Mười hai tiếng chuông đồng hồ thong thả ngân lên, hòa nhịp với những tiếng cúc cu đều đặn của con chim gỗ trong tổ đang ló đầu ra, rút cổ vào.  Trúc duỗi hai tay mệt mỏi:

        -  Vậy mà nửa ngày rồi, công việc vẫn chưa đâu vào đâu cả.

         Hảo nhìn lên cái đồng hồ treo trên bức tường ngăn đôi căn phòng, bảo với Trúc:

         -  Ông chủ nhà này cũng tử tế đấy nhỉ, ông ấy sợ tụi mình làm việc mê mải quên thời gian nên gắn ngay cái đồng hồ ở đây để nhắc nhở.

         Trúc cũng nhìn lên cái đồng hồ cười:

         -  Cái đồng hồ này là của một người bạn ông Trần mừng tân gia.  Thay vì treo ở nhà ông ấy lại đem treo ngay ở đây, ai nhìn cũng thấy tức cười.  Nhưng ông Trần bảo căn phòng im lặng quá nên phải có một vài tiếng động cho vui.  Mấy bà chưa biết ban đầu nó gây phiền phức đến thế nào đâu, ai lại giữa lúc mình đang thao thao bất tuyệt giải thích cho khách hàng nghe về sự lợi hại khác biệt của mấy cái bảo hiểm thì nó lại thản nhiên kéo một tràng cúc cu, cúc cu, báo hại cả chủ lẫn khách đều ngẩn ngơ rồi lăn ra cười đau cả bụng.  Bây giờ thì quen rồi thành cũng thấy vui vui.  Nào, mấy bà định đi đâu ăn đây?

         Hảo quay sang Ly hỏi:

         -  Đi ăn phở không Ly?

         Ly đáp, không nhìn lên, mắt vẫn chăm chú nhìn vào xấp giấy tờ bừa bộn trên bàn:

         -  Thôi lười quá, hay chị đi mua gì về ăn đi.

        Hảo dẫy nẩy lên phía sau:

         -  Có gì đâu mà mua về, lại bánh mì, xôi gà thịt nướng, gỏi cuốn, tòan là thứ làm sẵn để cả ngày.

         Ly nói:

         -  Tự dưng em cảm thấy khó chịu, không muốn ăn gì hết.  Hay chị đi ăn rồi về ghé Thiên Hương mua cho em mấy cái bánh bột lọc, chè đậu với một hộp ô mai là đủ rồi.

         Trúc cười thành tiếng:

         -  Dạo này bà Ly chỉ thích ăn vặt thôi, hay lại “morning sickness” rồi?

         Ly cũng cười:

         -  Biết đâu đấy nhỉ, nhà có hai thằng cu rồi, đang mong có một con bé cho vui cửa vui nhà.

         Hảo lầu bầu:

         -  Không chừng lại thêm một thằng con trai nữa mới thật là…vui.  Như tôi kia, lần đầu có bầu khỏe re, lần thứ hai bị hành từ tháng đầu đến tháng cuối, ai cũng bảo đổi đầu con, ai ngờ cuối cùng rồi cũng ra một chú nhóc con.

         Trúc than thở:

         -  Được như hai bà tôi cũng mong, từ nào tới giờ vẫn cu ki có hai vợ chồng.

         Hảo nói:

         -  Tại hai ông bà chăm chỉ làm giàu quá mà.

         Trúc lắc đầu:

         -  Khổ là chỉ đủ để trả nợ thôi…

         Hảo đứng dậy cầm ví đến bàn Ly:

         -  Nhất định không đi phải không?

         Ly ngước mắt lên nhìn Hảo:

         -  Ly mệt quá, với lại chiều nay phải ăn phở rồi, bố con nó than thèm phở quá, Ly mới nấu cho một nồi to ở nhà, trưa ăn phở, chiều lại ăn phở nữa, ngán chết.

         Trúc trêu:

         -  Gớm bà này, cưng chồng con quá đi mất thôi.  Sao không đợi chiều đi làm về mua cho mấy cha con mấy tô phở “to go” có phải tiện không?

