Ngày đó, má phải dọn ra khỏi nhà ông bà nội chỉ vì một cái tội - không biết đẻ con trai, nhưng lại không bằng lòng cho bố lấy vợ bé. -

Bà nội đã đay nghiến má:

-  Họ nhà chúng tôi hai bên nội ngọai, trên dưới gì cũng nhiều con trai hơn con gái.  Bên nhà tôi ba anh chị em, cũng chỉ có mình tôi là gái.  Bên ông có hai bà, mà bà nào cũng năm, sáu cậu con trai.  Chị thấy cô Tú Trân nhà tôi không?  Lấy chồng năm trước, năm sau đã có thằng Anh Tuấn.  Tôi không hiểu tại sao từng ấy năm chị đẻ chỉ toàn là con gái, có phải vì máu huyết của chị không được tốt chăng? Trưởng ngành thì còn du di được nhưng anh ấy là trưởng tộc, không có con trai thì mang tội với tổ tiên.  Chị có biết cái tội vô hậu là một cái tội trọng đại không?  Anh ấy phải lấy vợ khác cho chúng tôi còn có cháu đích tôn để nối dõi tông đường.

Má đã yếu ớt chống đỡ:

-  Bên nhà con cũng ba anh em trai, chỉ có mình con là gái.  Cả bên bác con nữa, cũng đâu có ít con trai.  Me cho con thêm một thời gian, hy vọng đứa sau này sẽ là trai.

Má thút thít:

- Dám hỏi me xem có thấy vợ nào vui khi phải chia ân sẻ ái với người khác hay không?  

Nhưng má có khóc lóc, năn nỉ cách mấy thì bà nội cũng không lay chuyển ý định cưới vợ bé cho bố.  Đã từ lâu ông bà nội không còn muốn có mặt má ở trong nhà ông bà nội nữa, nhất là từ sau cái ngày ông bà cưới hụt cho bố cô Tuyết, cô con gái duy nhất của bà chủ bố, một bà góa phụ có hãng làm nồi nhôm giàu có ở gần chợ Bình Tây.   

Bố đứng giữa mẹ và vợ, không biết phải giải quyết bằng cách nào.  Đúng ra thì một đôi khi, bố cũng đã rất mềm lòng với lời khuyến dụ của bà nội.  Vả lại, từ đời ông cố trở lên, cái việc có hai, ba gian nhà khác biệt nhau trong cùng một vuông đất đã là một việc rất bình thường.  Nhưng bố cũng cảm thấy bất nhẫn khi má là người mà bố đã cố tranh đấu với bà nội tam tứ phen để xin cưới.  Bố nghĩ, chỉ có một cách duy nhất là phải thoát ly ra khỏi nhà ông bà nội thì má mới được yên thân, nên bố lẳng lặng xin thuyên chuyển từ Sài Gòn ra Dục Mỹ, với ý định là sẽ đem má với mấy chị em tôi ra theo, sau khi bố đã sửa sọan xong nơi ăn chỗ ở.  

Việc bố xin thuyên chuyển xa nhà làm bà nội nổi trận lôi đình.  Bà bắt bố phải làm đơn xin ở lại Sài Gòn, nhưng không thể được vì giấy tờ bổ nhiệm đã được ký xong.  Bà nội đổ nghiệt cái tội bố phải đi xa nhà cho má.  Thêm vào đó, cô Tú Trân của tôi, bây giờ đã có thêm thằng Anh Tú,  vẫn thường xuyên đem mấy đứa nhỏ về nhà cho bà nội nâng niu, cũng đã xui bẩy bà nội:

- Hay là để chị cả ra ngòai ở một thời gian cho nó thay đổi máu huyết.  

Một tuần lễ trước ngày má phải dọn đi, bà nội đã cho người sang bên nhà bác ruột của má để nhờ đưa tin ra Quảng Ngãi cho bà ngọai.  Vừa nhận được tin là bà ngọai lập tức mua vé xe về.  Về đến Sài Gòn, không kịp nghỉ ngơi là bà ngọai đã tức tốc cùng bà bác đến nhà bà nội để thương lượng.  Mấy bà đã nói chuyện thật lâu ngòai phòng khách.  Câu chuyện ban đầu có vẻ nhẹ nhàng nhưng sau đó thì mọi người mất hết vẻ điềm tĩnh, giọng bà nội và bà bác dâu của má trở thành gay gắt.  Hai bà Bắc Kỳ dùng những lời lẽ dịu dàng nhưng cực kỳ cay đắng để đối chất nhau, trong lúc bà ngọai chỉ ngồi im nghe, tiếng được tiếng không và khóc.  

