còn lại quanh vườn để chị em tôi có chỗ chơi khỏi phải chạy ra đường. Lúc này, tôi vừa thi đậu vào Gia Long, bắt đầu khóac lên người chiếc áo dài trắng thướt tha của một cô nữ sinh trung học. Tôi có vẻ yểu điệu thục nữ hơn ra, nên tôi không còn đi theo anh tạt lon, đá dế nữa. Mấy chị em tôi và mấy đứa bạn hàng xóm: Tố Phượng, Cẩm Loan, cu

Định, cu Giao tụ họp nhau lại trong sân nhà tôi để tập kịch, đóng tuồng, hát cải lương. Anh cũng không ngần ngại tham gia với đám bạn bè của con nhỏ khóc nhè, với một điều kịên phải cho anh tòan quyền lựa chọn vai tuồng.

Bọn tôi tập đóng mấy cái tuồng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Hoa Mộc Lan, Sơn Tinh - Thủy Tinh… rồi diễn cho mấy đứa nhỏ trong xóm coi. Mà trong cái tuồng hát nào thì anh cũng dành đóng vai chánh cặp với …tôi. Nếu tôi làm Chúc Anh Đài thì anh sẽ thủ vai Lương Sơn Bá. Tôi mà đóng vai Hoa Mộc Lan thì Lý Quảng không ai khác hơn là anh. Còn khi tôi đóng vai Mỵ Nương công chúa thì thằng cu Định phải biết khôn nhường vai Sơn Tinh lại cho anh.

Anh thích hát lắm. Đôi khi anh hát những bài hát ngăn ngắn của hướng đạo, những bài hát anh vẫn tập cho bọn Sói con của anh mỗi cuối tuần. Có lúc thì anh hát những bản tình ca. Nhưng cái bài hát mà anh hay nghêu ngao nhất là bài hát "Lý Ngựa Ô". Hình như ngày nào anh cũng phải …"khớp con ngựa Ô" ít nhất là một lần. Và hình như ngày nào tôi cũng được nghe tiếng hát anh vọng sang "… là đưa ý a anh đưa nàng, anh đưa nàng dìa dinh, … rằng a ý a tơ hồng, lễ tơ hồng cùng nhau…" Hôm nào vắng tiếng anh hát thì cô tôi vẫn đứng bên sân nhà gọi với sang:
- Cu Phước đâu rồi, sao bữa nay không nghe mi hát …khớp con ngựa, ngựa Ô? 

Ngày anh phải trình diện nhập ngũ, tôi, nhỏ Hạnh và mấy đứa em tôi đưa anh đến cổng Quân Vụ Thị Trấn. Anh đứng tần ngần mãi trước cổng trại nhìn sang bên này đường, chỗ mấy đứa tôi đang đứng mà vẫn chưa chịu bước vào. Anh vẫy tay ra hiệu cho mấy đứa tôi đi về, nhưng vẫn đứng yên tại chỗ nhìn theo một đỗi rồi mới quay gót.

Lá thư đầu tiên anh gửi về cho tôi từ quân trường Thủ Đức, anh nhắc đến buổi chiều đưa tiễn anh đi. Anh bảo: - " Nhìn dáng em nhỏ nhoi bên kia đường, với nét u buồn mà nước mắt anh rưng rưng… "

Anh hỏi tôi có theo bác lên quân trường thăm anh một cuối tuần nào đó hay không ? Tôi ngại ngần không dám viết thư trả lời, cũng không dám đi thăm. Tôi có cảm tưởng như là cái tình anh em hàng xóm của tôi đang có một chút gì …vương mắc. 

Không đi thăm anh được, nên tôi gởi bác gái đem lên quân trường cho anh một quyển truyện để anh đọc trong những lúc rảnh rỗi. Tôi đi vào tiệm sách Khai Trí, tìm hòai cũng chẳng biết mua quyển truyện nào. Tôi chợt nhớ hồi anh còn ở nhà, có lần tôi nghe anh nói anh thích quyển "Uyên Ương Gẫy Cánh" nên tôi chọn quyển này làm quà cho anh . Bác gái cầm quyển truyện, nhìn tựa đề mà nét mặt không vui, nhưng bác vẫn phải trao quyển truyện đến tận tay anh. Nhỏ Hạnh nói, anh giữ kè kè quyển truyện bên mình, để đêm đêm anh đem ra gối đầu nằm…

 

Anh ra trường, bị đổi ra tuốt tận miền Trung, đến một vùng đất khô cằn sỏi đá. Thỉnh thỏang được về phép, anh vẫn ghé sang nhà thăm tôi. Lần đầu gặp lại anh, nhìn anh đen đúa, tóc cắt cụt thun lủn tôi đã tủm tỉm cười trêu anh:
- Nhìn anh sao chán quá, sao cứ giống in như mấy ông sắc tộc vậy đó, hết cả rồi nét thư sinh nho nhã.