         Ly quay sang Trúc:

         -  Tại thằng con nhỏ cứ bảo mẹ nấu ngon hơn ở tiệm, với lại khuya bố con nó có muốn “xíu dề” thì cũng còn…phở mà ăn.

         Trúc vươn vai đứng lên:

         -  Tôi thì còn lâu mới có dịp nấu nướng.  Ở dưới này cơm hàng cháo chợ quen rồi.  Bẩy, tám giờ tối mới đóng cửa tiệm thì làm sao cơm nước cho nổi.  Với lại chỉ có hai vợ chồng, soong chảo chi cho nó lách cách.  Cơm tháng thế mà tiện, ai như bà Ly đi làm về còn phải hầu phở, rửa chén nữa thì chết. – Trúc quay sang nói với Hảo – Thôi mình đi ăn, bà Hảo, tự dưng tôi cũng thèm một tô phở nóng. – Trúc gọi với vào phòng trong – Anh Trần có đi ăn không?

         Trần lững thững bước ra:

         -  Đi đâu vậy?

         Trúc đáp:

         -  Xuống dưới nhà ăn phở thôi mà.

         Trần ngần ngừ:

         -  Anh còn mấy cái program bảo hiểm phải chạy cho xong, chiều nay người ta đến lấy.  Hơn nữa khỏang hai giờ anh lại phải ra ngòai rồi.  Thôi mấy bà đi ăn đi, Trúc mua về cho anh một tô “to go” là được rồi. 

         Trúc nói:

         -  Chỉ có em và bà Hảo đi thôi, bà Ly thích gặm ô mai để bụng chiều về còn ăn phở nóng với chồng con bà ấy.

         Trần nhìn về phía Ly rồi bỏ đi vào trong.  Trúc, Hảo mở cửa bước ra.  Hảo quay đầu lại dặn với:

         -  Đừng làm việc nhiều quá nghe Ly.

         Ly biết Hảo trêu mình nên lắc đầu cười:

         -  Yên trí, không dành hết phần chị đâu.

         Ngồi một mình ở lại bàn, định làm nốt mấy cái giấy tờ Ly lại lười biếng.  Cơn khó chịu của ban sáng lại trở về.  Ly cúi xuống hộc bàn kéo ví tìm chai Nhị Thiên Đường xoa lên thái dương, lên cổ, lên mũi.  Mùi dầu thơm làm Ly thấy bớt nôn nao.

         Không buồn xếp hồ sơ lại, Ly chống tay lên cằm ngồi nhìn ra trời Bolsa nắng quái.  Ly ngồi bàn phía ngòai gần cửa sổ nên có thể nhìn thấy khung cảnh tấp nập ở ngòai hành lang thương xá.  Cuối tuần nên thiên hạ dập dìu mua sắm.  Vợ chồng, con cái, bè bạn tíu tít bên nhau.  Ly chợt nhớ đến vẻ mặt cau có của Hữu mỗi sáng cuối tuần khi Ly xách ví ra xe.  Hữu đã từng càu nhàu:

         -  Số em chắc số trâu rừng nên cả ngày long đong, bon chen cho lắm rồi cũng hai tay xuôi.  Một việc làm chưa đủ mệt lại đòi thêm việc thứ hai.  Mình đã đến nỗi đói đâu mà em phải chạy đông chạy tây cho vất vả.  Một tuần lễ em đi hết bẩy ngày, còn thì giờ nào cho con, cho anh nữa.

         Ly đã phải dỗ dành:

         -  Chỉ một thời gian thôi, giữa tháng tư là ngớt việc rồi.  Anh đã bảo anh không muốn em đi làm full-time nữa phải không?  Thì em đang chuyển sang việc làm part-time đây mà.  Phải tập sự mới có kinh nghiệm chứ, vạn sự khởi đầu nan mà.  Có phải bỏ việc này, nhảy sang việc khác là được đâu.

         Tuy nói vậy nhưng mỗi tuần lái xe ra, nhìn Hữu với thằng con nhỏ đứng ở cửa sổ trên lầu nhìn xuống Ly lại thấy buồn buồn.  Nếu Ly không phải bon chen thì cả nhà đã có những ngày cuối tuần thật đầm ấm.