Sau nhiều giờ đồng hồ nói chuyện mà cũng không xoay chuyển được tình thế, bà bác dâu đành xách vali của má ra xe taxi. Còn bà ngọai thì cố gắng gỡ tay má từ mấy đứa con ra để dìu má đi, nhưng má cứ trì níu lại vì không nỡ rời con.  Tôi và Kim Lan đứng trong khung cửa sắt hàng rào khóa kín, mếu máo nhìn theo chiếc xe taxi chở bà ngọai, bà bác và má khuất dần, trong lúc Kim Trúc khóc ngất từng hồi trong tay bà nội.

*

Bà nội đã không ưa má từ cái ngày đầu tiên bố về xin cưới má.   Bà không thích cái quá khứ quan quyền của bên nhà ngọai.  Ông ngọai và bác Tế Di, con người cậu họ của má, đều là những người có chức tước của chính quyền Trung Hoa Quốc Dân Đảng.  Trong khi nhà bên ông nội, bà nội thì từ hồi mấy ông cố tổ dời cư sang Bắc Việt, chỉ tất bật với những cơ sở thương mại.  Bà nội đã bảo bố:

- Con người ta là con nhà quan, nhà mình là nhà làm ăn, anh rước về thì làm sao mình đủ sức cung phụng.

Nhưng thật tình thì cái lý do duy nhất để bà nội không đồng ý cho bố lấy má là vì má sẽ không về nhà chồng với một món hồi môn như bà mong muốn.  Ý của bà nội là muốn có một cô con dâu đem về số hồi môn tương đương như ngày bà nội xuất giá.   Ngày đó, ngòai phần tài sản được chia chung với các anh em, quà hồi môn của bà nội trong ngày vu quy đã được chất đầy trên mười chiếc xe kéo, được thuê chở đi vòng ba mươi sáu phố phường Hà Nội cho người chung quanh hàng phố ngắm.

Từ lâu, ông bà nội đã có của ăn của để, lúc nào trong nhà cũng có ít nhất là hai người giúp việc.  Bố và mấy cô, mấy chú, mỗi người đều có riêng một u em từ thuở mới lọt lòng mẹ.  Từ sau khi cha mẹ mất, bà nội vẫn phụ với hai ông cậu trông coi một cái khách sạn nhỏ ba tầng, gia sản của cha mẹ để lại cho mấy anh em.  Cái khách sạn nằm trong khu thị tứ, có một tiệm ăn ở ngay tầng thứ nhất chỉ để phục vụ lữ khách của riêng khách sạn.  Còn ông nội thì có một công việc làm riêng. Nhờ vốn liếng Tây học vững vàng, nên ông nội đã được một người bạn của ông cố giao cho chức giám đốc một kho hàng nhập cảng quần áo thể thao đem từ bên Pháp sang.
  
Vì có tiền có của, nên bà nội coi thường bên nhà ngọai, bà nội không muốn cho bố cưới má.  Cái người mà bà nội đang ngắm nghé cho bố là cô Bích Hà, con gái độc nhất của ông bà Phán ở hàng Đào.  Hai ông bà đang làm chủ một cửa hàng lớn ở ngay phố chính và còn có thêm một lô điền sản ở Bắc Ninh.  Cuối cùng bố phải nhờ bà mợ út đến rỉ tai bà nội là bố sẽ bỏ nhà đi theo bộ đội kháng chiến nếu bà nội nhất định không cho cưới má.  Bà nội sợ bố bỏ đi kháng chiến thật nên đành phải bằng lòng.