Anh cũng cười nheo mắt bảo tôi:
- Mai vàng sáng chói đó nghen, cũng có giá lắm chứ chẳng chơi đâu. Dưới tay anh biết bao là lính đó, đừng có dễ ngươi cô nương ơi. Thế nào, em gái hậu phương nhè có muốn đi dạo phố với anh lính rừng này không đây? 

Tháng 4 năm 1975, ngày gia đình tôi rời xóm nhỏ để sửa sọan băng mình vào một cuộc sống tha hương, thì bác gái vẫn chưa liên lạc được với anh. Bác gái khóc sưng húp cả đôi mắt vì hơn tháng trời bặt vô âm tín. Lúc Quảng Ngãi bị xóa tên trên bản đồ miền Nam, anh đang đóng ở Sa Huỳnh. Đang lo âu thì bác nhận được điện tín báo tin anh về đến Phan Rang bình an. Chưa kịp mừng vui thì chiều ngày hôm đó lại được tin Phan Rang thất thủ. Mỗi buổi sáng, bác lặn lội lên tận bộ tư lệnh để nghe ngóng tin tức mới rồi trở về sì sụp cúng vái ở mấy cái chùa, mấy cái miễu, mấy cái đền quanh nhà cầu cho anh được yên lành, mau chóng trở về nhà.

***

Hai năm trước tôi có về thăm lại xóm nhỏ, thăm lại căn nhà thời thơ ấu ngày xưa. Người chủ mới đã đốn hết giàn hoa thiên lý và phá mất cái dậu mồng tơi. Người ta cũng đào quăng hết mấy gốc mai vàng, đập hết mấy cái bồn hoa, tráng bằng hết mảnh sân, rồi lót gạch đá hoa cho sạch sẽ. Tôi nhìn khỏanh đất nhỏ của căn nhà cũ láng cóong gạch đá hoa mà không ngăn được giòng nước mắt tuôn rơi.

Tôi ghé thăm gia đình anh. Bác trai đã mất, còn bác gái thì vẫn mạnh khỏe, minh mẫn như ngày xưa, chỉ khác là mái tóc đã trắng như bông. Nhỏ Hạnh đã theo chồng về Pháp, giao cho anh trọng trách chăm nom mẹ già. Anh chỉ mới ngòai năm mươi mà dấu chân chim đã chất chồng trên đuôi mắt. Anh trầm tư, lặng lẽ, không còn có vẻ linh họat như ngày nào hát bài "Lý Ngựa Ô". Tiếc nuối gì nữa nhỉ, tôi và anh đã đều quá tuổi "Tri Thiên Mệnh" mất rồi.

Hai anh em ngồi ôn lại những kỷ niệm tạt lon, đá dế, tập kịch năm nào mà cười ra nước mắt. Anh nhắc lại những cái tên quen của lũ trẻ hàng xóm ngày xưa mà giờ này đều quá tuổi năm mươi. Cẩm Loan bây giờ đang ở bên Úc. Gia đình con nhỏ vừa được chị Hồng Thắm của nó bảo lãnh sang Úc mấy tháng trước đây. Tố Phượng thì theo chồng về miền Hậu Giang, hai vợ chồng nó đều phải đi dạy học đêm ngày mới cỏ đủ miếng ăn. Cu Định đã học xong ngành hóa, ra trường không được bao lâu thì tử nạn trong giờ làm việc khi phòng thí nghiệm bị nổ tung. Cu Giao thì may mắn được chính quyền mới trọng dụng, đang giữ một công việc điều hành khâu xuất nhập cảng quốc doanh.

Trước khi giã từ ra về, tôi hỏi trêu anh:
- Sau này anh còn hát bài "khớp con ngựa, ngựa ô…." nữa không?

Anh chỉ mỉm cười không đáp. Thằng con nhỏ 13 tuổi của anh lanh chanh xen vào: 
- Ủa, ba con biết hát sao cô? Vậy mà từ nào tới giờ con đâu có nghe ba con hát được trọn một bài hát nào đâu! Những buổi chiều trời hơi lành lạnh, như buổi chiều hôm nay vậy đó, con thấy ba con ngồi bên cửa sổ nhìn trời mông lung mà hát đi hát lại hòai có mỗi một câu … "Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi…"

 

Bảo Trân (5/06)