         Tiếng chuông điện thọai reo vang.  Ly không buồn nhấc máy, nàng với tay bấm nút speaker.  Tiếng trẻ con lao xao bên kia đầu giây:

         -  Má mi, má mi.

         Ly biết ngay là cu Nhím, nhưng vẫn vờ hỏi:

         -  Đứa nào đó?

         Tiếng thằng con nhỏ của Ly nhẹ nhàng:

         -  Con

         -  Con là đứa nào?

         -  Con là Nhím.

         -  Nhím ăn gì chưa?     

         Thằng bé phụng phịu:

         -  Rồi, nhưng bố không cho con ăn phở.

         -  Sao vậy?

         -  Bố bảo đợi má mi về ăn – thằng bé thì thầm – má mi, con nhớ  má mi, má mi về sớm nhá.

         Ly chưa kịp trả lời thì tiếng Hữu đã vang lên trong máy:

         -  Bố muốn mẹ về sớm hôm nay, ngày mai thứ hai mẹ nhớ không?

         Ly gật đầu, tưởng như Hữu có thể trông thấy:

         -  Ok, mẹ về sớm.

         Tiếng Hữu ngập ngừng:

        -  No exception?

         Ly cười:

         -  Mẹ hứa.

         Máy cúp rồi mà Ly vẫn còn ngồi lặng im ở bàn.  Chủ nhật nào cũng vậy, từ sau cái chủ nhật đông khách Ly và Hảo phải ở lại đến hơn chín giờ tối mới về, Hữu vẫn điện thọai nhắc Ly đi về sớm bởi thứ hai Ly phải đi làm ở sở chính.  Thường thì Hảo và Ly vẫn thu xếp về sớm ngày chủ nhật, nhưng không hiểu sao cái chủ nhật đó người hẹn quá đông, cộng thêm người không có hẹn nghe bạn bè giới thiệu cũng tìm đến nên Ly và Hảo làm việc đừ người.  Sáng hôm sau, nhìn vẻ mặt hốc hác của Ly Hữu đã tức giận.  Chàng bắt buộc Ly phải lựa chọn một trong hai cái việc làm này, mà việc nào thì bây giờ Ly cũng không thể bỏ được.  Ly đã phải long trọng hứa với Hữu là bắt đầu từ tuần lễ sau Ly sẽ làm việc ít giờ hơn.

         Nghĩ đến xấp hồ sơ đang làm dở dang và lời hứa với Hữu, Ly lại cúi xuống cặm cụi làm.

         -  Ly uống miếng nước.

         Ly ngửng đầu lên.  Trần đã đứng cạnh bàn Ly tự bao giờ. Ly Seven-Up đặt trước mặt Ly.  Ly cười:

         -  Cám ơn anh Trần.

         Trần kéo chiếc ghế ngồi xuống đối diện với Ly, điếu thuốc vừa châm, trên tay:

         -  Ly chăm chú làm việc quá vậy, phải nghỉ ngơi một chút chứ.

         -  Có gì đâu anh, việc nhẹ thôi mà.  Thanh tóan xong hồ sơ nào thì đỡ hồ sơ đó, với lại chủ nhật Ly phải về sớm. 

         Trần nhìn Ly đăm đăm, nói một hơi:

         -  Đã định pha cho Ly một ly chanh muối bỏ ít đá, nhiều đường, nhưng hình như Ly đang bị “khó chịu trong người”.  Tôi nghe nói Seven-Up làm dễ chịu hơn cho những “căn bịnh” như của Ly.  Ban nãy tôi ra, Ly đang nói điện thọai, nên không dám làm rộn, thấy Ly có một gia đình hạnh phúc, tôi cũng mừng.

         Ly ngậm cứng cục đá trong miệng nhìn Trần.  Trần dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn ở bàn bên cạnh, anh nhìn thẳng vào mắt Ly:

         -  Ly có nhất định là không nhìn tôi không?

         Ly cúi đầu.  Ly biết rồi thế nào cũng có ngày Ly phải trả lời câu hỏi đó, nhưng Ly đã không nghĩ là cái ngày đó đến sớm hơn Ly dự đóan.