Tội cho gia đình ông ngọai, vào thời gian đó đã gần như khánh kiệt, nên đâu còn gì đáng giá cho má đem theo làm của hồi môn!  Số là sau khi tốt nghiệp kỹ sư công chánh từ Pháp về, ông ngọai sang Cam Bốt để phụ trách việc phá núi, làm đường.  Tại nơi này, ông ngọai đã được chính quyền Trung Hoa Quốc Dân Đảng liên lạc để nhận công việc làm người đại diện cho Trung Hoa ở tại xứ Chùa Tháp.  Và cũng tại nơi này ông đã gặp bà ngọai, đang hăng say họat động cho Quốc Dân Đảng với chức vụ Hội Trưởng Hội Phụ Nữ Cứu Quốc.  Đồng chí, đồng tâm, nên ông bà ngọai đã kết hôn với nhau một năm sau ngày gặp gỡ.  Má và cậu Đạt Tường đã được sinh ra ở Phnom Penh. Ông bà ngọai ở tại xứ Chùa Tháp làm việc cho Quốc Dân Đảng nhiều năm, chỉ có khác biệt là ông ngọai được ăn lương thực thụ còn bà ngọai thì vẫn làm việc với tính cách tự nguyện như những ngày đầu. 

Cho đến một ngày của năm 1941, lính Nhật đã thình lình đem súng ống đến vây tòa lãnh sự để tìm bắt ông ngọai, nhưng họ đã không gặp được ông ngọai, vì ông đã cùng gia đình vào chơi trong thành vua để thăm người bạn vương giả đang thất chí.  Được tin dữ, người bạn này đã cấp xe, cấp ngựa, cho người đưa gia đình ông ngọai chạy trốn vào rừng lánh nạn rồi vòng qua ngả Ai Lao để về Hà Nội.
 
Sau khi về đến Hà Nội, ông ngọai lại được chính phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng tìm đến thương lượng để đưa ông bà ngọai trở về Quảng Châu làm việc.  Nhưng bà cố đã khóc lóc ngăn cản vì không muốn cho ông ngọai dấn thân vào vòng binh lửa nữa.  Bà cố viện cớ má và cậu Đạt Tường vẫn còn nhỏ tuổi, cần có ông ngọai để nương tựa.  Phần bà ngọai, tuy có háo hức vì được trở về quê cũ nhưng cũng e dè vì tình hình chiến tranh càng ngày càng trở nên nghiêm trọng.  Vả lại, trong chuyến đi lần này thì ông bà ngọai sẽ không thể đem theo má và cậu Đạt Tường, mà để lại cho ông bà cố nuôi thì bà ngọai không đành lòng.  Cuối cùng, ông bà ngọai đã lựa chọn con đường ở lại Việt Nam.  Bà ngọai cố gắng để làm quen với khung cảnh mới, ngôn ngữ mới, và ông ngọai đã phải chịu giam mình trong bốn bức tường rào kín trong suốt mấy năm trường.

Một ngày đầu năm, chán nản với cảnh tù túng nên ông ngọai đã lần ra đầu phố để xem người trẩy hội.  Và không may cho ông, đã bị một điềm chỉ viên nhận diện, vì tên tuổi, hình ảnh của ông ngọai vẫn còn nằm trong danh sách truy tầm của chính phủ Nhật từ sau ngày bắt hụt ông trong Kinh Thành Bạc.  Trong chớp nhoáng, đội quân Nhật đã vác súng ống đến vây nhà ông cố, và ông ngọai đã bị chúng bắt đi.  Ông ngọai đã bị giam giữ trong tù nhiều ngày tháng, và đã chịu đủ mọi thứ cực hình tra tấn.  Có lần quân Nhật đã đánh ông bằng roi da tàn nhẫn đến nỗi máu thấm ướt cả bộ quần áo ông mặc trên người. Ngày đó, ông cố đã phải bán đi một phần lớn tài sản để mong chuộc ông ngọai về từ tay chính phủ Nhật Bản, vậy mà ông ngọai chỉ được thả ra vài tháng trước ngày bác Tế Di đem quân đội Trung Hoa về Hà Nội tiếp thu.

*

Má về nhà bố mà bà nội không vui.  Nhà có người làm, nhưng đến bữa ăn, dọn cơm xong là bà nội thường sai đi làm việc khác.  Má ngồi ở một góc đầu bàn ăn, gần nồi cơm, sới cơm khắp lượt cho từng đó người trong nhà rồi mới được rảnh tay ăn.  Má chỉ biết nuốt những giọt lệ thầm lặng vào lòng, chờ đến tối chúi vào một góc buồng để khóc, để ngẫm nghĩ đến lời người chị con bác, Hà Châu, đã cảnh cáo.

Sở dĩ dì Hà Châu ngăn cản má là vì dì Hà Châu biết rõ về gia đình bố từ hồi bố còn học chung với cậu Phát Tường, anh kế của dì Hà Châu.  Sau này tuy đã chuyển sang học ở Albert Sarraut nhưng thỉnh thỏang bố vẫn đến nhà cậu Phát Tường rủ cậu đi chơi đá banh.  Ban đầu dì Hà Châu cũng thích bố lắm, vì ngày còn thanh niên bố hay tập thể thao nên thân hình cân đối, tuy bố không đẹp trai nhưng khuôn mặt vẫn có những nét ưa nhìn.  Dì hay làm bộ mượn bố sách vở đọc thêm rồi rủ má đi đến nhà bố trả sách.  Nhưng bố không thích dì Hà Châu vì dì Hà Châu điệu hạnh quá, đanh đá quá.

Hồi đó, lủi thủi ở nhà một mình buồn nên má hay đi sang nhà bác chơi với mấy chị em gái*.  Bố gặp má thường xuyên ở nhà dì Hà Châu, và những lần má theo dì Hà Châu đến nhà bố trả sách.  Và bố đã lân la làm quen.  Lúc mới biết chuyện, dì Hà Châu đã cười khúc khích bảo má: 

- Tao nhường nó cho mày, tao có anh chàng khác ngon lành hơn đang theo đuổi tao, và mẹ anh chàng  cũng có vẻ thích tao lắm.

Nhưng sau khi biết má thật sự muốn lấy bố thì dì Hà Châu đã hết mực cản ngăn: 

- Mẹ nó khắc nghiệt lắm, mắng mỏ người làm không thương tiếc, lấy nó mày sẽ khổ, tao đã chạy trước mà mày còn dám chui vào.  

Tuy biết má buồn nhưng lúc ban ngày ở trước mặt ông bà nội bố cũng chỉ dám …làm lơ.  Bố chờ đến buổi tối vào buồng nằm rồi mới dỗ dành má bằng cách đọc cho má nghe những bộ truyện kiếm hiệp: Giao Trì Hiệp Nữ, Tiểu Hiệp Phục Thù, Nữ Bá Vương v.v… những quyển truyện mà bố đã ký ca ký cóp từng đồng để mua.   Má nằm gối đầu trên cánh tay bố, chăm chú nghe cái đọan anh chàng Đòan Thạch Cương giả gái, lập mưu bị cướp để vào tận trong hổ huyệt, với mục đích tìm cách bắt sống nữ chúa Bạch Lê Hoa của động Giao Trì.  Anh chàng đã ngủ chung giường với cô em kết nghĩa của nữ chúa là Tang Bạch Yến cả bao nhiêu ngày mà cô nàng cũng không biết chàng là gái giả trai.  Má tưởng tượng đến cái lúc cô nàng kinh hồn thất vía khi nhận ra chân tướng của anh chàng.  Má cười khúc khích mà quên hết những giọt nước mắt thầm lặng ban ngày.

*

Di cư vào Nam rồi thì má còn khổ thêm hơn nữa vì hòan cảnh gia đình sa sút.  Bà nội và các ông cậu trắng tay vì mất hết sản nghiệp trong chiến tranh.  Còn ông nội thì được ông chủ cũ thuyên chuyển vào làm phụ tá giám đốc cho một chi nhánh xuất nhập cảng của ông ở trong Nam, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi ông nội cũng bị thất nghiệp khi người bạn của ông cố đóng cửa hãng hồi hương.  Ông nội phải đem cả gia đình lên Bảo Lộc dựng lại cuộc đời mới theo chương trình cải cách dinh điền của chính phủ.  Ở Bảo Lộc được vài tháng, vì không chịu nổi cảnh sơn lam chướng khí nên cả gia đình đành dắt díu nhau về lại Sài Gòn.  Tìm không ra việc làm, và vì tiếc hối cái quyết định không đi theo người chủ cũ sang Paris lập nghiệp nên ông nội trở thành khó khăn, bẳn gắt.  Ông mượn rượu giải sầu, không thèm ngó ngàng gì đến gia đình.  Má phải lo quán xuyến hết mọi việc trong nhà để bà nội rảnh rỗi tìm cách bán buôn.  Mãi đến một thời gian sau cuộc sống gia đình tôi mới được ổn định, khi bố đã xin được việc làm ở một hãng nhôm gần chợ Bình Tây, và cô Tú Trân cũng được nhận vào làm trong hãng điều chế dược phẩm.  Còn ông nội thì phải mất một thời gian khá dài mới đỡ khó khăn sau khi ông tìm được việc làm thích hợp,  phụ lo kết tóan sổ sách cho ông cậu em bà, lúc này đang trông coi một khách sạn hạng trung ở trên đường Trần Hưng Đạo chuyên cho quân đội đồng minh thuê dài hạn.   