 

                                                                      *

                                                                *          *

         Ly là một cán sự xã hội.  Làm mãi một công việc suốt mười năm dài khiến cho Ly nhàm chán, mà lương bổng thì cũng chẳng đi đến đâu.  Hữu đã bảo Ly nghỉ ở nhà năm năm trước, khi hai người đã có đứa con thứ hai.  Lúc đó, công việc của Hữu đã gọi là khá vững chắc.  Nếu Ly muốn thì Ly có thể trở lại trường, đi học nốt cái bằng cử nhân Ly bỏ dở dang.  Nhưng Ly thì tiếc những tháng ngày thâm niên đã đóng góp cho công việc nên cứ lần lựa chưa thể quyết định.  Ly nói với Hữu là Ly sẽ nhất định nghỉ làm khi đứa con thứ ba ra đời.

         Thật tình thì Ly chưa muốn nghỉ làm vội.  Ly không muốn đời sống của mình dừng lại ở một chỗ.  Những ngày đầu khó khăn của cuộc đời mới đã cho Ly cái ý tưởng vươn lên.  Lương kỹ sư của Hữu, chỉ đủ để cho những chi tiêu cần thiết.   Muốn thong thả hơn một chút thì Ly phải tiếp tục đi làm.  Hữu không đồng ý với quan niệm của Ly. Hữu bảo có việc làm đủ ăn, gia đình hạnh phúc yên vui là đủ.  Năm ngày trong tuần đi làm, thì giờ cuối tuần là của gia đình.  Hữu không muốn Ly đi làm hòai, chàng muốn Ly dành nhiều thì giờ cho con cái.  Hữu thích có nhiều con, biểu tượng của hạnh phúc.  Hai người có hai đứa con trai, Hữu vẫn thích có thêm hai đứa con gái cho đủ hai cặp.  Hữu vẫn đốc thúc Ly nhưng Ly thì vẫn chần chừ. Ly sợ đứa con nhỏ sẽ làm cản trở nhiều dự tính của Ly nên năm nay cu Nhím đã lên năm rồi mà Ly vẫn chưa có ly do để nghỉ việc.

         Tình cờ, Ly gặp Hảo trong một buổi họp nghiệp đòan.  Hảo là thư ký, làm bên tòa án.  Cũng như Ly, Hảo nhàm chán với tám tiếng đồng hồ đều đặn mỗi ngày, như Ly, Hảo cũng muốn tìm cách đổi việc làm.  Hai người rủ nhau đi học khai thuế lợi tức cá nhân.  Công việc này có vẻ hấp dẫn Ly vì Ly đã từng học qua những lớp kế toán ngày còn đi học.

         Cầm cái chứng chỉ tốt nghiệp trên tay mà Hảo và Ly vẫn phân vân không biết phải nhận việc ở nơi nào.  Hảo rủ:

         -  Hay mình xuống Bolsa đi Ly, ở dưới nhiều dân Việt Nam mình nên chắc sẽ có lắm rắc rối như dân Mỹ, đại khái thì hai vợ chồng đi làm, tốn tiền gửi con, có một cái nhà cùng vài thứ linh tinh để khai chiết giảm, chẳng có lắm stocks, lắm bonds mua tới bán lui,  để mình phải điên đầu với lỗ, với lời…

         Ly nghĩ đến con đường dài từ nhà xuống Bolsa ngần ngại, nhưng ở H & R Block thì trả lương ít quá, tính ăn chia theo từng hồ sơ, dân mới tập việc như Hảo và Ly đem về nhiều lắm được khỏang bốn đồng rưỡi một giờ.

         Một hôm Hảo điện thọai sang sở Ly, bảo dưới Bolsa có một văn phòng bảo hiểm muốn cho thuê lại nửa gian để đỡ tiền phố.  Chính ra thì một người bạn của chồng Hảo đã đặt cọc tiền thuê ở đấy để mở một văn phòng lo dịch vụ di trú, nhập quốc tịch, nhưng rồi một lý do nào đó anh không làm được nên bỏ ngang.  Hảo rủ Ly đến xem.