Sau khi sinh tôi, má sinh thêm Kim Lan, rồi Kim Trúc.  Theo gia phả từ đời ông cố tổ, để cho anh em họ hàng lỡ có lưu lạc dễ nhận biết nhau, nên tên đệm của các con cháu đựơc xoay vần theo thứ tự của hai câu thơ: Quốc Bảo Hồng Phúc và Kim Ngân Cẩm Tú. Các cô tôi là Tú Trân, Tú Châu, tòan là trân châu quí giá.  Đến đời tôi thuộc vào chữ Kim, ông nội lại tìm tên hoa quí đặt cho cháu nội.  Tôi là Kim Mai, em kế tôi là Kim Lan.  Đến Kim Trúc thì ông bà có vẻ nóng ruột vì đang mong một đứa cháu nội trai nên ông không dùng tên hoa nữa.  Ông đặt tên Trúc cho có vẻ giống con trai - quân tử trúc -. Kim Trúc là tên trong khai sinh, nhưng ở nhà thì ông bắt gọi Thanh Thanh, có nghĩa là thanh bạch, sạch sẽ.  Ý ông muốn là sau đứa con gái này thì chấm dứt, sạch sẽ, bố không có thêm một đứa con gái nào nữa.

Tôi là đứa cháu đầu tiên nên được cưng chiều.  Tiệc mừng thôi nôi của tôi được bày ở Sài Gòn và cả ở Phnom Penh. Vừa lên một tuổi tôi đã được xuất ngọai.  Bà nội tháp tùng bố má đưa tôi sang trình diện với mấy ông Bang Trưởng đã làm việc với ông ngọai ngày xưa hiện đang chọn xứ Chùa Tháp này làm quê hương.  Tiệc mừng thôi nôi của Kim Lan tuy không được tổ chức trang trọng như tiệc thôi nôi của tôi, nhưng bà nội cũng sửa lễ cúng Trời Đất, tạ ơn mười hai bà mụ, cho bày tiệc trong vòng thân thuộc và chia thịt quay, trứng đỏ khắp họ hàng, bà con chòm xóm.

Đến phiên Kim Trúc, bà nội giận má sinh con gái nữa nên không cho Thanh Thanh được phép làm đầy tháng, đầy năm, không cho mua cả quần áo mới mừng thôi nôi.  Thấy tội nghiệp em nên má đưa tiền dành dụm nhờ mấy bà hàng xóm mua cho Thanh Thanh một cái lắc vàng 24k đeo tay nho nhỏ có khắc hai chữ bình an, và vài bộ quần áo mới đem đến nhà bà nội ngày đầy năm của em giả bộ làm quà mừng.

Nhưng Trời không chiều theo ý ông nội, hai năm sau má lại mang thai.  Tuy em đã không ở lại với má cho đến trọn ngày trọn tháng nhưng cũng đủ lớn để có thể nhận rõ hình dạng của một đứa con gái.  Ngày má vào nhà thương đem em ra, bà bắt bố phải ở nhà trông ba đứa con.  Cô Tú Trân đưa má vào bịnh viện, chờ công việc xong xuôi, má ra đến phòng nằm rồi là cô phải về nhà.  Má ngồi mân mê cái hộp đựng hình hài em trong tay chờ chú lao công bịnh viện đến đem đi…chôn mà không ngăn được giòng nước mắt.  Khi chú lao công đến, má đưa cho chú một ít tiền để mua cho em một vài nén nhang và một cành hoa trắng. Chú lao công cầm cái hộp hỏi:

- Bà có muốn đặt tên cho em không?

Má lắc đầu mà nước mắt vẫn lăn dài trên đôi gò má.  Chú lao công nói:

-Thôi, đặt cho em tên là Thu Ba, bà nhá.  

Má khóc từ ngày đầu tiên bước chân về nhà chồng, và còn khóc nhiều ngày sau đó nữa.  Má nói chắc tại ông nội má đặt cho má cái tên Lệ Châu nên nó vận vào người.  Nếu bên nội tôi đặt tên con cái theo cùng một chữ đệm thì bên ngọai đặt con cái theo cùng một cái tên.  Các cậu tôi và anh em con nhà chú, bác có cùng một cái tên Tường: Nguyên Tường, Phát Tường, Đạt Tường, Thanh Tường, Khang Tường, Hòang Tường, Hậu Tường.  Má và các dì có cùng một cái tên Châu: Hải Châu, Hà Châu, Lệ Châu, Bích Châu, Ngọc Châu. Cái tên của má cũng như cô Tú Châu của tôi là cái tên châu, tên ngọc, và má cứ rơi hòai những giọt ngọc, giọt châu!

*

Bà ngoại muốn đưa má về Quảng Ngãi để mẹ con hủ hỉ với nhau nhưng má không chịu.  Má muốn ở quanh quẩn Sài Gòn để có dịp thăm nom mấy đứa con. Bà ngọai đành phải chiều theo ý má.  Bà ngọai đưa má vào Chợ Lớn, gởi má đến ở với một người bạn cũ  có nhà cho thuê ở trên đường Ngô Thời Trung rồi lại quay quả trở về Quảng Ngãi vì công việc ở mấy cái lò đường, lò kẹo mạch nha đang chờ.  

Người bạn của bà ngọai, A Mấu, có căn nhà hai tầng chia thành nhiều phòng nhỏ cho thuê. Bà chuyên nghề nấu cơm tháng, và nấu luôn cho mấy người ở thuê nên cũng tiện lợi. Má ở tầng thứ nhất, căn phòng phía trong gần bếp.  Căn phòng ngòai gần đường là của hai vợ chồng trẻ làm hãng dệt thuê.  Ở giữa hai căn phòng là một cái phòng nhỏ, A Mấu dùng làm phòng ăn.  A Mấu để một cái bàn dài đủ cho từng đó người ở trọ ngồi ăn chung với nhau.  Gia đình A Mấu ở tầng hai, cũng có hai phòng ngủ cho hai vợ chồng A Mấu và hai đứa con gái Ngọc Linh, Ngọc Diệp, và một căn phòng khách ở ngòai cùng.  Phía bên kia cầu thang tầng hai cũng có một phòng nhỏ cho hai chị em ở miền Tây lên học may thuê.  Một phần trên của gian bếp là cái gác xép ngăn đôi, phần trong dành cho người phụ bếp với A Mấu ngủ, phần ngòai là chỗ để trữ gạo và thức ăn khô.

Má ở nhà A Mấu, theo người em họ A Mấu học buôn bán.  Má lấy hàng sỉ của những người có hàng nhập cảng từ các nước Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản rồi đem ra thương xá Tax, Tam Đa bỏ mối.  Trước thì má chỉ bỏ mối quần áo dệt, thêu, may nhưng sau đó má lại chuyển sang làm môi giới những món nữ trang: ngọc trai, cẩm thạch, hột xòan.  Dần dà rồi đời sống của má cũng vững vàng, má có dư tiền để mua đồ chơi, quần áo cho chị em tôi.

Cứ mỗi chiều chủ nhật cuối tháng, cô Tú Trân đưa chị em tôi ra vườn Tao Đàn gặp má.  Má luôn luôn ngồi sẵn ở chỗ hẹn, trên thảm cỏ gần gốc cây hoa tím đợi chờ.  Má đã trải sẵn cái khăn carô đỏ bằng nylon để chúng tôi ngồi chơi cho khỏi bẩn quần áo.  Giao chúng tôi cho má xong là cô Tú Trân lẳng lặng ra một cái băng ghế đá gần đó ngồi đọc sách nhưng vẫn không quên thỉnh thỏang liếc nhìn lại phía má con tôi để xem chừng.  Mấy má con tôi líu ríu với nhau trong một góc vườn hoa. Má chia cho Kim Trúc, Kim Lan những món quà nho nhỏ và cho tôi mấy quyển sách thiếu nhi. Mấy má con ngồi ăn chung với nhau những cái bánh bía nhân đậu đỏ, hạt sen nóng hổi.