         Vừa đến nơi Ly đã thích ngay cái vị trí phồn thịnh của văn phòng này, nằm giữa một trung tâm thương xá nhiều người qua lại tấp nập.  Căn phố dễ gợi sự chú ý của khách hàng nhờ nằm ngay ở căn đầu.  Trúc, bà chủ văn phòng bảo hiểm cũng trạc tuổi Ly với Hảo, lịch sự, dễ thương.  Bà dẫn Hảo, Ly đi giới thiệu một vòng.  Bên tay phải căn phòng là hai bàn giấy của hai vợ chồng bà.  Cả hai ông bà đều lo việc bảo hiểm, từ xe cộ đến nhà cửa, nhân thọ.  Riêng ông chủ thì kiêm thêm nghề địa ốc.  Bên trong là một căn phòng nhỏ, nơi đặt bộ máy computer, và bàn giấy tờ liên quan đến phần việc địa ốc của ông chủ.  Phần bên trái gian ngòai có thể đặt vừa hai bàn giấy mà vẫn còn chỗ trống có thể kê thêm một vài chiếc ghế cho khách ngồi chờ đợi.

         Hảo đồng ý ngay.  Ly cũng không phản đối.  Hai người đặt tiền thuê và bắt đầu làm việc.  Ly và Hảo thay phiên nhau lấy mấy tuần nghỉ phép bởi mùa thuế đã bắt đầu. 

         Và khúc mắc khởi đầu từ một ngày cuối tuần Ly và Hảo xuống làm.  Bà chủ đã đưa một người đàn ông đến giới thiệu với Hảo và Ly là ông chủ, đã trở về sau hai tuần đi họp ở miền Đông.  Người đàn ông đã nhìn Ly chăm chăm khi nghe bà chủ giới thiệu đến tên Ly. Và Ly cũng nhận ra ngay nét quen thuộc trên mặt người ấy, người đã cùng Ly có một thời gian…nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời…

                                                                     *

                                                                *          *

         …Mười tám năm về trước, Ly mới chỉ là một cô bé học trò đệ ngũ ngu ngơ, ham làm thơ và hay vơ vẩn cùng mây gió.  Trần, hồi ấy cũng là một thư sinh trường bạn.  Nhà Trần và Ly ở cùng một con đường, cách nhau ba con hẻm nhỏ, nhưng trường Trần và trường Ly lại cách nhau bốn, năm đại lộ thật xa.  Thế nhưng mỗi trưa đi học Ly vẫn thấy chiếc xe Honda đỏ chạy cùng đường đến trường Ly và mỗi chiều đi học về Ly cũng thấy chiếc Honda đỏ chạy theo Ly về đến nhà.

         Thường thì Ly đi học một mình nhưng khi về Ly có hai con nhỏ bạn cùng về.  Ỷ phe ta đông nên Ly lơ anh chàng Honda đỏ phía sau.  Thật tình thì đôi chân Ly cũng luống cuống lắm khi Ly phải đi một mình nốt đọan đường ngắn, trước khi về nhà, Ly phải vượt qua đầu con hẻm đó, có anh chàng dừng Honda chờ đợi.

         Ngày đó, Ly hay làm thơ, hăng say thành lập thi văn đòan.  Ly có một quyển thơ bằng giấy carô bìa đỏ, gồm có những đóng góp của những nhà thơ “chưa nổi tiếng” và cả những góp nhặt thơ của những nhà thơ đã nổi tiếng.  Quyển thơ này được chuyền tay cho tất cả các đòan viên. 

         Tình cờ Ly gặp lại người bạn cũ, Ngọc Huệ, học chung lớp luyện thi đệ thất.  Huệ thi rớt, học trường tư nên lâu rồi Ly không gặp.  Huệ  cũng ở cùng một con đường mà Ly không hề để ý.  Ngọc Huệ cũng hăng say viết lách, đang làm trưởng ban báo chí của lớp bạn.  Nghe nói Ly thành lập thi văn đòan nên Huệ cũng hăng hái xin gia nhập.

         Hân hoan vì tuyển mộ thêm được một tân binh, Ly đưa ngay quyển thơ cho Huệ để bạn đóng góp vào làm lễ ra mắt.

         Tuần sau, Ly nhận được quyển thơ của Ly về với năm bài thơ tình thật dễ thương, bắt đầu với bài “Mộng Dưới Hoa”.  Nét chữ cứng cáp của con trai, thật bay bướm, nhất định không thể là nét chữ của Huệ.  Hỏi, cô bạn chỉ mỉm cười không nói.  Năn nỉ mãi không được, Ly đe dọa rút tên Huệ ra khỏi thi văn đòan, cô bạn mới gãi đầu, gãi tai giải thích:

         - Cùng một ngày Ly đến nhà Huệ chơi, nói chuyện về thi văn đòan, thì tình cờ anh cô cũng có một người bạn thân học cùng lớp đến thăm.  Người bạn ấy đã lặng lẽ ngồi chiêm ngưỡng Ly từ một góc nhà trong.  Khi Ly về rồi người bạn ấy mới hỏi thăm Huệ về Ly.  Nghe nói Ly là đòan trưởng một thi văn đòan nên anh chàng cũng xin gia nhập.  Anh chàng không có tài làm thơ, viết văn nhưng có công trình sưu tập thơ của những tác giả nổi danh.  Anh chàng đã “cướp” quyển thơ của Ly từ tay Huệ về để chép thơ vào cho Ly thưởng thức.  Và anh chàng ấy không ai xa lạ hơn là Trần, người đã mỗi ngày dừng chiếc Honda đỏ ở đầu ngõ nhà anh để chờ Ly đi học về…-

         Ly đứng chết sững khi nghe lời Huệ phân trần, Ly không biết phải làm sao, bỏ quyển thơ thì không được vì đây là cả một công trình góp nhặt của bọn Ly trong đó, mà cầm về thì khỗ với bạn bè thôi, tụi nó sẽ chọc Ly cho bằng thích.

         Giận quá, Ly đưa lại quyển thơ cho Huệ, bảo Huệ nhắn lại với anh chàng là phải đền trả lại cho Ly… những trang giấy trắng. Sau ngày đó, Ly và cô bạn mới gặp lại giận nhau.

         Ít lâu sau thì thi văn đòan của Ly cũng tan vỡ.  Bạn bè của Ly bị lôi cuốn vào những đam mê mới của tuổi ô mai.  Ly thì vẫn không quên được quyển thơ carô bìa đỏ, nhưng cũng không làm sao lấy về lại được từ anh chàng đi xe Honda đỏ.

         Một ngày Ly đi học, Trần đã chặn lối Ly ở góc rẽ đến trường, trao trả lại cho Ly quyển thơ ngày cũ, khẩn khỏan xin ở Ly một tình bạn chân thành, không hiểu động lực nào thúc đẩy, Ly đã gật đầu.

         Từ đó,  công viên cư xá vàng có thêm chiều hò hẹn. Trần biết Ly thích ăn bò bía bỏ tương ớt thật cay.   Trần cũng không quên dặn cô hàng nước khi pha chanh muối cho Ly bỏ ít đá, nhiều đường.

         Rồi qua năm học sau, Trần theo gia đình về Tây Ninh.  Ly và Trần chỉ còn gặp nhau qua những lá  thư.  Người xưa bảo: - thư…từ, khăn… xa -, nên dần dà rồi sự liên lạc của Trần và Ly thưa thớt.  Từ một ngày nào đó, Ly quên viết thư cho Trần. 

         Trần giận Ly bỏ học đăng vào lính, anh chọn chốn địa đầu hỏa tuyến để đóng quân.

         Những tháng ngày di tản, Ly gặp lại một vài người bạn cũ của Trần, những người đã từng một lần biết chuyện của Trần-Ly.  Ly được nghe nhiều huyền thọai về Trần.  Nào là Trần chết trong chuyến bay cuối cùng của một ngày tháng bốn bẩy lăm.  Nào là Trần về Saigon sau giải phóng, biết Ly đi rồi nên tìm cách vượt biên, nghe đâu đã bỏ thân trong lòng biển cả.  Cũng có người bảo Trần đến xóm cũ tìm Ly, nghe tin Ly lấy chồng rồi, Trần buồn nên cũng trở về quê lấy vợ, hai vợ chồng Trần hiện giờ rất khổ cực dưới chế độ mới.