Kim Trúc và Kim Lan tranh nhau kể cho má nghe những chuyện vui buồn chúng đã giữ trong lòng suốt cả một tháng nay.  Má vuốt tóc Kim Lan, dặn dò phải ngoan, đừng làm ông bà, cô chú giận, rồi phải đòn.  Má ôm Kim Trúc vào lòng, chải lại cho em mái tóc, thắt lên những cái nơ xanh đỏ có hình con bướm, chùm hoa.  Kim Trúc nũng nịu:

- Mấy hôm trước em nóng.

Má hốt hỏang: 

-  Em ốm hả?

Kim Trúc gật đầu:

- Bà chườm nước đá cho em, nhưng em không có đi bác sĩ, em sợ chích đau.

Má ôm em vào lòng xít xoa:

- Tội nghiệp con tôi, tội nghiệp con tôi.
           
Tôi nằm sấp trên tấm khăn nylon, chống cằm trên hai tay lơ đãng nhìn trời.  Tôi không nói gì nhiều với má ngòai những lời thăm hỏi thường lệ:  

- Má có khỏe không?  Việc buôn bán thế nào rồi? 

Tôi biết nếu nói nhiều hơn nữa là tôi sẽ khóc. Từ lúc má ở nhà, tôi vẫn mang tiếng là ít ăn, ít nói.  Sau khi má đi rồi thì tôi lại càng lầm lì hơn.  Mấy cô gọi tôi là con câm, hay là con cóc.  Khi nào con cóc mở miệng thì trời sẽ mưa to.   Những lúc sau này, tôi chỉ nói chuyện với quyển nhật ký của tôi.  Tôi không viết gì nhiều, tôi chỉ ghi lại những việc tôi đã làm mỗi ngày, những nỗi buồn, những nhớ thương quay quắt.  Đôi khi tôi viết trên những trang giấy trắng những giòng chữ: - “Má ơi con nhớ má, má đang làm gì giờ này, má ăn cơm có…ngon không?”  Hay là – “Bố ơi, bố có phải đi hành quân nhiều không? Bao giờ bố về phép?  Khi nào bố dẫn chúng con đi gặp má?”-  Vậy mà chừng gặp má rồi tôi lại không tíu tít được như hai em!
 
Cả tháng trời mấy má con mới gặp nhau có chừng một tiếng đồng hồ nhưng chỉ ngồi được một lúc là má có vẻ vội vã muốn đi ngay.  Chắc tại má sợ kéo dài thì giờ thăm viếng sẽ làm Kim Trúc bịn rịn không rời?  Hay tại má không dám làm phiền cô Tú Trân lâu vì cô phải đưa chúng tôi trở lại nhà ông bà nội trước khi cô về nhà chăm sóc cho hai đứa con cô?  Má hấp tấp bế chúng tôi lên xe, rồi quay quả bước đi.  Nhưng nhiều lần sau khi xe xích lô máy chạy được một quãng, tôi nhìn lại, vẫn thấy bóng má đứng cạnh lề đường, kéo tay áo lên lau nước mắt, nhìn theo.

Những lần về phép sau này bố không về nhà ông bà nội mà vào thẳng nơi má ở trọ cho đến gần ngày phải trở lại đơn vị bố mới ghé về nhà thăm chị em tôi.  Thỉnh thỏang, bố đem hết mấy đứa chúng tôi đi thăm má.  Bố dẫn má với mấy đứa tôi đi ra góc Nguyễn Tri Phương ăn nghêu sò, hột vịt lộn, tòan là những thứ mà ở nhà bà nội không cho ăn.  Má ngồi ôm Kim Trúc trong lòng, không cho em ăn những thứ này sợ em bị đau bụng.  Bố múc cho tôi và Kim Lan những cái lòng trứng đỏ, còn bố thì ăn mấy con vịt con.  Đôi khi bố còn cho tôi tợp thử mấy hớp bia.  Tôi ngồi nhâm nhi mấy con nghêu chấm nước mắm mà nghĩ đến bà nội.  Bà mà gặp cảnh gia đình tôi đang la cà ở ngòai đường như thế này thì chắc bà sẽ lăn đùng ra ngất xỉu.