 

                                                                       *

                                                                *          *

         Bây giờ gặp lại nhau ở đây.  Hơn một tháng trời làm việc gần nhau, sự có mặt của Hảo và Trúc đã làm cho Ly mạnh dạn, Ly cố tình lơ những lời nói bóng gió của Trần.  Có những lúc rảnh rỗi sau bữa ăn trưa, bốn người đã ngồi lại cùng nhau nói chuyện…quê nhà.  Trần đã nhân cơ hội này nhắc đến những ngày làm học trò quanh quẩn ở công viên cư xá vàng, bên xe đậu đỏ, bò bía ở trước cổng trường Ly.  Hảo và Trúc vô tình góp chuyện, bởi hai người cũng đã từng làm học trò ở đấy, chỉ có một mình Ly là biết được Trần đang nhắc nhở đến những ngày thân ái cũ…

         Ly chớp mắt:

         -  Anh nghĩ là Ly đã quên thật sao?  Ly đã cố tình làm lơ để giữa chúng mình không có gì bận bịu.

         Trần châm điếu thuốc khác,  nhưng rồi lại dụi ngay điếu thuốc vừa châm:

         -  Anh quên là Ly đã từng nói không thích anh hút thuốc.

         Ly nhỏ nhẹ:

        -   Ly không dám.

         Trần cười:

         -  Nhưng vợ anh thì không cấm, Trúc bảo hút thuốc cho có vẻ giống một ông chủ lớn. -  Trần nhìn Ly chăm chăm -  Ly có vẻ khác ngày xưa, mắt môi không còn vẻ sầu mộng của năm nào, em không còn giữ mái tóc dài buông thả ngang vai, nhưng từ lúc đầu gặp gỡ anh đã nhận ra ngay.

         Ly nói:

         -  Phải thay đổi chứ anh, hai đứa mình đều… già rồi, đều đã có gia đình…

         Trần bực tức:

         -  Anh vẫn không quên là hai đứa mình đều có gia đình.  Ly không phải nhắc nhở, bởi vì câu đầu tiên anh đã nói với Ly là anh mừng Ly có một gia đình hạnh phúc.  Hạnh phúc của anh, chết từ khi Ly quay lưng…

         Ly nhìn Trần, nước mắt rưng rưng:

         -  Anh đừng trách Ly như vậy, hơn nữa chị Trúc là một người thật tốt.

         Trần thở dài:

         -  Anh công nhận Trúc là người rất tốt, nhưng anh vẫn không quên được Ly.  Anh nghĩ, có lẽ vì anh yêu và hận Ly nhiều quá, nên không bao giờ anh xóa được bóng hình Ly trong tâm tưởng anh.  Ngày trước, anh đã dặn lòng nhiều lần, có dịp nào gặp lại Ly anh sẽ hỏi rõ nguyên nhân, tại sao chuyện chúng mình tan vỡ!  Nhưng rồi khi gặp lại Ly and vẫn không có can đảm để hỏi Ly câu hỏi đó.  Anh tự tìm hiểu và anh tự biết, đời lính, không bảo đảm được cho Ly, thân phận anh, sao sánh được với những sinh viên danh vọng bao quanh Ly, nên anh đã chôn vùi lời muốn nói.

         Ly cúi đầu, Ly không biết phải giải thích làm sao cho Trần hiểu lý do về sự chia tay của hai người.  Nếu bảo đó là một thay đổi tự nhiên bởi vì tình yêu Ly ấu trĩ, hay Ly đã thấy, Trần và Ly không cùng nhìn về một hướng, nên Ly đã bảo phải dừng chân để tình yêu của Trần không sâu đậm.  Nhưng Trần thì không chịu hiểu là như vậy, Trần giận Ly thay đổi, Trần trách cứ Ly mê say danh vọng, óan hờn Ly là kẻ bạc tình.

         Những ngày phép trở về Sàigon, Trần chỉ âm thầm chạy xe ngang nhà Ly, nhìn Ly rồi Trần lại đi.  Sau này, Ngọc Huệ cho Ly biết là Trần đi học lại, học miệt mài để được bằng những người theo đuổi Ly, nhưng Trần không chịu hiểu danh vọng đó không phải là hạnh phúc Ly muốn tìm kiếm ở nơi Trần.  Nhiều khi Ly muốn nói với Trần một câu để gọi là tạ tội, để Trần biết là Ly không thể nào trả được cho Trần món nợ ân tình to lớn ấy.