*

Hai năm sau Quốc Trung ra đời.  Má đặt tên em là Trung để nhớ con đường mình đang ở.  Trung vẫn có cái tên lót chữ Quốc theo đúng như gia phả.  Ông bà nội không nói gì về việc bố má tự đặt tên con.  Có được Quốc Trung là ông bà mãn nguyện lắm rồi.  Má dọn trở về nhà ông bà nội một tuần lễ trước ngày làm đầy tháng cho Quốc Trung.  Bố cũng vừa được đổi về làm tại Bộ Tổng Tham Mưu hơn hai tuần trước.  Bà nội cho mở tiệc linh đình, mời họ hàng, bà con chòm xóm đầy nhà để mừng hai niềm vui đến cùng một lúc.
 
Ông nội ngồi khề khà bên cốc bia với bố, nói cười hỉ hả, còn bà nội thì ngồi bên cạnh cái nôi nhỏ của Quốc Trung canh em chăm chăm như thể em có thể trốn chạy đi chơi.  Bà bỏ quên hai thằng Anh Tú, Anh Tuấn đang lẩn quẩn bên cạnh bà mè nheo, vòi vĩnh.  Thằng Anh Tú nắm áo bà nội giật mãi mà cũng không thấy bà ngó ngàng gì đến nó nên nổi cơn ghen, thò tay vào nôi bấu chân Quốc Trung làm em khóc thét.  Bà nội lật đật nhấc bổng Quốc Trung lên vỗ về, miệng quát mắng thằng Anh Tú.  Cô Tú Trân giận dỗi kéo con ra:

- Thôi ra đây với mẹ, bà có cháu quý của bà, bà hết thương mình rồi con ạ.

Bà nội lườm ngúyt cô, tay vẫn xoa nhẹ vào chân Quốc Trung:

- Cô này nói năng nghe hay nhỉ, bà nào hết thương cháu, nhưng em còn bé mà bấu em như thế thì còn gì chân em.

Bà đu đưa Quốc Trung dỗ cho em nín:

- Nín đi, nín đi đích tôn của bà, Anh Tú hư bấu em hả, bà thương đền em nhá.

Bà nội hôn chùn chụt trên má em rồi cười tít mắt bảo:

- Một trăm đứa chúng mày thì không bằng một thằng đích tôn của bà thật.

Tôi lẻn vào trong phòng tìm má.  Má đang nằm ôm Thanh Thanh ấp cho em ngủ.  Má nằm im nghe hết những tiếng cười đùa, đối đáp vang vọng từ nhà ngòai vào mà nước mắt vẫn đoanh tròng.  Tôi leo lên nằm bên cạnh má, không dám dựa sát người má vì tôi biết má vẫn còn đau nơi vết mổ.  Quốc Trung to quá nên bác sĩ phải mổ đem em ra.  Tôi xoa nhè nhẹ phía ngòai áo má:

- Quốc Trung hư quá, làm má phải mổ đau phải không?

Má xoa đầu tôi:

- Má không còn đau đâu, xích lại gần đây với má.  Đừng trách em, con phải cám ơn em mới đúng.  Má phải cám ơn em, nhờ có Quốc Trung mà má còn có dịp về với các con.  Má mừng, má khóc đó thôi.

Hai má con tôi nằm ôm nhau được một lúc, cho đến khi có tiếng cô Tú Trân từ ngòai cửa phòng vọng vào:

- Chị cả đâu rồi, me bảo mời chị ra cho bà con, hàng xóm chúc mừng.

Má vội trả lời:

- Nhờ cô thưa với me tôi ra ngay.

Má nhỏm dậy, đặt Thanh Thanh vào giữa giường, lấy cái gối ôm chặn phía ngòai cho em khỏi té.  Má bước xuống giường, thay bộ quần áo mới, thoa lên mặt một lớp phấn hồng, chải lại mái tóc rồi dẫn tay tôi ra nhà ngòai chào khách.  Má mở nụ cười thật tươi đón nhận những lời chúc tụng của bà con hàng xóm, và tạm quên những giọt nước mắt chảy vào lòng.

                                                           

Bảo Trân
(4/22/06)

* Theo tục lệ Trung Hoa, anh chị em cùng một thứ bậc (con chú bác, cô cậu, dì già) được xem là anh chị em một nhà.  Thứ tự lớn nhỏ được sắp xếp tùy theo ngày sinh.  Nên tuy là con bác, nhưng nếu sinh sau vẫn được xếp vào hàng em.