         Trần nói:

         -  Bây giờ thì anh cũng vẫn thua thiệt, chồng em là kỹ sư, còn anh thì không có được một cấp bằng.

         Ly nghẹn ngào:

         -  Đất nước người, đó chỉ là một phương tiện để kiếm ăn thôi.  Anh bây giờ, danh vọng, địa vị hơn bọn Ly nhiều.

         Trần cay đắng:

         -  Tiền bạc vẫn không mua được những gì mình ước muốn.  Ngày gặp lại Ly anh đã trách trời cao, sao bắt mình cách xa lại còn cho mình gặp lại nhau - Trần đứng dậy - Cho anh nói với Ly một câu mà từ lâu anh vẫn giữ trong lòng.  Ly, anh hận em thật nhiều nhưng anh vẫn yêu em, từ ngày đầu cho mãi đến ngàn sau. – Trần bước ra cửa – Trúc về, nhờ Ly chuyển lời hộ là anh có việc gấp phải đi.

 

                                                                       *

                                                                *           *

         Trần cho xe chạy hai vòng phố cũng không biết phải đi đâu.  Sau cùng, Trần ngừng xe lại ở lề đường bên cạnh một công viên nhỏ.  Xuống xe, Trần đi chầm chậm vào giữa lòng công viên vắng vẻ tìm một chỗ ngồi lẩn khuất. Trần không hiểu tại sao lúc nãy chàng lại bực dọc khi nghe Hảo nói với Trúc là Ly đã có thai gần ba tháng rưỡi, một thương yêu khác của Ly và Hữu đã thành hình.

         Ly đã không xuống làm hồi tuần rồi.  Hai ngày cuối tuần trước chỉ có một mình Hảo đi làm.  Hảo nói với Trúc là hình như Ly đau, gọi sang sở Ly thì nghe nói Ly cũng nghỉ một tuần,  điện thọai cho Ly ở nhà thì Ly bảo là không có gì quan trọng, Ly chỉ cần dưỡng sức một ít ngày thôi.

         Hôm nay, Hảo xuống với một người lạ mặt, Hảo giới thiệu với vợ chồng Trần là người bạn mới, sẽ đến làm phụ Hảo thay Ly cho đến hết mùa thuế.  Hữu không muốn cho Ly đi làm xa nữa.

         Trần bỏ ra xe khi Trúc đang lăng xăng nói chuyện với người mới đến.  Tuần trước nghe tin Ly đau Trần đã định gọi điện thọai đến sở hỏi thăm Ly, nhưng nghĩ lại Trần lại thôi,  Ly đã muốn tránh thì không có lý do gì Trần bắt Ly đối diện với Trần nữa.  Trần biết những câu nói cuối cùng của Trần đã làm cho Ly buồn lắm nhưng Trần không thể nào dấu đựơc lòng là cho đến bây giờ Trần vẫn còn yêu Ly.

         Trần chợt nhớ đến những bài thơ ngày cũ.  Ngày hai đứa còn…nhìn hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười… đó.  Những ngày hò hẹn bên công viên cư xá vàng, Ly hay nói về bài thơ của hai người yêu cũ gặp nhau trên đất khách, Ly đã đùa:

         -  Không biết mai này mình gặp nhau, đưa nhau đi con mắt còn có đuôi không?

         Trần đã đâu nghĩ có thể là tâm sự của Trần bây giờ.  Nhưng ít ra, hai người yêu nhau đó còn hạnh phúc ngồi kề bên nhau để hàn huyên tâm sự, ôn lại chuyện ngày xưa để cùng tiếc nhớ, để…đưa nhau đi con mắt còn có đuôi.

         Trần muốn sửa lại bài thơ cho Trần:

                  Mười tám năm sau

                  Tình cờ nơi đất khách gặp nhau

                  Hai mái đầu xanh đều chưa bạc

                  Nhưng em đã không muốn nhìn tôi

                  Nên không đưa nhau đi với con mắt còn có đuôi…

 

 

                                                              Bảo Trân